TNK triệu tập Đại sứ Mỹ để phản đối tuyên bố tội diệt chủng người Armenia
- Như Ngọc
- •
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Ankaka để phản đối việc Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/4 đã chính thức công nhận Đế chế Ottoman (tiền thân của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày ngay) phạm tội ác diệt chủng người Armenia trong những năm đầu thế kỷ 20.
Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal đã gặp Đại sứ Mỹ David Satterfield vào cuối ngày 24/4 để lên án tuyên bố của chính quyền Biden.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay: “Tuyên bố [của ông Biden] không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế và đã gây tổn hại cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra vết thương khó chữa lành trong mối quan hệ của chúng ta”.
Đầu ngày 24/4, ông Biden đã chính thức tuyên bố công nhận hành vi giết hại khoảng 1,5 triệu người Armenia của Đế chế Ottoman bắt đầu trong năm 1915 là tội ác diệt chủng.
Ông Biden nói trong tuyên bố hôm 24/4: “Chúng tôi nhìn thấy nỗi đau đó. Chúng tôi xác nhận lịch sử đó. Chúng tôi làm điều này không phải để đổ lỗi mà là để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ bị lặp lại”.
Ông Biden phát đi tuyên bố nêu trên đúng dịp tưởng niệm 106 năm ngày Đế chế Ottoman bắt đầu chiến dịch bắt bớ các nhà trí thức và lãnh đạo cộng đồng người Armenia tại thành phố Constantinople nay là Isanbul. Động thái của ông Biden đã khiến các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả bằng nhiều tuyên bố phản đối gay gắt.
Phát ngôn viên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin hôm 25/4 nói rằng việc ông Biden công nhận tội diệt chủng người Armenia là “không công bằng và đáng tiếc” và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả bằng nhiều cách khác nhau trong những tháng tới.
“Sẽ có phản ứng đối với điều này”, ông Ibrahim Kalin trả lời phỏng vấn Reuters hôm 25/4.
Ông Ibrahim Kalin trong ngày 25/4 cũng viết trên Twitter: “Tổng thống Erdogan đã có quan điểm cởi mở về các tài liệu lịch sử quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và đã kêu gọi thành lập ủy ban lịch sử chung nhằm điều tra những sự kiện năm 1915, [những sự kiện] mà người Armenia chưa bao giờ phản ứng. Thật đáng tiếc khi Tổng thống Mỹ đã phớt lờ sự thật rõ ràng này, cùng những vấn đề khác và đã đưa ra quyết định vô trách nhiệm và không có nguyên tắc”.
Ông Kalin đã không nói rõ liệu Ankara sắp tới có hạn chế Mỹ tiếp cận căn cứ không quân Incirlik tại niềm Nam Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Căn cứ này đã đang được sử dụng để hỗ trợ liên minh quốc tế chiến đấu với các phiến quân khủng bố IS tại Syria và Iraq. Ông Kalin cũng không nói rõ về các biện pháp khác mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện để đáp trả Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ trước nay luôn phản đối việc sử dụng cụm từ “diệt chủng” với các sự kiện xảy ra vào năm 1915. Họ nói rằng người Thổ Nhĩ Kỳ và người Armenia đều bị giết hại trong cuộc chiến thời Thế chiến I và đã kêu gọi thành lập một ủy ban lịch sử chung để điều tra. Các đời tổng thống Mỹ trước đây cũng đã tránh sử dụng cụm từ “diệt chủng” khi đề cập tới các sự kiện người Armenia bị xua đuổi và giết hại trong những năm đầu thế kỷ 20.
Ông Biden đưa ra thông báo chính thức công nhận tội diệt chủng người Armenia vào thời điểm mối quan hệ Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ gặp phải hoàng loạt các vấn đề khúc mắc. Mỹ đã đang chế tài nhiều quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và đã loại Ankara ra khỏi một chương trình sản xuất chiến đấu cơ sau khi thành viên NATO này mua hệ thống tên lửa S400 của Nga.
Trong khi đó, Ankara tỏ ra thất vọng khi Washington ủng hộ các chiến binh người Kurd tại Syria mà nhóm này vốn có liên hệ với một phong trào nổi dậy kéo dài hàng nhiều thập kỷ qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Erdogan cũng đã yêu cầu dẫn độ ông Fethullah Gulen, mục sư người Thổ Nhĩ Kỳ bị Ankara cáo buộc là chủ mưu của một nỗ lực đảo chính chống lại chính quyền Erdogan vào năm 2016. Mục sư Fethullah Gulen hiện đang sống tại Mỹ và phủ nhận liên quan đến âm mưu đảo chính nêu trên.
Như Ngọc (Theo AP và Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Thổ Nhĩ Kỳ quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ chính quyền Biden tội diệt chủng người Armenia