Thượng nghị sĩ Rubio chỉ trích ông Biden mềm mỏng với Trung Quốc
- Trình Văn
- •
Sau cuộc gặp hôm thứ Hai (14/11) giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã chỉ trích ông Biden quá mềm mỏng với ông Tập Cận Bình.
Với tư cách là Phó chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Rubio đã đưa ra tuyên bố sau cuộc gặp vào thứ Hai (14/11) giữa Tổng thống Biden và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình:
“Tuyên bố của Tổng thống Biden rằng ‘không cần một cuộc Chiến tranh Lạnh mới’ giữa Mỹ và ĐCSTQ là bằng chứng cho thấy sự nguy hiểm của việc chính quyền này hiểu sai về ĐCSTQ vốn đang ngang nhiên thúc đẩy xung đột với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.”
“Tuần trước, khi ông Tập Cận Bình xuất hiện trong bộ quân phục và kêu gọi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) chuẩn bị cho chiến tranh, Bộ Quốc phòng của ông Biden đã rút toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu của Mỹ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Động thái cho thấy Mỹ không chỉ chưa sẵn sàng bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc xâm lược của PLA, mà thậm chí Tổng thống Biden hiện đang một lần nữa hạ thấp khả năng này.”
“Cuộc gặp đáng lý phải buộc ĐCSTQ chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền tràn lan, tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và từ chối điều tra nguồn gốc của COVID-19.”
Cuối cùng, ông Rubio phẫn nộ: “Trái lại, Tổng thống Biden đã cho thấy rằng ông ấy sẵn sàng hy sinh mọi thứ – kể cả an ninh quốc gia của chúng ta và an ninh của các đồng minh – để tiến hành các cuộc đàm phán về khí hậu đáng tiếc với địch thủ lớn nhất của đất nước chúng ta”.
Về cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình bên lề G20
Ông Biden và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20) ở Indonesia vào thứ Hai (14).
Theo hãng tin AP, đây là lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ ông Biden gặp trực tiếp ông Tập Cận Bình, đồng thời cũng là điểm nhấn trong chuyến công du của ông Biden kéo dài một tuần ở Trung Đông và châu Á. Cuộc gặp đã kéo dài gần 3 tiếng.
Trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, ông Biden nói: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta trên tư cách là nhà lãnh đạo của hai nước cần có trách nhiệm chứng tỏ hai bên có thể xử lý những khác biệt, ngăn chặn xu thế cạnh tranh biến thành bất kỳ điều gì gần với xung đột, tìm cách mà chúng ta có thể hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách, điều này đòi hỏi chúng ta phải làm việc với nhau”.
Tại họp báo sau cuộc hội đàm, khi nói đến Trung Quốc ông Biden cho biết rằng: “Mỹ sẽ cạnh tranh quyết liệt, nhưng không tìm kiếm xung đột”.
Ông cũng nói thêm, “Tôi hoàn toàn tin tưởng” rằng Mỹ không cần thiết phải có “Chiến tranh Lạnh mới” với cường quốc châu Á đang trỗi dậy.
Ông Biden nhắc lại chính sách “Một Trung Quốc” lâu nay của Mỹ, chính sách này công nhận Chính phủ Bắc Kinh nhưng đồng thời duy trì quan hệ quốc phòng và không chính thức của Mỹ với Đài Bắc, cũng như “chiến lược mơ hồ” về việc liệu Mỹ có phản ứng quân sự nếu Đài Loan bị tấn công. Ông Biden nói rằng bất chấp việc gần đây Trung Quốc không ngừng sử dụng vũ lực, ông không tin rằng “có bất kỳ nỗ lực sắp xảy ra nào của Trung Quốc nhằm xâm chiếm Đài Loan”.
Ông Biden cho biết ông và ông Tập Cận Bình cũng đã thảo luận về hành động gây hấn của Nga ở Ukraine và “tái khẳng định niềm tin chung của chúng tôi” rằng việc sử dụng hoặc thậm chí đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Điều này đề cập đến đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân công khai của Nga khi cuộc chiến xâm lược Ukraine kéo dài gần 9 tháng của nước này đã có dấu hiệu thất bại.
Cho dù giới chức ĐCSTQ tránh trực tiếp ủng hộ Nga, chẳng hạn như cung cấp vũ khí, nhưng nhìn chung họ không công khai chỉ trích Nga về cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Dù không đạt được đột phá mang tính bước ngoặt, nhưng cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình vẫn mang lại một số kết quả được chờ đợi từ lâu cho cả hai bên. Ngoài việc chia sẻ việc lên án mối đe dọa hạt nhân của Nga, ông Biden dường như đã nối lại cơ hội hợp tác cấp thấp hơn với ông Tập Cận Bình về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Trong khi đó ông Tập Cận Bình, người đặt mục tiêu biến Trung Quốc cộng sản trở thành đối thủ của Mỹ trong các mối quan hệ địa chính trị, đã có được đảm bảo cam kết mạnh mẽ đối với chính sách một Trung Quốc từ ông Biden tại cuộc gặp mang tính biểu tượng này.
Nhà Trắng cho biết ông Biden và ông Tập đã đồng ý “ủy quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt” làm việc trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm giải quyết biến đổi khí hậu và duy trì ổn định tài chính, sức khỏe và lương thực toàn cầu. ĐCSTQ đã cắt đứt những quan hệ này với Mỹ để phản đối chuyến thăm cấp cao của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào đầu tháng 8 năm nay.
Họ đã thống nhất để Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bắc Kinh để tiếp tục thảo luận về hợp tác giữa hai bên.
Cả ông Biden và ông Tập Cận Bình đều củng cố vị thế chính trị trong nước trước cuộc gặp rất được mong đợi tại G20. Đảng Dân chủ đã thành công giữ quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tuần trước, trong khi ông Tập Cận Bình tiếp tục là lãnh đạo ĐCSTQ bằng cách phá vỡ quy tắc tại Đại hội 20 vào tháng 10 để có thêm nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba.
Từ khóa Joe Biden Marco Rubio Tập Cận Bình Hội nghị Thượng đỉnh G20