Thủ tướng TQ thăm New Zealand, vụ đàn áp xuyên quốc gia được truyền thông nhắc lại
- Bình Minh
- •
Ngày 14/6, một ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đến thăm New Zealand, nền tảng tin tức Stuff Circuit của New Zealand cáo buộc rằng Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một vụ bắt cóc có tổ chức ở New Zealand vào năm 2004. Đây là vụ “đàn áp xuyên quốc gia” điển hình do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện trên quy mô toàn cầu.
Đàn áp xuyên quốc gia đề cập đến việc một đất nước sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để gây áp lực, đe dọa, thậm chí bắt cóc công dân hoặc cựu công dân của mình trên lãnh thổ nước ngoài, nhằm đưa họ về nước xét xử hoặc bỏ tù.
Bị ĐCSTQ hăm dọa và đe dọa suốt 20 năm
Theo tài liệu của cảnh sát New Zealand, năm 2004, sau khi tham dự một cuộc họp bất động sản vào ban đêm được sắp xếp trước ở quận Mt Roskill của Auckland, nạn nhân “Michael” Quanzhou Liu đã bị 3 người đàn ông chặn lại và tấn công. Một trong số họ được trang bị súng lục.
Ông Liu bị thương nặng trong vụ tấn công và phải nhập viện. Cảnh sát mô tả đây là một cuộc tấn công kéo dài.
Ông nói với Stuff Circuit rằng một trong số những người đàn ông đó tự nhận là người của cơ quan an ninh Chính phủ Trung Quốc. Các nhân chứng tại hiện trường cũng xác minh vụ việc, và xác nhận những người đàn ông này là quan chức Chính phủ Trung Quốc.
Tài liệu của cảnh sát cho thấy, nghi phạm chính phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công, và rời New Zealand trên chuyến bay đầu tiên đến Trung Quốc vào ngày hôm sau bằng hộ chiếu Nauruan. Sau đó, nghi phạm thừa nhận qua email rằng ông ta đã tham gia vụ tấn công chỉ vì tiền.
Tháng 5/2004, ông Liu bị Viện kiểm sát tỉnh Giang Tô của ĐCSTQ cáo buộc “lợi dụng chức vụ” biển thủ công quỹ. Lệnh bắt giữ đã được ban hành với cáo buộc ông trốn sang New Zealand.
Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn, ông Liu kiên quyết phủ nhận cáo buộc này. Liu nói rằng ông chưa từng giữ chức vụ quan chức chính phủ, mà chỉ là một đầu bếp tại Học viện Giao thông Công cộng. Ông tin rằng lý do thực sự của những cáo buộc chống lại ông là do 2 quan chức chính quyền cấp tỉnh đã phàn nàn về ông với chính quyền trong một vụ tranh chấp tài sản.
Vụ bắt cóc xảy ra vào năm 2004. Kể từ đó, ông Liu liên tục bị đe dọa. Hiện tại, ông đang trong tình trạng không quốc tịch. Vì bị Chính phủ Trung Quốc truy nã nên ông không thể đáp ứng yêu cầu về “nhân cách tốt” để có được quốc tịch New Zealand. Nhưng ông cũng không dám trở về Trung Quốc vì sợ sẽ bị đối xử bất công, thậm chí bị bức hại.
Liu cho biết trong nhiều năm, ông thường xuyên bị ĐCSTQ uy hiếp và đe dọa. Dù ở nước ngoài nhưng ông vẫn sống trong sợ hãi. Hiện tại, ông mới quyết định công khai vụ việc của mình vì lo ngại mức độ xâm nhập của ĐCSTQ vào New Zealand đã lên đến mức nghiêm trọng.
Trong phim tài liệu, một người phụ nữ khác có tên Grace đến từ Trung Quốc cũng đề cập rằng 26 năm trước, bà nhập cư đến New Zealand vì khao khát dân chủ và tự do ngôn luận.
Không ngờ những năm gần đây, bàn tay vô hình của ĐCSTQ đã hiện diện khắp nơi, thậm chí còn có những chiến dịch bôi nhọ nhắm vào bà trên WeChat. Bà đã khóc và nói rằng dù có đến New Zealand, bà vẫn không thể thoát khỏi sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Nghị sĩ New Zealand kêu gọi điều tra
Vụ việc của hai người này tiết lộ cách Chính phủ Trung Quốc sử dụng chiến dịch “đàn áp xuyên quốc gia” toàn cầu, nhằm cố gắng đưa những người chỉ trích và bất đồng chính kiến trở lại Trung Quốc, để tiếp tục đàn áp họ.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của ông Liu, mà còn đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và chủ quyền tư pháp của New Zealand.
Cơ quan Tình báo An ninh và Cảnh sát New Zealand (NZSIS) đang xem xét vụ việc một cách nghiêm túc. Trong bản đánh giá mối đe dọa an ninh New Zealand vào tháng 8/2023, NZSIS cảnh báo, đàn áp xuyên quốc gia đã trở thành một trong những mối đe dọa an ninh của New Zealand, bao gồm việc cưỡng chế hồi hương, buộc một cá nhân phải trở về quê hương của họ.
Mặc dù các cơ quan an ninh New Zealand lo ngại về cuộc đàn áp xuyên quốc gia, nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai các hoạt động cụ thể. Trường hợp của ông Liu là một ví dụ điển hình về tính chất phức tạp và bí mật của các hoạt động bất hợp pháp do chính phủ nước ngoài thực hiện trên đất New Zealand.
Trường hợp của hai người trên không phải là những sự cố riêng lẻ. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã báo cáo những trường hợp đàn áp xuyên quốc gia tương tự của chính quyền ĐCSTQ.
Tháng 8/2023, tờ Washington Post đưa tin, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 77 người bị tình nghi lừa đảo trực tuyến ở Fiji vào năm 2017, và đưa họ thẳng về Trung Quốc mà không có bất kỳ phiên điều trần hay tài liệu dẫn độ nào. Một cựu sĩ quan cảnh sát cấp cao cho biết, ĐCSTQ chỉ đến và làm những gì họ muốn.
Tổ chức phi chính phủ nhân quyền Safeguard Defenders cũng đã báo cáo về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc, nêu chi tiết các trường hợp vi phạm nhân quyền, công lý và chủ quyền lãnh thổ nhiều lần và trắng trợn của ĐCSTQ.
Thống kê báo cáo cho thấy, từ năm 2014 – 2023, chiến dịch “Skynet” của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã xử lý hơn 12.000 vụ cưỡng bức hồi hương ở hơn 120 quốc gia và khu vực.
Cuộc đàn áp xuyên biên giới của ĐCSTQ cũng thu hút sự chú ý của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Trước đây, hầu hết các bị cáo bị cáo buộc âm mưu đàn áp xuyên quốc gia đều sống ở nước ngoài, nhưng hiện nay ngày càng nhiều nghi phạm bị chính quyền Mỹ bắt giữ và truy tố ngay trên đất Mỹ.
Theo phân tích của AP về các vụ truy tố của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, từ năm 2018 -2024, có hơn 50 người bị truy tố liên quan đến các cuộc đàn áp xuyên biên giới của ĐCSTQ.
Từ khóa nhân quyền Trung Quốc Lý Cường đàn áp xuyên quốc gia New Zealand Dòng sự kiện