Theo Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Braun (tiểu bang Indiana), Trung Quốc đang “theo dõi sâu sát” phản ứng của Hoa Kỳ trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Embed from Getty Images

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Braun (Ảnh: Getty Images)

“Đối thủ lớn nhất của chúng ta về lâu dài không phải là Nga, đó là ông Tập Cận Bình và Trung Quốc với chiến lược của họ. Và họ đang theo dõi sát sao tình hình,” thượng nghị sĩ Braun nói với chương trình “China Insider” của Epoch TV tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Orlando, Florida ngày 24/2.

Ông cho biết thêm, ông tin rằng Trung Quốc sẽ “tạo ra một cứu cánh cho nền kinh tế của người Nga”.

Bắc Kinh hiện đã bị đẩy vào thế khó xử trong cuộc khủng hoảng Ukraine, do quan hệ ngày càng sâu sắc với Moscow. Mặc dù khá thận trọng trong việc tránh chỉ trích Nga tấn công Ukraine và cáo buộc Hoa Kỳ gây ra chiến tranh, nhưng họ cũng khẳng định tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.

Trong một dấu hiệu mới nhất về mối quan hệ tăng cường với Nga, Cục Hải quan Trung Quốc hôm 24/2 thông báo sẽ bắt đầu chấp thuận nhập khẩu lúa mì từ tất cả các khu vực của Nga, một động thái có thể làm dịu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nỗi sợ hãi đối với Đài Loan

Sự hung hăng của Nga đối với Ukraine đã làm dấy lên câu hỏi về số phận của Đài Loan, quốc đảo láng giềng mà Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng thuộc lãnh thổ của mình và sẵn sàng dùng mọi biện pháp để thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.

Hôm 24/2, Đài Loan đã buộc phải điều máy bay phản lực để đáp trả một cuộc tấn công của 9 máy bay Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Các cuộc tấn công như vậy thường xuyên diễn ra trong hai năm qua, khi Bắc Kinh tăng cường quấy rối quân sự đối với hòn đảo nhằm đe dọa và làm suy yếu khả năng phòng thủ của Đài Loan.

Với việc Washington và các đồng minh áp dụng biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Nga, thượng nghị sĩ Braun cho rằng, chế độ Trung Quốc sẽ xem xét liệu các biện pháp trừng phạt có gây ra hậu quả rõ ràng hay không, để đưa ra chiến lược của họ liên quan đến Đài Loan.

Ông nhận định: “Họ sẽ xem liệu chúng ta có làm đúng như những gì chúng ta vẫn rao giảng hay không, xem liệu chúng ta thực hiện một số biện pháp trừng phạt thực sự hay không.”

Dù vậy, chế độ Trung Quốc có lẽ khó có thể sớm thực hiện một động thái quân sự đối với Đài Loan, điều mà theo ông, sẽ “xếp họ vào cùng loại côn đồ như Nga hiện nay”.

“Tôi nghĩ rằng họ đủ thông minh để hiểu rõ điều đó,” thượng nghị sĩ Cộng hòa lưu ý.

Đáng chú ý, Bắc Kinh đã bác bỏ bất kỳ sự so sánh nào giữa Ukraine và Đài Loan. Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết hôm 24/2 rằng “Đài Loan chắc chắn không phải là Ukraine”.

Bà nói: “Thật không khôn ngoan khi một số người của chính quyền Đài Loan cứ bám vào và khai thác vấn đề Ukraine vì lợi ích của họ,” đồng thời cảnh báo rằng “‘Đài Loan độc lập’ chỉ dẫn đến ngõ cụt.”

Trong khi vẫn còn nhiều nghi vấn về cách thức mà Trung Quốc có thể sử dụng để đưa Đài Loan trở lại quyền kiểm soát của mình, ông Braun nhìn nhận, nếu không ai có thể làm giảm bớt sự hung hăng của Nga, điều đó có thể đẩy nhanh các kế hoạch của Bắc Kinh.

Mới đây, ngày 24/2, ông Biden đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với 4 ngân hàng nữa của Nga, cũng như với thêm một số thành viên khác nữa trong giới tinh hoa của Moscow, đồng thời cắt bỏ “một nửa” lượng nhập khẩu công nghệ cao của Nga.

Trước đó, đợt trừng phạt đầu tiên của Hoa Kỳ đối với Nga cũng mới công bố hồi đầu tuần. Chúng bao gồm các lệnh trừng phạt đối với hai khu vực bên trong Ukraine mà Nga tuyên bố độc lập, các ngân hàng quốc doanh của Nga, các nhà tài phiệt Nga và gia đình của họ, cũng như các lệnh trừng phạt đối với công ty đứng sau việc xây dựng đường ống Nord Stream 2 nối Nga với Đức.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)