Chính sách ngoại giao không can thiệp của Trump
Chính sách ngoại giao quân sự của Donald Trump được hé lộ trong buổi mít tinh hôm 7/12 gần Fort Bragg, căn cứ lục quân lớn nhất của Mỹ tại bang North Carolina.
Donald Trump trong buổi tập trung cảm ơn cử tri tại bang North Carolina
Trong khi giới thiệu tướng James Mattis, người được chọn cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Tống thống tân cử Donald Trump kêu gọi chấm dứt chính sách đối ngoại mà ông miêu tả là “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực.”
Đám đông người ủng hộ nồng nhiệt hoan nghênh khi ông giới thiệu vị tướng hồi hưu có biệt danh “Mad Dog”, cũng như khi Trump lập lại một lời hứa khác trong khi tranh cử, là xây dựng lại quân đội “đã rệu rạo” của Mỹ.
Hứa hẹn của ông Trump sẽ chấm dứt “chu kỳ can thiệp đã gây ra hỗn loạn tiêu cực” khiến một số nhà quan sát xem như một ám chỉ chính sách ngoại ngoại không can thiệp.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump thường xuyên công kích đối thủ Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ vì đã ủng hộ chính sách can thiệp quân sự vào Iraq và Libya – những chính sách mà ông quy là đã gây ra bất ổn và tạo điều kiện cho khủng bố trong khu vực.
Ông Trump nói: “Chúng ta sẽ thôi ra sức lật đổ chế độ cầm quyền ở các nước mà chúng ta chẳng hiểu tí gì về họ và chúng ta chẳng nên dính líu vào. Thay vào đó chúng ta phải tập trung vào mục tiêu là tiêu diệt khủng bố và đánh bại ISIS, chúng ta sẽ thành công.“
Thay vì can thiệp quân sự ở quy mô lớn, ông Trump ủng hộ chiến thuật tấn công nhanh và ở quy mô giới hạn trong cuộc chiến chống ISIS.
Nhưng tổng thống tân cử cũng dang một cánh tay với các thành viên NATO đang lo lắng về phát biểu chỉ trích cay độc của ông khi tranh cử rằng họ là những người không chia sẻ gánh nặng tài chính, mà chỉ hưởng lợi miễn phí.
Ông Trump nói: “Chúng ta không quên rằng chúng ta mong muốn củng cố quan hệ với các nước bạn truyền thống, và kết thêm bạn hữu mới.”
Tướng Mattis được ông Trump đề cử làm bộ trưởng quốc phòng là một nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược, dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về NATO. Đó là một chỉ dấu trấn an những người lập chính sách đối ngoại và các đồng minh.
Nhưng ông Trump cũng chọn một số nhân vật khác theo quan điểm diều hâu cho các chức vụ quan trọng. Tuy nhiều “chuyên gia” nói rằng chính sách đối ngoại của Trump vẫn còn trong quá trình hình thành, nhưng trong cuốn sách “Nước Mỹ què quặt” mà ông xuất bản một năm trước – được coi là đường lối tranh cử của mình, Donald Trump nêu rõ 3 nguyên tắc mà ông sẽ xây dựng nền quân sự Hoa Kỳ:
- Xây dựng một đội quân mạnh đến mức không bao giờ phải sử dụng đến nó. Mỹ sẽ trở lại là một lực lượng tin cậy mà đồng minh có thể dựa dẫm và kẻ thù thì run sợ;
- Sẽ không còn “bữa trưa miễn phí” đối với các đồng minh Á – Âu. Họ muốn được quân đội Mỹ bảo vệ, họ phải thanh toán hoá đơn;
- Chỉ tham chiến khi sự an toàn của người Mỹ bị ảnh hưởng, nhưng quân đội có thể phải chiến đấu với IS.
Có thể thấy các phát biểu và bổ nhiệm mà ông đưa ra sau khi đắc cử không hề đi xa khỏi ba nguyên tắc này.
Nhưng không nên hiểu rằng “không can thiệp” nghĩa là chính quyền của Trump sẽ bỏ mặc phần còn lại của thế giới. Sau cái chết của cố lãnh tụ Cuba Fidel Castro, tổng thống tân cử Mỹ tuyên bố sẽ đảo ngược các chính sách nới lỏng cấm vận và bình thường hoá quan hệ của Obama, nếu chính quyền Raul Castro không cải thiện nhân quyền. Trump vẫn sẽ dùng áp lực siêu cường số 1 để định hình các thay đổi trên thế giới, có lẽ còn cứng rắn và mạnh mẽ hơn chính quyền Obama.
Tuy nhiên những tác động này hiếm khi là vũ lực. Đây có thể là một điều tốt, vì các ví dụ tại Iraq, Libya, Syria và Myanmar đã để lại bài học sâu sắc rằng chỉ trông chờ vào ngoại lực để đạt được nền dân chủ mà người dân quốc gia đó không tự lực thì chỉ đem lại bất ổn và xáo trộn.
“Không can thiệp của Trump” nên được hiểu là ông “sẽ không điều quân tham chiến nếu không có bằng chứng rõ ràng về an toàn của người dân Mỹ bị tổn hại và không có một kế hoạch chiến thắng và rút lui an toàn”.
Nhưng áp lực mà người Mỹ có thể tạo ra đối bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới không chỉ có quân sự, và với tư cách là một ông trùm thương lượng, Donald Trump hiểu rõ điều này.
Trọng Đức (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump bầu cử tổng thống Mỹ ngoại giao