Hôm thứ Ba (8/4), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đứng về phía chính quyền Trump, duy trì lệnh sa thải hàng loạt hàng chục nghìn nhân viên liên bang thử việc.

shutterstock 379314250
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (Ảnh: EQRoy / Shutterstock)

Đa số các thẩm phán Tối cao Pháp viện phán quyết rằng các nguyên đơn – chín tổ chức phi lợi nhuận đã kiện để phục hồi chức vụ cho các nhân viên liên bang, không có tư cách để khởi kiện.

Lệnh của Tòa án Quận chỉ dựa trên cáo buộc của chín nguyên đơn là tổ chức phi lợi nhuận trong vụ kiện này. Nhưng theo luật đã được thiết lập, những cáo buộc đó hiện không đủ để hỗ trợ cho tư cách [khởi kiện] của các tổ chức này“, phán quyết của Tối cao Pháp viện cho hay.

Trong bản tóm tắt cuối cùng gửi Tối cao Pháp viện, các luật sư của chính quyền Trump lập luận rằng các tòa án cấp dưới vào tháng trước đã vượt quá thẩm quyền khi ra lệnh phục hồi chức vụ cho các nhân viên thử việc.

Trận chiến pháp lý này bắt nguồn từ việc khoảng 16.000 nhân viên liên bang thử việc đã bị chấm dứt hợp đồng với kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng Một, gây ra làn sóng kiện tụng từ các tiểu bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo và các cựu nhân viên.

Nhân viên thử việc đặc biệt dễ bị chấm dứt hợp đồng vì họ không được hưởng các biện pháp bảo vệ công chức dành cho nhân viên liên bang toàn thời gian. Các biện pháp bảo vệ công chức thường có hiệu lực sau một thời gian làm việc nhất định của nhân viên liên bang.

Các luật sư của Bộ Tư pháp đã cảnh báo rằng việc buộc chính phủ phải tuyển dụng lại những nhân viên đã bị sa thải sẽ tạo ra “sự hỗn loạn” trên khắp các cơ quan liên bang. Họ cũng khẳng định rằng việc sa thải có liên quan đến hiệu suất làm việc kém – một cáo buộc mà những nhân viên bị sa thải phản đối mạnh mẽ.

Tháng trước, một thẩm phán liên bang tại Baltimore đã ra lệnh cho chính quyền Trump phục hồi chức vụ cho những nhân viên thử việc đã bị sa thải khỏi nhiều cơ quan chính phủ.

Chánh án James Bredar tại Baltimore cũng chỉ đạo chính quyền Trump trong vòng bảy ngày phải nộp lại danh sách những nhân viên bị ảnh hưởng và giải thích về cách các cơ quan liên bang tuân thủ lệnh phục hồi chức vụ như thế nào.

Trong hồ sơ nộp lên Tối cao Pháp viện, các nguyên đơn lập luận rằng “việc cắt giảm” nhân viên thử việc của chính quyền Trump đã gây ra tổn hại sâu sắc và lâu dài cho các cơ quan liên bang quan trọng.

Các nguyên đơn viết rằng, tại Bộ Cựu chiến binh – vốn đã phải chịu cảnh thiếu hụt nhân sự kinh niên – các đợt sa thải đã “có và sẽ tiếp tục gây ra” hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với những người dựa vào các dịch vụ của bộ này.

Tương tự như vậy, việc cắt giảm ngân sách của Cục Lâm nghiệp và Cục Quản lý Đất đai đã và sẽ tiếp tục gây tổn hại đến khả năng của các tổ chức môi trường và ngoài trời của Bị đơn trong việc tận hưởng và bảo vệ nhiều loại đất đai và tài nguyên liên bang“, các nguyên đơn cũng cho biết.

Các nguyên đơn do Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Hoa Kỳ làm đại diện lập luận rằng việc chấm dứt hợp đồng đã gây ra sự gián đoạn đáng kể trên khắp chính quyền liên bang, làm suy yếu khả năng thực hiện các chức năng quan trọng của các cơ quan.

Gần đây nhất, một thẩm phán liên bang ở Maryland trong tuần này đã mở rộng lệnh yêu cầu chính quyền Trump phải tuyển dụng lại những nhân viên liên bang thử việc đã bị chấm dứt hợp đồng. Phán quyết này cũng cấm chính quyền Trump thực hiện các đợt sa thải hàng loạt nhân viên thử việc trong tương lai trừ khi được thực hiện theo luật liên bang quản lý việc sa thải nhân viên, trong đó bao gồm việc thông báo trước 60 ngày cho những nhân viên bị ảnh hưởng.

Trong hồ sơ nộp lên Tối cao Pháp viện, Tổng biện lý John Sauer, đại diện pháp lý của chính phủ trước toà án, lập luận rằng lệnh của tòa án cấp dưới đã buộc chính quyền Trump phải thuê lại nhân viên liên bang “bỏ qua đánh giá của các cơ quan về việc điều gì phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ của họ“.

Tòa án không có giấy phép ngăn chặn các cải cách nơi làm việc của liên bang theo yêu cầu của bất kỳ ai muốn giữ lại các cấp độ dịch vụ chung của chính phủ“, hồ sơ của chính quyền Trump gửi toà án tối cao cho biết thêm. 

Chính quyền Trump lập luận rằng việc phục hồi chức vụ không phải là biện pháp khắc phục phù hợp trong trường hợp này. Họ cũng tuyên bố rằng hành động đó vượt quá thẩm quyền của tòa án, và ngay cả khi việc chấm dứt hợp đồng được coi là “bất hợp pháp“, thì điều đó vẫn không biện minh cho một lệnh toàn diện như vậy được.

Hải Đăng, theo Fox News