Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 25/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 686.829 ca mắc COVID-19 mới và 10.744 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 208.838.304 ca, trong đó có khoảng 4.275.274 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 25/8, thế giới có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 75 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch.

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với trên 39.000.000 ca, trong đó có 649.617 ca tử vong. Brazil đứng thứ 2 về số ca tử vong với 576.645 ca trong tổng số trên 20,6 triệu ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ 2 về số ca nhiễm với 32.358.829 ca, trong đó có 436.396 ca tử vong.

Mỹ: Moderna đề nghị FDA cấp phép chính thức cho vắc-xin của hãng

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 25/8 cho biết đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng chính thức đối với vắc-xin COVID-19 của hãng này.

Thông cáo báo chí của Moderna nêu rõ: “Moderna, công ty công nghệ sinh học tiên phong trong liệu pháp bào chế vắc-xin dựa trên công nghệ mRNA, thông báo rằng công ty đã hoàn thành quy trình đề nghị FDA cấp phép sử dụng chính thức đối với vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng”. Giám đốc điều hành của Moderna, ông Stéphane Bancel nhấn mạnh hãng rất vui với việc vắc-xin COVID-19 của Moderna cho thấy hiệu quả bền vững ở mức 93% trong 6 tháng qua sau liều tiêm chủng thứ 2.

Vắc-xin COVID-19 của Moderna đã được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ từ tháng 12/2020 đối với những người từ 18 tuổi trở lên. Tính đến nay, hãng Moderna đã cung cấp hơn 300 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho chính phủ Mỹ.

Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp

Tại “điểm nóng” Nhật Bản – nơi đang diễn ra Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020,  Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nước này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát  đầu năm 2020.

Đây là lần thứ 3 Chính phủ Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp kể từ đầu tháng 7. Các tỉnh được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp lần này gồm Hokkaido ở phía Bắc, Miyagi, Gifu, Aichi ở miền Trung và Mie, Shiga, Okayama, Hiroshima ở phía Tây. Tình trạng khẩn cấp ở 8 tỉnh này sẽ có hiệu lực đến ngày 12/9 giống như 13 tỉnh, thành khác đang áp dụng, trong đó có thủ đô Tokyo.

Cùng với việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp, chính phủ Nhật Bản cũng đưa thêm 4 tỉnh khác vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm, gồm Kochi, Saga, Nagasaki và Miyazaki.

Điều đáng lo ngại là Lambda, một biến thể nguy hiểm khác của virus corona, đã xuất hiện ở Nhật Bản. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính tới ngày 24/8, nước này đã phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Lambda, trong đó 2 ca mới nhất được phát hiện vào giữa tháng này đến từ Peru. Cả 2 đều nhập cảnh vào Nhật Bản vào ngày 12/8 tại sân bay Haneda và không có bất cứ triệu chứng nào.

Indonesia cho học sinh trở lại trường

Chính quyền thủ đô Jakarta lên kế hoạch mở cửa các trường học từ ngày 30/8 tới sau khi kết thúc lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM).

Ngày 25/8, đại diện Cơ quan giáo dục tỉnh đặc khu Jakarta, Taga Radja Gah cho biết các trường học tại Jakarta sẽ tổ chức học trực tiếp kể từ ngày 30/8 tới trong bối cảnh thủ đô Jakarta đã trở thành “vùng xanh” với COVID-19. Theo đó, các trường học vẫn tiếp tục thực hiện các quy định an toàn y tế, tổ chức học luân phiên thứ 2, 4, 6. Các ngày thứ 3, thứ 5 phun thuốc khử trùng. Công suất tối đa là 50% mỗi lớp/giảng đường. Thời gian học ở trường tối đa 12 tiếng.

Trước đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, nghiên cứu và công nghệ Indonesia, Nadiem Makarim nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tổ chức học trực tiếp. Ông cho rằng sẽ mất khoảng 2,5 năm để hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả học sinh trên cả nước. Khoảng thời gian đó sẽ tạo áp lực cho hệ thống giáo dục nói chung nếu duy trì đào tạo trực tuyến. Do đó, ông khẳng định cần sớm đưa học sinh trở lại trường học, đồng thời tăng cường kiểm soát dịch bệnh.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: