(Bài phát biểu của ông Mike Pompeo được nói tại Bảo tàng Thư viện Quốc gia Richard Nixon, thành phố Yorba Linda, bang California hôm 23/7/2020. Bài dịch dưới đây lược bỏ một số đoạn giới thiệu không quan trọng ở phần mở đầu.)

***

Thật là một vinh dự khi được ở đây, Yorba Linda, nơi mà cha của Nixon đã dựng một căn nhà nơi cố tổng thống sinh ra và lớn lên. 

Gửi tới tất cả ban quản trị Trung tâm Nixon và những nhân viên đã làm nên sự kiện ngày hôm nay, thật khó khăn trong thời gian này, cảm ơn những gì các bạn đã làm cho tôi và đội ngũ của tôi,… 

Diễn văn của tôi hôm nay là bài thứ 4 trong một loạt các bài phát biểu về Trung Quốc mà tôi đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, Giám đốc FBI Chris Wray, và Tổng Chưởng lý Barr cùng phát biểu với tôi. 

Chúng tôi có một mục đích rất rõ ràng, một sứ mệnh thực tế. Đó là giải thích các mặt khác biệt của quan hệ Mỹ-Trung, sự mất cân bằng nghiêm trọng trong mối quan hệ đã tích lũy qua hàng thập kỷ và mưu đồ bá quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Mục đích của chúng tôi là trình bày tường tận mối đe dọa đối với người Mỹ mà chính sách Trung Quốc của Tổng thống Trump nhắm tới là rõ ràng và chiến lược của chúng tôi để bảo vệ nền tự do đã được thiết lập. 

Đại sứ O’Brien đã nói về ý thức hệ. Giám đốc FBI Wray nói về gián điệp. Tổng Chưởng lý Barr nói về kinh tế. Và nay mong muốn của tôi hôm nay là tổng kết lại để người Mỹ hiểu được chi tiết rằng mối đe dọa Trung Quốc có nghĩa gì đối với kinh tế, tự do của chúng ta, cũng như cho tương lai của các nền dân chủ tự do trên toàn thế giới. 

Sang năm sẽ đánh dấu một nửa thế kỷ kể từ sứ mạng bí mật của Ngài Kissinger tới Trung Quốc, ngày 50 năm kỷ niệm chuyến đi của Tổng thống Nixon cũng không lâu nữa, vào năm 2022. 

Khi đó thế giới thật khác hiện tại. 

Chúng ta đã tưởng tượng rằng việc giao thiệp với Trung Quốc sẽ giúp tạo ra một thế giới với các cam kết tươi sáng về hợp tác và lễ độ. 

Nhưng hôm nay, chúng ta vẫn đang đeo khẩu trang chứng kiến số đếm nạn nhân vì đại dịch tăng lên bởi ĐCSTQ đã không thực thi hứa hẹn của họ với thế giới. Mỗi sáng chúng ta đọc các dòng tin tức mới về sự đàn áp ở Hồng Kông và Tân Cương. 

Chúng ta đang chứng kiến con số thống kê gây choáng về quy mô lạm dụng thương mại của Trung Quốc khiến người Mỹ mất việc làm và gây hậu quả rộng khắp các nền kinh tế của Mỹ, bao gồm cả ở đây, nam California. Chúng ta chứng kiến quân đội Trung Quốc ngày càng cường mãnh hơn, và quả thực là ngày càng trở thành mối đe dọa lớn hơn. 

Tôi sẽ nhắc lại các câu hỏi đang rung lên trong tim óc của người Mỹ từ California ở đây cho tới bang nhà của tôi ở Kansas và xa hơn nữa. 

Người Mỹ có gì sau 50 năm làm ăn quan hệ với Trung Quốc?

Các giả thuyết mà những lãnh đạo của chúng ta đề ra, cho rằng Trung Quốc sẽ tiến hóa đi về tự do và dân chủ có trở thành sự thật không?

Đây có phải là định nghĩa cho khái niệm cả 2 cùng thắng của Trung Quốc hay không?

Và vấn đề trung tâm, từ quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ, là liệu nước Mỹ có an toàn hơn? Chúng ta có khả năng đạt được hòa bình tốt đẹp hơn cho bản thân và cho các thế hệ con cháu chúng ta hay không?

Đến lúc chúng ta phải chấp nhận một sự thật khó khăn. Một sự thật mà sẽ dẫn đường cho chúng ta trong nhiều năm, nhiều thập kỷ tới nữa, rằng nếu ta muốn có một thế kỷ 21 tự do chứ không phải một thế kỷ Trung Hoa mà Tập Cận Bình đã mơ về, thì luận thuyết cũ về việc giao thiệp mù quáng với Trung Quốc đơn giản là không có tác dụng. Chúng ta không được phép tiếp tục thực hiện nó, cũng như ta không được trở lại lối mòn đó. 

Như Tổng thống Trump đã nói rất rõ, chúng ta cần một chiến lược để bảo vệ nền kinh tế Mỹ và lối sống của người Mỹ. Thế giới tự do phải chiến thắng chính thể bạo ngược mới này. 

Nay, trước khi quý vị thấy tôi quá háo hức mà xé toạc di sản của Tổng thống Nixon, tôi muốn nói rằng ông ấy đã làm những gì mà ông tin là điều tốt nhất cho người Mỹ và lúc đó, và khi đó, ông rất có thể đã đúng. 

Ông là một nghiên cứu sinh xuất sắc về Trung Quốc, một người lính táo bạo và lạnh lùng, và một người vô cùng ngưỡng mộ nhân dân Trung Quốc, điều mà tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng vậy. 

Ông xứng đáng được công nhận vì đã nhận ra rằng Trung Quốc quá quan trọng để bị bỏ qua, thậm chí khi mà nước này đang cực kỳ suy yếu bởi vì những sự tàn bạo cộng sản mà họ tự gây cho mình. 

Vào năm 1967, trong một bài viết Đối Ngoại rất nổi tiếng, Nixon trình bày chiến lược cho tương lai của mình. Ông nói: 

“Nhìn về dài hạn, chúng ta không thể mãi mãi loại bỏ Trung Quốc ra khỏi gia đình các quốc gia… Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Vì thế, mục tiêu của chúng ta là phải gây ảnh hưởng cho các sự kiện xảy ra trong mức độ mà ta có thể. Mục tiêu của ta nên là kích thích thay đổi ở Trung Quốc”. 

Và tôi nghĩ rằng cụm từ quan trọng nhất trong toàn bộ bài viết này là: “kích thích thay đổi”.

Vì thế, trong chuyến thăm lịch sử đó tới Bắc Kinh, Tổng thống Nixon đã khởi động chiến lược tương tác của chúng ta. Chúng ta cố gắng xây dựng một thế giới tự do hơn và an toàn hơn một cách cao thượng, và ông hy vọng ĐCSTQ sẽ hồi đáp hy vọng đó. 

Từ đó trở đi, các nhà chính sách Mỹ tiếp tục giả định rằng khi Trung Quốc giàu có hơn, họ sẽ mở cửa, sẽ trở nên tự do hơn ngay từ nội địa, và giảm bớt mối đe dọa cho thế giới; họ sẽ trở nên thân thiện hơn. Tất cả điều này, dường như là không thể tránh được. 

Nhưng thời kỳ niềm tin chắc chắn đó đã hết. Kiểu tương tác giao thiệp mà chúng ta theo đuổi không mang lại thay đổi từ bên trong Trung Quốc như những gì Tổng thống Nixon đã mong mỏi. 

Thực tế là chính sách của ta và của những quốc gia tự do khác, đã vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ của Trung Quốc, chỉ để nay chứng kiến Bắc Kinh quay lại cắn vào bàn tay quốc tế đã cho nó ăn. 

Chúng ta mở rộng vòng tay đón chào công dân Trung Quốc, chỉ để thấy ĐCSTQ lợi dụng xã hội tự do và cởi mở của ta. Trung Quốc gửi các tuyên truyền viên vào buổi họp báo của chúng ta, tới các trung tâm nghiên cứu, trường cấp ba, cao đẳng đại học và thậm chí các buổi họp của hội phụ huynh – giáo viên của chúng ta. 

Chúng ta gạt người bạn Đài Loan ra bên lề, nhưng sau đó Đài Loan nở rộ thành một nền dân chủ rực rỡ. 

Chúng ta cho ĐCSTQ và Bắc Kinh hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt, chỉ để chứng kiến ĐCSTQ bắt các doanh nghiệp Tây phương ngậm miệng và nhắm mắt làm ngơ đối với các hành động đàn áp nhân quyền ghê tởm của nó, nếu muốn tới làm ăn ở Trung Quốc. 

Đại sứ O’Brien đã nhắc đến một vài ví dụ mới mấy hôm trước: các hãng hàng không như Marriott, American Airlines, Delta và United đã đều phải xóa tên Đài Loan khỏi trang web của mình để tránh làm phật lòng Bắc Kinh. 

Ở Hollywood không xa nơi đây, trung tâm của sự tự do sáng tạo Hoa Kỳ, cũng là những kẻ tự cho mình là người phân xử công lý xã hội, đã tự mình kiểm duyệt thậm chí những nội dung chỉ hơi nói động đến Trung Quốc một cách tiêu cực. 

Sự phục tùng trước ĐCSTQ như thế này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. 

Và sự quy phục tập thể này trước Trung Quốc thì được gì? Sự nịnh bợ của họ có được trọng thưởng hay không? Tôi sẽ trích một câu nói mà Tổng chưởng lý Barr đã nói trong bài phát biểu tuần trước, ông nói: “Tham vọng tối hậu của các nhà cầm quyền Trung Quốc không phải là thương mại với Hoa Kỳ. Mà là ăn cướp của Hoa Kỳ”. 

Trung Quốc đã trộm cắp tài sản trí tuệ và các bí mật thương mại đáng giá của ta, khiến hàng triệu việc làm của người Mỹ bị mất. 

Nó hút các chuỗi cung ứng khỏi Mỹ, sau đó thêm vào đó nô lệ lao động. 

Nó khiến cho các hải tuyến quan trọng của thế giới kém an toàn hơn cho thương mại quốc tế. 

Tổng thống Nixon đã từng thừa nhận bằng việc mở cửa thế giới cho ĐCSTQ, ông sợ rằng mình đã tạo ra một “Frankenstein”, và nay ta ở đây. 

Những người có tín ngưỡng tốt đẹp tranh luận rằng tại sao các nước tự do lại để cho những điều tồi tệ như vậy xảy ra trong suốt những năm qua. Có lẽ chúng ta đã ngây thơ trước chủng virus cộng sản, hoặc say mê trước chiến thắng sau Thế Chiến II, hoặc ta đã trở thành những nhà tư bản hèn nhát, hoặc là bị lừa phỉnh bởi các tuyên bố về “sự trỗi dậy trong hòa bình” của Bắc Kinh. 

Dù lý do là gì, hôm nay, nền độc tài của Trung Quốc đang ngày càng tăng cường cả ở quốc nội và ngày càng hống hách trong tính hiếu chiến của nó đối với hòa bình thế giới. 

Và Tổng thống Trump nói: Đủ rồi. 

Tôi không nghĩ có nhiều người ở cả 2 phe chính trị phản đối sự thật mà tôi đã trình bày hôm nay. Nhưng thậm chí đến giờ, vẫn có một số người khăng khăng muốn chúng ta hãy duy trì mô hình đối thoại chỉ để đối thoại. 

Rõ ràng là chúng ta sẽ tiếp tục nói chuyện. Nhưng bản chất của cuộc thảo luận đã khác với những ngày trước. Tôi đã tới Honolulu chỉ vài tuần trước để gặp Dương Khiết Trì. 

Cuộc gặp đó là câu chuyện cũ đáng chán, rất nhiều lời nói nhưng hoàn toàn không có một đề nghị thay đổi cách hành xử. 

Dương đã hứa, giống như rất nhiều quan chức cộng sản trước ông, những lời hứa rỗng tuếch. Tôi ngờ rằng ông ta đã kỳ vọng tôi khuất phục trước những đòi hỏi của họ, bởi vì đây là điều mà quá nhiều chính quyền Mỹ trước kia đã làm. Nhưng tôi không, và Tổng thống Trump cũng không. 

Như Đại sứ O’Brien đã giải thích rất rõ, chúng ta phải nhớ rằng chế độ Cộng sản Trung Quốc là một chế độ Macxit Leninit. Tổng Bí thư Tập Cận Bình là người thực sự tin tưởng vào ý thức hệ chuyên chế vô sản đã mục nát kia. 

Ý thức hệ này chính là thứ đã thành hình cho tham vọng dài hàng thập kỷ của ông ta về việc Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc chiếm được bá quyền toàn cầu. Người Mỹ không còn có thể tiếp tục làm ngơ trước những khác biệt căn bản về chính trị và ý thức hệ giữa hai nước, cũng như ĐCSTQ chưa bao giờ quên chúng. 

