Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 10/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 360.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 186.235.104 ca, trong đó có khoảng 4.016.508 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Lusin_da_ra/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus corona nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (48.504 ca), Ấn Độ (41.475) và Anh (32.367 ca);  dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.116 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 899 ca) và Nga (752 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.724.926 người, trong đó có 622.817 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.836.231  ca nhiễm, bao gồm 408.072 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.069.003 ca bệnh và 532.893 ca tử vong.

Tại Ấn Độ, quốc gia này đang phải chật vật ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh. Bang Uttar Pradesh đối mặt với mối lo mới khi biến thể Kappa đã khiến một người tử vong. Theo Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng Khoa Vi trùng học thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das, biến thể Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến thể Delta vì hai biến thể này cùng một họ virus.

Kappa là một biến thể kép của virus gây bệnh COVID-19. Biến thể này đang gây “báo động đỏ”, khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này. Những triệu chứng khi nhiễm biến thể Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.

Tại Anh, số ca nhập viện do COVID-19 của Anh đã tăng 57% và số ca nhiễm tăng 30% sau một tuần lên 32.367 trường hợp, khiến các bác sĩ cảnh báo chính phủ không thể cho phép bình thường hoá kể từ 19/7.

Cụ thể, số ca nhập viện tăng 57,3% trong một tuần qua – theo dữ liệu được công bố ngày 10/7, đạt 563 ca, con số nhập viện hàng ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 3. Trong khi đó, cùng ngày, Anh ghi nhận 32.367 trường hợp nhiễm mới, tăng 32% so với con số 24.855 một tuần trước. Đây là ngày thứ tư Anh ghi nhận trên 30.000 ca nhiễm mới liên tiếp. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID cũng tăng 62,7% – tăng từ 18% so với 1 tuần trước.

Các con số đáng lo ngại được đưa ra khi Giám đốc Cơ quan Y tế Anh (NHS) ngày 10/7 cảnh báo nước Anh không nên trở lại bình thường vào ngày 19/7 vì một làn sóng ca bệnh thứ ba đang khiến các bác sĩ chịu áp lực. Chủ tịch Học viện Y khoa Hoàng gia, Giáo sư Helen Jayne Stokes-Lampard nói rằng sẽ rất “nguy hiểm nếu bạn vứt bỏ tất cả các biện pháp phòng ngừa” vào “Ngày Tự do” chỉ trong thời gian hơn một tuần. Viện sĩ Lampard cũng kêu gọi công chúng nhận thức rằng đại dịch COVID còn xa mới kết thúc và thực hiện “cách tiếp cận có trách nhiệm” khi các hạn chế được nới lỏng.

Tại Hàn Quốc, nước này nhận 1.378 ca nhiễm mới – con số cao chưa từng có, trong đó 1.320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 166.722 ca. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm theo ngày ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 1.200 ca. Chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 9/7 đã công bố kế hoạch tăng cường các biện pháp kiềm chế sự lây lan của virus corona ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận kéo dài trong 2 tuần kể từ ngày 12/7 tới. Theo quy định cảnh báo Cấp độ 4, các cuộc tụ tập riêng tư chỉ được phép dưới 4 người và kể từ 18 giờ là dưới 3 người, các trường học sẽ chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Đám cưới, đám tang chỉ được họ hàng tham gia. Các cơ sở giải trí, bao gồm câu lạc bộ đêm, quán rượu và trò chơi thể thao phải đóng cửa trong khi các nhà hàng chỉ được hoạt động đến 22 giờ; các cơ sở tôn giáo chỉ được phép hoạt động trực tuyến; không cho phép khán giả đến sân cổ vũ thể thao; khuyến cáo các công ty áp dụng giờ làm luân phiên và cho 30% số nhân viên làm việc tại nhà.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), các ổ lây nhiễm tập thể gần đây được phát hiện ở rất nhiều nơi như: công ty, trường học và cửa hàng bách hóa… chủ yếu tập trung ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, chủ yếu có liên quan đến biến thể Delta và đang có xu hướng lây lan rộng ra toàn quốc. KDCA nhận định rằng Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn đầu của làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 khi số ca nhiễm mới bình quân một ngày trong tuần trước tăng 53% so với số liệu 3 tuần trước đó. Riêng thủ đô Seoul và khu vực lân cận tăng đến 68%. Trong số ca nhiễm mới của tuần trước, tỷ lệ nhiễm biến thể Delta là khoảng 40%. Đã có phân tích cho thấy tỷ lệ ca nhiễm virus biến thể Delta đã tăng gấp 3 lần chỉ trong một tuần.

Tại châu Âu, Pháp, Nga và Anh là 3 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện mỗi nước đã ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 111.000 ca tử vong do COVID-19. Nga ngày 10/7 đã ghi nhận thêm 752 ca tử vong – mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 142.253 ca. Ngoài ra, nước này ghi nhận 25.082 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 5.758.300 ca.

Tại Indonesia, với 35.094 ca nhiễm và 826 ca tử vong mới trong ngày 10/7, nước này đang dẫn đầu khối ASEAN số ca mắc và tử vong mới. Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tổng cộng 2.491.006 ca bệnh và 65.457 ca tử vong.

Chỉ 2 tháng trước, Indonesia đã viện trợ cho Ấn Độ hàng nghìn bình ôxy. Nhưng hiện tại, quốc gia Đông Nam Á này đang dần cạn kiệt ôxy khi phải chịu đựng làn sóng tàn phá của đại dịch và chính phủ đang tìm kiếm nguồn cung cấp khẩn cấp từ các quốc gia khác, bao gồm Singapore và Trung Quốc.

Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng chính phủ phụ trách ứng phó với đại dịch của Indonesia, cho biết một lô hàng gồm hơn 1.000 bình oxy, máy thở và các thiết bị y tế khác đã đến từ Singapore hôm 9/7, tiếp theo là 1.000 máy thở khác từ Australia.

Bên cạnh những lô hàng hỗ trợ đó, Indonesia có kế hoạch mua 36.000 tấn ôxy và 10.000 thiết b tạo ôxy – từ nước láng giềng Singapore. Ông Pandjaitan cho biết ông đang liên lạc với Trung Quốc và các nguồn ôxy tiềm năng khác. Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã đề nghị giúp đỡ. Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết tính đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 119.735.200 liều vắc-xin COVID-19 thông qua hợp tác song phương cũng như đa phương, trong đó có trên 108,5 triệu liều vắc-xin của Sinovac, Trung Quốc.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: