Tôn trọng chế tài của Mỹ, TNK đã dừng nhập dầu Iran từ tháng Năm
- Như Ngọc
- •
Reuters, dẫn nguồn tin từ một quan chức cao cấp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, hôm thứ Tư (22/5) cho biết Ankara đã dừng mua dầu của Tehran ngay từ tháng Năm khi quy chế miễn trừ chế tài của Mỹ cho 8 nhà nhập khẩu dầu Iran đã hết hạn. Vị quan chức này khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tuân thủ yêu cầu của Mỹ về việc dừng tất cả nhập khẩu dầu thô từ nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Bây giờ, chúng tôi sẽ không nhập bất kỳ dầu nào từ Iran. Chúng tôi đã là một trong 8 nước được miễn trừ chế tài [tháng Mười Một] và bây giờ chúng tôi sẵn sàng tuân thủ [chế tài], Reuters dẫn lời vị quan chức giấu tên.
Hôm thứ Hai (20/5), Reuters dẫn theo dữ liệu theo dõi tàu hàng Refinitiv đã loan tin rằng không có tàu nào chất hàng từ Iran cập các cảng biển của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này. Các nhà phân tích nói rằng Ankara đang thay thế nguồn cung dầu từ Iran bằng Iraq, Nga và Kazakhstan.
Vào tháng Mười Một năm ngoái, Mỹ đã tái áp đặt chế tài lên Iran sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Nhằm mục đích cắt sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran về 0, Washington trong tháng Năm này đã dừng gia hạn miễn trừ chế tài nhập dầu Iran, chấm dứt miễn trừ 6 tháng cho Thổ Nhĩ Kỳ và 7 nước khác trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc.
Dẫn theo dữ liệu theo dõi vận tải biển và các nguồn tin ngành dầu mỏ, Reuters tuần trước cho biết sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng Năm đã giảm xuống 500.000 thùng/ngày hoặc thấp hơn nữa. Phần lớn lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đang hướng tới Châu Á, nhưng hiện chưa rõ bên nào mua hàng và liệu lượng dầu này hướng trực tiếp tới khách hàng tiêu dùng đầu cuối hay để lưu kho.
Một nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng công ty lọc dầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ Tupras đã từng gây áp lực yêu cầu Washington gia hạn miễn trừ chế tài nhập khẩu dầu từ Iran trước thời điểm hết hạn 1/5, nhưng công ty này xác nhận họ đã không được gia hạn miễn trừ và họ sẽ dừng tất cả việc nhập khẩu dầu từ Iran.
Theo vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên, mặc dù Ankara tôn trọng quyết định của Mỹ, nhưng họ vẫn không đồng tình với các chính sách chế tài Tehran của Washington.
“Chúng tôi không tin vào [tác dụng] của các chế tài, nhưng là một đồng minh chiến lược, chúng tôi tôn trọng quyết định của Mỹ… Chúng tôi không tin việc cô lập Iran sẽ hiệu quả,” vị quan chức giấu tên nói với Reuters.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có thể sớm gặp nhau trực tiếp, hoặc là tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tại Nhật Bản, bên lề cuộc họp thượng đỉnh G-20.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên hôm thứ Tư (22/5) nói với Reuters rằng ông Erdogan đã mời ông Trump tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ và có “những dấu hiệu tích cực” cho thấy tổng thống Mỹ sẽ chấp nhận lời mời này.
“Chúng tôi đang làm việc theo lịch trình hiện tại. Chúng tôi thấy có một số dấu hiệu tích cực, nhưng thời gian này chưa có lịch trình cụ thể. Họ [ông Trump và ông Erdogan] cũng có thể gặp nhau bên lề G-20 tại Nhật Bản. Về chuyến thăm song phương chính thức, chúng tôi đang đợi chốt ngày chính xác,” vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói.
Ngoài vấn đề chế tài Iran, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đang căng thẳng về việc Ankara có kế hoạch mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga. Mỹ cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 không phù hợp với mạng lưới phòng thủ của khối NATO và sẽ đặt ra mối đe dọa cho các phi cơ chiến đấu tàng hình F-35 mà Ankara cũng dự định mua của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhiều nghị sĩ Mỹ có tiếng nói đã từng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt nếu mua S-400. Việc chế tài này Washington đối chiếu theo luật chống lại những nước mua sắm thiết bị quân sự của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ là thành viên của NATO nên họ không đặt ra đe dọa nào cho Mỹ và Washington không nên áp đặt các chế tài nhắm vào Ankara.
Như Ngọc
Từ khóa quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ Mỹ chế tài Iran Thổ Nhĩ Kỳ Iran