Kinh nghiệm của tôi ở Ủy ban Tình báo Hạ viện, và sau đó là giám đốc CIA, và nay là hơn 2 năm làm Ngoại trưởng Mỹ đã khiến tôi đi đến sự thấu hiểu quan trọng sau: 

Cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc Cộng sản là hành động không phải dựa trên những gì lãnh đạo Trung Quốc nói mà dựa vào những gì họ làm. Và các bạn có thể thấy chính sách Hoa Kỳ đã phản ứng theo đường hướng này. Tổng thống Reagan nói rằng ông đối mặt với Liên Xô dựa trên nguyên tắc “tin tưởng nhưng phải xác thực”. Khi đối đầu với ĐCSTQ, tôi nói rằng chúng ta còn phải ‘không tin và xác thực’. 

Những quốc gia yêu tự do trên thế giới như chúng ta, phải kích hoạt sự thay đổi ở Trung Quốc, giống như điều Tổng thống Nixon đã mong muốn. Chúng ta phải kích thích Trung Quốc thay đổi theo những cách thức sáng tạo và quyết đoán hơn, bởi hành động của Bắc Kinh đe dọa nhân dân và sự thịnh vượng của ta. 

Chúng ta phải bắt đầu bằng việc thay đổi cách chúng ta và đối tác nhìn nhận về ĐCSTQ. Chúng ta phải nói sự thật. Chúng ta không thể coi hiện thân này của Trung Quốc như một quốc gia bình thường hay như mọi nước khác. 

Chúng ta biết thương mại với Trung Quốc không giống thương mại với một quốc gia tuân thủ pháp luật bình thường. Bắc Kinh đe dọa các thỏa thuận quốc tế, họ coi các kiến nghị và thỏa thuận quốc tế là đường dẫn để thống trị thế giới. 

Nhưng bằng cách kiên quyết đòi các điều khoản công bằng như đại diện thương mại của chúng tôi đã làm khi ông hoàn thành thỏa thuận giai đoạn 1, chúng ta có thể buộc Trung Quốc phải thừa nhận và sửa đổi hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ và các chính sách làm hại người lao động Mỹ. 

Chúng ta biết rằng làm ăn với một công ty được ĐCSTQ chống lưng không giống với làm ăn với một công ty Canada. Họ không phải trả lời các ủy ban độc lập, và nhiều công ty được nhà nước bảo trợ nên không cần theo đuổi lợi nhuận. 

Một ví dụ hay là Huawei. Chúng ta đã thôi không giả vờ rằng Huawei là một công ty viễn thông vô tội mà chỉ làm tròn vai trò của họ là giúp bạn trò chuyện với bạn bè. Chúng tôi đã gọi nó đúng theo bộ mặt thật của nó – một mối đe dọa an ninh quốc gia thực tụ, và chúng tôi đã có hành động đúng mức như thế. 

Chúng ta cũng biết rằng nếu công ty của ta đầu tư ở Trung Quốc, họ có thể vô ý hay hữu ý ủng hộ hoạt động xâm phạm nhân quyền ghê tởm của ĐCSTQ. 

Bộ Ngân khố và Thương mại Mỹ do đó đã chế tài và cho vào danh sách đen các quan chức và tổ chức Trung Quốc mà đang làm hại và xâm phạm những quyền con người cơ bản nhất của người dân khắp thế giới. Một số cơ quan đã chung tay để tạo ra một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giúp đảm bảo các CEO của ta hiểu rõ các chuỗi cung ứng của họ đang làm gì ở bên trong Trung Quốc. 

Chúng ta cũng biết rằng không phải toàn bộ sinh viên và nhân viên Trung Quốc là những sinh viên và người lao động thông thường đến đây để kiếm thêm chút tiền hoặc học thêm một chút kiến thức. Quá nhiều trong số họ đến đây để ăn cắp tài sản trí tuệ của ta để mang về quê hương họ. 

Bộ Tư pháp và các cơ quan khác đã mạnh mẽ ra phán quyết trừng phạt các tội như thế này. 

Chúng ta biết Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc không phải là một quân đội bình thường. Mục đích của nó là bảo vệ quyền lực thống trị tuyệt đối của những kẻ chóp bu trong ĐCSTQ và mở rộng đế chế Trung Quốc, chứ không phải bảo vệ người dân Trung Quốc. 

