Một mẩu tin lan truyền trên Internet cho thấy, ĐCSTQ có thể gây bùng nổ bê bối lớn tại Thế vận hội Paris 2024. Một đại diện Trung Quốc của Liên đoàn Bơi lội Thế giới (FINA) tên là Viên Hạo Nhiên (Yuan Haoran) được cho là đang xin tị nạn chính trị và sẽ không trở về Trung Quốc. Đây là tin chưa được kiểm chứng, nhưng hiện tại tất cả bài đăng trên Weibo của Viên Hạo Nhiên đều đã bị xóa và tài khoản cũng đã bị đóng.

doi boi Trung Quoc
Các vận động viên bơi lội Trung Quốc tại Olympic Paris 2024. (Ảnh chụp màn hình video)

Đồng thời, một số ảnh chụp màn hình weibo được cho là của Viên Hạo Nhiên đã được lan truyền trên mạng Trung Quốc. Các ảnh chụp màn hình cho thấy những ngôn luận này rõ ràng vẫn duy trì tư duy độc lập của riêng mình.

Hôm 5/8, một tin tức lan truyền trên Internet viết: “Việc ngốc nghếch nhất ở Thế vận hội Paris: Đại diện Trung Quốc Viên Hạo Nhiên của FINA sẽ xin tị nạn chính trị ở Pháp và không trở về Trung Quốc để bị kỷ luật và bị giám sát, điều tra!”

Có người chỉ ra rằng thân phận của Viên Hạo Nhiên là “Phó Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Bơi lội FINA, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Thể thao Đua xe đạp và Đấu kiếm Trung Quốc, nguyên Giám đốc Cục Bơi lội, đồng thời là đại diện của Hiệp hội môn thi cá nhân thuộc Ủy ban Chống doping Trung Quốc”.

Một số cư dân mạng chỉ ra: “Sau khi tìm kiếm, thực sự có khả năng xảy ra việc này. Trước hết, tài khoản Weibo của ông ấy đã bị cấm. Thứ hai, xét theo hồ sơ Weibo trước đây, có rất nhiều bình luận mà ở Trung Quốc là rất nguy hiểm. Ví dụ như ông ấy chế nhạo Tai nạn máy bay J-10 của Không quân, chế giễu Quân đội Giải phóng Nhân dân tiến hành tập trận quân sự sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Những ngôn luận liên quan đến quân đội, liên quan đến Đài Loan dạng này ở trong nước thì có thể dùng pháp luật để định tội ông ấy, hơn nữa xem một chút thì thấy nhiều cư dân mạng đang mắng mỏ ông ấy và yêu cầu cảnh sát điều tra nghiêm khắc, một số còn đe dọa ông ấy. Việc trở về Trung Quốc thực sự rất mạo hiểm, vì vậy có thể chạy được thì cứ chạy. 

Trên mạng Trung Quốc, tin tức về Viên Hạo Nhiên đang lan truyền rất nhanh.

Nhiều người cho rằng người dùng Weibo có tên “Bơi hỗn hợp” chính là Viên Hạo Nhiên. Bài đăng của người dùng này vào ngày 2/8 cho thấy địa chỉ IP là ở Pháp.

Trong bài đăng trên weibo này, “Bơi hỗn hợp” bày tỏ quan điểm của mình về cái gọi là “mặt đội tuyển bơi lội Mỹ tím tái sau trận đấu”.

“Hôm qua, các đồng nghiệp của tôi ở Bắc Kinh trò chuyện với tôi về thông tin trên mạng rằng những người da trắng thi bơi, sau khi bơi sẽ có mặt hồng. Tôi nói đùa rằng có lẽ đó là một video phát sóng trả phí nhưng video bị sai màu? Kết quả là tôi bị chỉ trích.

Sau đó tôi lướt Weibo thì thấy quả thực có khá nhiều bình luận, một số cư dân mạng đã phản hồi và lưu ý rằng không chỉ một chỗ hồng, mà cả một màn hình lớn của TV cũng hồng.

Nhân tiện, tôi đang ngồi gần bể bơi nhất nên tôi thực sự nhận thấy điều này. Tôi đã so sánh nó với một số bức ảnh chính thức ngày hôm nay và tôi không thấy có màu hồng như ảnh chụp màn hình trên mạng. Tôi không biết lý do cụ thể, phân tích thô thiển thì có thể có một số tình huống:

  1. Màu hồng là màu cảnh quan chính của Thế vận hội Olympic Paris. Nhiều đèn xung quanh trong bể bơi cũng có màu hồng, có thể được chiếu sáng ở điểm cuối (xem khuôn mặt của Hu Zike trong Hình 6 và 9, và phản chiếu trên mặt nước trong Hình 3, 5 và 7).
  2. Trong quá trình thi đấu, nhịp tim của vận động viên khi tập luyện cường độ cao sẽ vượt quá 180 nhịp/phút và nhiệt độ cơ thể đạt gần 40°C. Việc da bị ứ máu và đỏ bừng sau khi về đích là điều bình thường, ai sốt cũng đều đỏ, nhưng có lẽ không phải đỏ hồng kiểu kia.
  3. Người ta nói tại sao trong video chỉ có vận động viên da trắng mới bị đỏ, mà vận động viên của thiên triều (Trung Quốc) lại không đỏ, tôi không xem phát sóng trực tiếp được nên cũng không giải thích được nhiều, liệu có phải vì da của họ trắng?

Nếu không có lời giải thích nào ở trên là chính xác thì có thể là có chỗ nào đó bị lệch màu.”

