Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ cách thức tuyển sinh đại học dựa theo chủng tộc
- Hải Đăng
- •
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm (29/6) đã ban hành phán quyết chấm dứt cách thức tuyển sinh vào các trường đại học Hoa Kỳ dựa theo chủng tộc, thường được gọi là “hành động khẳng định”.
Tối cao Pháp viện bỏ phiếu bãi bỏ việc sử dụng cái gọi là hành động khẳng định trong tuyển sinh đại học với 6 phiếu thuận, 3 phiếu chống. 6 thẩm phán thiên hữu truyền thống gồm John Roberts, Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, Samuel Alito, và Amy Coney Barrett bỏ phiếu thuận. Trong khi, 3 thẩm phán thiên tả cấp tiến gồm Sonia Sotomayor, Elena Kagan, và Ketanji Brown Jackson bỏ phiếu chống.
Phán quyết nêu trên là kết quả của hai vụ kiện mà Tổ chức Tuyển sinh Công bằng cho Sinh viên (SFFA) kiện Đại học Bắc Carolina và Đại học Harvard về vấn đề hành động khẳng định trong tuyển sinh.
SFFA lập luận rằng Đại học Bắc Carolina đã vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng của Tu chính án 14, Hiến pháp Hoa Kỳ khi sử dụng chủng tộc làm yếu tố xem xét trong tuyển sinh khi yếu tố đó không cần thiết phải có để đạt được sự đa dạng trong cơ cấu toàn bộ sinh viên của trường.
Trong vụ án kiện Đại học Harvard, SFFA lập luận rằng trường đại học này đã vi phạm Đạo luật Nhân quyền khi phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á vốn là những người ít có cơ hội được nhận vào trường so với các nguyên đơn có cùng trình độ là người da trắng, người da đen hoặc người gốc Tây Ban Nha.
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson từng làm việc trong ban giám hiệu trường Harvard đã chủ động rút lui khỏi vụ án liên quan đến trường này.
Chánh án John Roberts đã viết ý kiến đa số cho cả hai vụ án nêu trên.
Ông Roberts viết: “Nhiều trường đại học… đã đang kết luận sai rằng tiêu chuẩn đánh giá lý lịch của cá nhân không phải là những thách thức họ đã vượt qua, những kỹ năng họ đã đạt được, hoặc những bài học kinh nghiệm họ đã rút ra mà là màu da của họ. Lịch sử hiến pháp của chúng ta không chấp nhận lựa chọn đó”.
Thẩm phán Clarence Thomas, một người da đen, đã viết một bản ý kiến riêng trong đó cho rằng hành động khẳng định “trái ngược với Hiến pháp không phân biệt màu da của chúng ta và ý tưởng bình đẳng của Đất nước ta”.
Thẩm phán Sonia Sotomayor đã viết một bản ý kiến bất đồng cho rằng, phán quyết mới này “đẩy lùi hàng thập niên tiến bộ đáng kể trước đó”.
Thẩm phán Jackson cũng đã viết một bản ý kiến bất đồng riêng biệt dài 29 trang trong vụ Đại học Bắc Carolina rằng ý kiến của khối đa số “thực sự là một bi kịch đối với tất cả chúng ta”.
“Với việc phớt lờ thực tế, hôm nay, khối đa số trong tòa án đã đột ngột thay đổi và tuyên bố thông qua quyết định pháp lý rằng ‘tất cả đều mù màu’. Nhưng việc coi chủng tộc không liên quan về mặt pháp lý không có nghĩa là điều đó cũng như vậy trong cuộc sống”, bà Jackson viết.
Sau quyết định của Tối cao Pháp viện, người sáng lập và cũng là chủ tịch SFFA, ông Edward Blum tuyên bố: “Chấm dứt các ưu tiên chủng tộc trong tuyển sinh đại học là kết quả mà đại đa số tất cả các chủng tộc và sắc tộc đều sẽ vui mừng. Một trường đại học không thể có được sự đa dạng thực sự khi nó chỉ đơn giản là tập hợp của những sinh viên trông khác nhau về màu da nhưng lại đều thuộc chung một tầng lớp, và đều nghĩ, nói và làm giống nhau”.
Từ khóa Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hành động khẳng định tuyển sinh đại học Mỹ