Và vì vậy Bộ Quốc phòng Mỹ đã củng cố các nỗ lực, chiến dịch tự do hoạt động ở khắp Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như ở Eo biển Đài Loan. Và chúng ta đã tạo ra Lực lượng Không gian để chống lại sự xâm lăng của Trung Quốc ở mặt trận cuối cùng này. 

Và nói thẳng ra, chúng tôi đã xây dựng một bộ chính sách mới tại Bộ Ngoại giao để đối phó với Trung Quốc, thúc đẩy mục tiêu vì công bằng và đối ứng của Tổng thống Trump, để viết lại mối quan hệ bất cân xứng đã tích tụ trong suốt nhiều thập kỷ qua. 

Chỉ vài ngày trước, chúng tôi thông báo đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bởi vì nó là cái ổ của tình báo và trộm cắp tài sản trí tuệ. 

2 tuần trước, chúng tôi đã đảo ngược 8 năm “bị tát má phải lại dơ má trái” khi luật pháp quốc tế bị Trung Quốc xâm phạm ở Biển Đông. 

Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc quy chuẩn khả năng hạt nhân của họ đối với thực tế chiến lược của thời đại này. 

Và Bộ Ngoại giao, ở mọi cấp độ, khắp nơi trên thế giới đã đều tương tác với người đồng cấp Trung Quốc của chúng tôi chỉ để đòi hỏi sự công bằng có qua có lại. 

Nhưng phương pháp tiếp cận của chúng ta không thể chỉ là cứng rắn hơn. Việc đó khó có thể đạt được kết quả mà ta muốn. Chúng ta cũng phải tiếp xúc và tiếp sức cho nhân dân Trung Quốc – một dân tộc năng động, yêu hòa bình, những người hoàn toàn khác biệt so với ĐCSTQ. 

Việc này bắt đầu với chính sách ngoại giao trực diện. Tôi đã chăm chỉ gặp những người đàn ông, phụ nữ Trung Quốc bất cứ nơi nào tôi đến. 

Tôi đã gặp những người Duy Ngô Nhĩ và người tộc Kazakh trốn thoát khỏi trại tập trung Tân Cương. Tôi đã nói với lãnh đạo dân chủ Hồng Kông, từ Cardinal Zen tới Jimmy Lai. 2 ngày trước ở London, tôi đã gặp người chiến đấu vì tự do Hồng Kông Nathan Law. 

Và tháng trước trong văn phòng làm việc của mình, tôi đã nghe những câu chuyện của người sống sót sau thảm sát Thiên An Môn. Một trong số họ có mặt ở đây hôm nay. 

Wang Dan là một học sinh tiêu biểu, chưa bao giờ ngừng đấu tranh cho tự do cho nhân dân Trung Quốc. Ông Wang, xin mời ông đứng lên để chúng tôi có thể nhận ra ông. 

Và cũng ở đây hôm nay là người khai sinh ra phong trào dân chủ Trung Quốc, Wei Jingsheng. Ông đã mất nhiều thập kỷ trong trại lao động Trung Quốc bởi vì hoạt động dân chủ của mình. Xin mời ông Wei đứng lên. 

Tôi lớn lên và phục vụ quân đội trong Chiến tranh Lạnh. Và nếu có một điều tôi học được, thì đó là cộng sản luôn nói dối. Lời nói dối lớn nhất của họ là họ đang đại diện cho 1,4 tỷ người, những người đang bị giám sát, áp bức và sợ hãi không dám nói thật. 

Ngược lại, ĐCSTQ sợ hãi tiếng nói chân thật của người dân Trung Quốc hơn bất cứ kẻ thù nào, và sợ đánh mất quyền lực tuyệt đối. 

Hãy nghĩ xem thế giới sẽ tốt đẹp hơn tới nhường nào, chưa kể đến chính người dân Trung Quốc, nếu chúng ta có thể nghe thông tin từ các bác sĩ tại Vũ Hán và họ được cho phép cảnh báo về một loại virus mới đang bùng phát. 

Trong quá nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo của ta đã phớt lờ, coi nhẹ những lời của các nhân vật bất đồng ý kiến dũng cảm từ Trung Quốc, họ đã cảnh báo cho ta về bản chất của chế độ mà nay ta phải đối mặt. 

Chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ nữa. Cũng như bất kỳ ai, họ hiểu rằng chúng ta không bao giờ có thể quay về hiện trạng cũ. 

Nhưng thay đổi hành vi của ĐCSTQ không thể chỉ là nhiệm vụ của riêng người dân Trung Quốc. Các quốc gia tự do phải làm việc để bảo vệ tự do, mặc dù điều này không một chút dễ dàng. 