Điều khiến cho nhiều ‘tiểu phấn hồng’ Trung Quốc (những thanh niên yêu ĐCSTQ mù quáng) khó chịu là “Bơi hỗn hợp” còn ca ngợi “sự bình tĩnh và tự tin trên khuôn mặt” của người Nhật trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo.

“Bơi hỗn hợp” đã nói trong một bài đăng trên weibo năm 2016,

“Tôi đến lại trung tâm bơi quốc tế Tatsumi (Tokyo) sau 14 năm, mọi thứ vẫn như cũ. Lần này công tác tổ chức không được như ý, mỗi một khâu đều không đến nơi đến chốn, khiến tôi rất mệt mỏi và thậm chí không có thời gian để lấy điện thoại ra chụp ảnh. Nhưng có một điều khiến tôi vô cùng cảm động, đó là sự điềm tĩnh và tự tin trên khuôn mặt của những người dân Nhật Bản bình thường, dù là người qua đường, nhân viên phục vụ khách sạn hay tình nguyện viên tại địa điểm. Trái ngược với sự nóng vội và bất an phổ biến của người thiên triều.”

Năm 2016, “Bơi hỗn hợp” cũng công khai chỉ trích Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc trên mạng xã hội Weibo.

Khi đó, Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên đã đăng bài trên mạng xã hội Weibo tuyên bố “hacker Nga xâm nhập Cơ quan chống doping thế giới và vạch trần việc nhiều vận động viên Mỹ sử dụng thuốc cấm”. Ngoài ra, vận động viên Williams và các chị gái của cô phải dùng ma túy để điều trị vào những thời điểm khác nhau. Vận động viên người Mỹ  Simone Biles 4 lần vô địch thể dục dụng cụ Olympic có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy nhưng không bị đình chỉ thi đấu.

“Bơi hỗn hợp” sau đó chỉ trích Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên ĐCSTQ rằng: “Việc không tiến hành nghiên cứu và phỏng vấn tại chỗ, chỉ dựa vào việc dịch các báo cáo rời rạc, sai ngữ cảnh từ truyền thông nước ngoài rồi liều lĩnh đăng lại hoặc bình luận chính là một mớ hỗn độn lớn trên các phương tiện truyền thông tự phát. Không ngờ điều này cũng đúng đối với các phương tiện truyền thông chính thống… Tôi hy vọng rằng các cơ quan tuyên truyền các cấp và những người làm truyền thông có thể có sao nói vậy,… công bố những bình luận tin tức một cách khách quan và công bằng để tránh gây hiểu lầm cho dư luận. Vui lòng nghiên cứu các tài liệu liên quan về miễn trừ dùng thuốc trước khi đăng tải”.

Ngoài ra, “Bơi hỗn hợp” còn chế giễu cựu lãnh đạo ĐCSTQ trên mạng xã hội Weibo.

Ông đã nói trong một bài đăng trên weibo trước đó, “Nghĩ lại làm ông chủ cũng không dễ dàng, sống thì mệt mỏi, chết rồi cũng bị trưng bày! Vẫn là người dân bình thường được tốt, lặng lẽ lặng lẽ.”

Screenshot 2024 08 07 at 8.29.06 AM
Ngày 2/8, tài khoản Weibo có tên “Bơi hỗn hợp” bày tỏ quan điểm về cái gọi là “mặt đội tuyển bơi lội Mỹ tím tái sau trận đấu”. (Ảnh chụp màn hình)

Khi ảnh chụp màn hình này lan truyền trên Internet Trung Quốc, có người đã tìm kiếm với cái tên “Bơi hỗn hợp” và phát hiện ra, ông đã chụp ảnh với Ninh Trạch Đào (Ning Zetao). Khi đó hồ sơ Weibo giới thiệu ông là “Giám đốc Viên –  Đại biểu đặc phái của Trung Quốc tại FIINA.”

Vì vậy, một số người cho rằng “Bơi hỗn hợp” chính là Viên Hạo Nhiên, hiện là quan chức cấp cao của Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc.

Trên mạng internet bên ngoài Trung Quốc, tin đồn bùng nổ này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng.

Có người chỉ ra: “Ngũ mao hôm qua bắt đầu chỉ ra tên tuổi của người này. Tôi tưởng họ đã ăn gan hùm. Hóa ra họ đã bỏ chạy. Paris đang trở nên sôi động, liệu có ai khác sẽ chạy trốn nữa không?”

Còn có người chờ đợi “tiết lộ câu chuyện bên trong của ‘Siêu nhân bơi lội’ năm nay”.

Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ và đồng tình với Viên Hạo Nhiên.

“Xem các bài đăng trước đây của Tiểu phấn hồng trên Weibo, ông ấy được coi là kẻ “nổi loạn” trong thể chế ĐCSTQ. Theo dư luận hiện nay ở Trung Quốc, ông ấy sẽ gặp tai họa nếu quay trở lại. Nếu không phải là tin đồn, xin tị nạn chính trị ở Pháp là một quyết định sáng suốt đối với ông ấy. Câu trả lời cho vấn đề doping của Trung Quốc có thể được ông ấy tiết lộ, bởi vì ông ấy đã đưa ra một bình luận kỳ lạ về Phan Triển Lạc (Pan Zhanle) trên Weibo, cảm giác như có ẩn ý trong lời nói của ông ấy.”

“Ông ấy là một người thông minh. Ai lại muốn khiêu vũ với sói?”

“Những quân domino đang bắt đầu đổ.”