Các thành viên NATO không nên bị “những lời lẽ hùng biện liều lĩnh về hạt nhân Nga” của Tổng thống Vladimir Putin làm cản trở việc cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thư ký (TKT) NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg nói với hãng thông tấn Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (30/9).

Jens Stoltenberg r shutterstock 2140232371
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: Gints Ivuskans/Shutterstock)

Phát ngôn nêu trên của ông Stoltenberg với Reuters tại trụ sở NATO ở ngoại ô Brussels là để đáp lại tuyên bố hồi tuần trước của ông Putin rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa thông thường, và rằng Moskva sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào đất nước này mà được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.

Lời cảnh báo của ông Putin được đưa ra khi Hoa Kỳ và các đồng minh đang cân nhắc xem có nên để Ukraine bắn tên lửa thông thường của phương Tây vào sâu trong lãnh thổ Nga hay không. Kiev cho biết họ muốn được phép tấn công các mục tiêu nằm trong nỗ lực chiến tranh của Nga.

Những gì chúng ta thấy là một mô típ hùng biện và truyền tải thông điệp hạt nhân liều lĩnh của Nga, và điều này [phát ngôn của ông Putin] phù hợp với mô hình đó“, ông Stoltenberg nói. 

“Mỗi lần chúng tôi tăng cường hỗ trợ bằng các loại vũ khí mới – xe tăng chiến đấu, hỏa lực tầm xa hoặc những phi cơ chiến đấu F-16 thì người Nga lại cố gắng ngăn cản chúng tôi”

“Họ đã không thành công và ví dụ gần đây nhất này cũng sẽ không ngăn cản được các đồng minh NATO ủng hộ Ukraine”. 

Ông Stoltenberg cho biết NATO chưa phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong thế trận hạt nhân của Nga mà “đòi hỏi bất kỳ thay đổi nào từ phía chúng tôi”.

Ông Stoltenberg sẽ trao lại quyền lãnh đạo NATO cho cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào thứ Ba (1/10) sau một thập niên nắm quyền.

‘KHÔNG CÓ LỰA CHỌN KHÔNG RỦI RO’

Ông Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, cho biết rủi ro lớn nhất đối với NATO sẽ là nếu ông Putin chiến thắng ở Ukraine.

“Khi đó thông điệp sẽ là khi nào ông ta sử dụng vũ lực quân sự, cũng như khi nào ông ta đe dọa các đồng minh NATO, thì ông ta sẽ đạt được điều mình muốn và điều đó sẽ khiến tất cả chúng ta dễ bị tổn thương hơn”, ông Stoltenberg nói.

“Trong chiến tranh, không có lựa chọn nào mà không có rủi ro”, TKT NATO khẳng đỉnh. 

Cho đến nay, chính phủ Hoa Kỳ trong các tuyên bố công khai vẫn khẳng định họ chưa muốn cấp phép cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng các loại vũ khí như tên lửa ATACMS tầm xa với lý do lo ngại căng thẳng gia tăng với Nga và khả năng bị trả đũa.

Một số quan chức phương Tây cũng đặt câu hỏi liệu những cuộc tấn công như vậy có hiệu quả trong việc thay đổi cán cân chiến tranh hay không.

Ông Stoltenberg cho biết “không có giải pháp cụ thể nào” có thể thay đổi mọi thứ trên chiến trường. Nhưng ông lập luận rằng các cuộc tấn công sâu vào bên trong nước Nga có thể tạo ra sự khác biệt như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của phương Tây nhằm giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. 

Ông Stoltenberg cũng nói bất kỳ cuộc đàm phán nào về chấm dứt chiến tranh cũng phải bao gồm các bảo đảm an ninh cho Ukraine từ các cường quốc phương Tây, trên hết là Hoa Kỳ.

Ông cho biết, nếu không có những đảm bảo đó từ phương Tây, thì Nga sẽ không tôn trọng bất kỳ ranh giới nào được vẽ trên bản đồ mà họ không được phép vượt qua.

“Khi một ranh giới nào đó được thống nhất – có thể là biên giới được quốc tế công nhận hoặc một ranh giới ngừng bắn khác, chúng ta phải hoàn toàn chắc chắn rằng chiến tranh sẽ kết thúc tại đó”, ông Stoltenberg nói.

“Cho đến nay, chúng ta thấy Nga tấn công, chờ đợi rồi lại tấn công”, ông Stoltenberg nói, trích dẫn các thỏa thuận trước đây nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào năm 2014.

“Tôi không nghĩ chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Putin (về Ukraine) nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể thay đổi tính toán của ông ấy bằng cách chứng minh rằng chi phí tiếp tục chiến tranh quá cao nên tốt hơn là ông ấy nên ngồi xuống và chấp nhận Ukraine là một quốc gia độc lập có chủ quyền”, ông Stoltenberg bày tỏ.