Nhưng tôi có niềm tin rằng chúng ta có thể làm được. Tôi tin bởi vì chúng ta đã từng làm được. Chúng ta biết phải làm như thế nào. 

Tôi có niềm tin bởi ĐCSTQ đang lặp lại một số sai lầm giống như Liên Xô – xa lánh đồng minh tiềm năng, bẻ gãy tín nhiệm ở quốc nội và quốc tế, phủ nhận quyền sở hữu tài sản và nền pháp trị ổn định. 

Tôi có niềm tin. Tôi tin tưởng rằng bởi vì sự thức tỉnh ở các nước khác, tôi biết rằng chúng ta không thể trở lại quá khứ, như cách chúng ta thực thi ở nước Mỹ đây. Tôi đã nghe những điều này từ Brussels, tới Sydney, tới Hà Nội. 

Và quan trọng nhất, tôi có niềm tin chúng ta có thể bảo vệ tự do bởi vì sự lôi cuốn ngọt ngào của chính tự do. 

Hãy nhìn những người Hồng Kông đang đau khổ ồ ạt xuất ngoại vì ĐCSTQ nắm chặt bàn tay quyền lực đối với thành phố đầy tự hào này. Họ đã vẫy lá cờ Mỹ. 

Nhưng đúng là có khác biệt. Không giống Liên Xô, Trung Quốc đã kết nối sâu sắc với nền kinh tế thế giới. Nhưng Bắc Kinh phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn là ta phụ thuộc vào họ. 

Tôi phản đối quan điểm rằng chúng ta đang sống trong một thời đại của sự bất khả kháng, rằng một cái bẫy đã được dựng sẵn, rằng quyền thế của ĐCSTQ là tương lai. Sách lược của chúng ta không được định trước sẽ thất bại vì Mỹ không lùi bước. Như tôi đã nói ở Munich đầu năm nay, thế giới tự do vẫn đang chiến thắng. Chúng ta chỉ cần tin tưởng, biết chắc và tự hào về điều đó. Những người dân khắp thế giới vẫn muốn đến các xã hội cởi mở của ta. Họ đến để học tập, làm việc và xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho gia đình họ. Chứ họ không hề khao khát tới định cư ở Trung Quốc. 

Đã đến lúc. Thật tuyệt được ở đây hôm nay. Thời gian thật là hoàn hảo. Đã đến lúc các quốc gia tự do hành động. Không phải nước nào cũng sẽ tiếp cận với Trung Quốc theo một cách giống nhau, và họ cũng không nên làm vậy. Mỗi nước sẽ phải tự nghĩ ra cách để tự bảo vệ chủ quyền, tài sản kinh tế và các lý tưởng của mình khỏi các xúc tua của ĐCSTQ. 

Nhưng tôi kêu gọi tất cả các lãnh đạo của mọi quốc gia hãy bắt đầu làm những gì nước Mỹ đã làm, hãy khẳng khái yêu cầu đối ứng, yêu cầu minh bạch và yêu cầu trách nhiệm từ ĐCSTQ. Đó là một cái khung hành động mà không cần tất cả phải đồng nhất như nhau. 

Và những tiêu chuẩn đơn giản, mạnh mẽ như thế này sẽ giúp chúng ta đạt thỏa thuận tuyệt vời. Chúng ta đã để cho ĐCSTQ đặt luật chơi quá lâu, không thể tiếp tục thế nữa. Các nước tự do phải đặt luật chơi. Chúng ta phải hoạt động trên cùng một nguyên tắc. 

Chúng ta phải vạch ra các lằn ranh giới hạn mà không thể bị xóa bỏ bởi sự mặc cả hoặc mua chuộc của ĐCSTQ. Trên thực tế, đây chính là những gì Mỹ đã làm khi phản đối yêu sách chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, một lần và mãi mãi, cũng như khi chúng tôi thúc giục các nước trở thành “Những nước Sạch” để thông tin cá nhân của người dân không rơi vào tay ĐCSTQ. Chúng tôi đã thực hiện bằng việc thiết lập các tiêu chuẩn. 

Nay, mặc dù thực hiện rất khó khăn. Đối với các nước nhỏ, điều này là rất khó. Họ sợ bị bắt nạt. Một số nước vì lý do đó mà không có khả năng và sự dũng cảm để đứng cùng chúng tôi trong giờ phút này. 

Trên thực tế, ngay cả một đồng minh trong NATO của chúng tôi cũng không đứng lên theo cách mà họ cần làm về vấn đề Hồng Kông vì họ sợ Bắc Kinh sẽ giới hạn khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của họ. Nhưng sự nhút nhát như thế này sẽ dẫn đến thất bại lịch sử, chúng ta không thể để nó lại xảy ra. 

Chúng ta không thể lại phạm phải các sai lầm trong nhiều năm qua. Thách thức từ Trung Quốc yêu cầu nỗ lực, năng lượng từ các nền dân chủ, từ Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ và đặc biệt là khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. 

Và nếu ta không hành động ngay, đến cuối cùng ĐCSTQ sẽ làm xói mòn nền tự do của ta, phá vỡ các nguyên tắc trật tự dựa trên luật lệ mà chúng ta đã phải hy sinh quá nhiều để xây dựng được. Nếu chúng ta khụy gối hôm nay, con cháu của con cháu ta có thể phải cầu xin sự khoan hồng của ĐCSTQ, những kẻ mà hành động đang đặt ra thách thức chủ yếu cho thế giới tự do ngày hôm nay. 

Tổng bí thư Tập Cận Bình không được định sẵn là người sẽ thống trị cả trong, ngoài Trung Quốc mãi mãi, trừ khi chúng ta cho phép điều đó xảy ra. 

Ngày nay, không phải là chính sách ngăn chặn. Đừng tin vào điều đó. Đó là về một mớ phức tạp các thách thức mà chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt. Liên Xô đóng cửa trước thế giới tự do, còn ĐCSTQ đã tiến sâu vào biên giới của ta. 

Vì thế chúng ta không thể đơn độc đối phó với thách thức này. Liên Hiệp Quốc, NATO, G7, sức mạnh tổng hợp từ kinh tế, ngoại giao và quân sự của chúng ta chắc chắn là đủ để vượt qua thách thức này nếu chúng ta đối đầu với nó trực tiếp, với sự dũng cảm lớn lao. 

Có lẽ giờ là lúc cho một tổ chức mới bao gồm những quốc gia có suy nghĩ giống nhau, một liên minh dân chủ mới. 

Chúng ta có công cụ. Tôi biết chúng ta có thể làm được. Chúng ta chỉ cần ý chí. Xin trích dẫn Thánh Kinh, tôi hỏi: “Liệu có phải tinh thần ta sắt đá nhưng thể xác ta yếu đuối?”

Nếu thế giới tự do không thay đổi Trung Quốc cộng sản, Trung Quốc cộng sản chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta. Chúng ta không thể quay lại cách thức hành động trong quá khứ chỉ vì nó thoải mái và thuận tiện. 

Bảo vệ nền tự do của ta trước ĐCSTQ là sứ mệnh của thời đại chúng ta, và Hoa Kỳ một cách hoàn hảo đã sắp đặt vị trí dẫn đầu trong sứ mạng này bởi vì các nguyên tắc lập quốc của ta cho chúng ta cơ hội đó. 

Như tôi đã giải thích ở Philadelphia tuần trước, khi đứng thẳng hiên ngang, nhìn về Hội trường Độc lập, quốc gia chúng ta được lập nên trên tiền đề rằng tất cả mọi người đều có những quyền cơ bản không ai có thể tước đoạt được. 

Và nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ các quyền này. Đó là một chân lý đơn giản mà mạnh mẽ. Nó đã khiến chúng ta trở thành ngọn hải đăng của tự do cho nhân dân toàn thế giới, bao gồm cả những người bên trong Trung Quốc. 

Quả thực vậy, ngài Richard Nixon đã đúng khi ông viết những dòng này vào năm 1967: “Cả thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi”. Bây giờ là lúc chúng ta thực hiện lời của ông. 

Hôm nay, hiểm họa đã rõ mặt. 

Hôm nay, chúng ta đang thức tỉnh. 

Hôm nay, thế giới tự do phải hành động. 

Chúng ta không bao giờ có thể trở lại quá khứ. 

Cầu xin Chúa phù hộ tất cả các bạn. 

Cầu xin Chúa phù hộ người dân Trung Quốc. 

Và xin Chúa phù hộ nhân dân Hoa Kỳ. 

Cảm ơn tất cả các bạn. 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 23/7/2020.

Trần Minh dịch

Xem thêm: