Hôm thứ Tư (4/9), Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho biết ông Hoàng Bình (Huang Ping), Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York, đã không còn tại vị sau khi cựu trợ lý Tôn Văn (Sun Wen) của bà bị cáo buộc làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc.

Kathy Hochul
Thống đốc New York Kathy Hochul. (Ảnh: Adam Gray/Getty Images)

Các cáo buộc tập trung vào việc bà Tôn Văn đã sử dụng các chức vụ của mình trong chính quyền Hochul và cựu Thống đốc Andrew Cuomo để làm lợi cho Chính phủ Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo, bà Hochul nói rằng khi nói chuyện với một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao theo yêu cầu của Ngoại trưởng Blinken, bà đã bày tỏ mong muốn trục xuất Tổng lãnh sự Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tại New York. Sau đó, bà đã được thông báo rằng Tổng lãnh sự Trung Quốc đã không còn ở phái bộ New York nữa.

Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York là ông Hoàng Bình (Huang Ping).

Huang Ping
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại New York là ông Hoàng Bình (Huang Ping).

Tại một cuộc họp ngắn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết bà Hochul đã nói chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell. Ông Miller cho biết Tổng lãnh sự không hề bị trục xuất, mà là đang hoàn thành một đợt luân chuyển thường xuyên.

Sáng thứ Tư (4/9), tờ New York Post phát hiện ông Hoàng Bình vội vã rời khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc. Vài giờ sau, Thống đốc bang New York, bà Hochul, nói với các phóng viên rằng bà đã đưa ra yêu cầu trục xuất ông Hoàng Bình với một quan chức Bộ Ngoại giao cấp cao giấu tên.

Hôm thứ Tư (4/9), bà cho biết yêu cầu này nhằm gửi đi một thông điệp, rằng việc Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) làm điều này và hợp tác với Tôn Văn là không thể chấp nhận được. Đây là tuyên bố thể hiện rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho kiểu hành vi này.

Bà Hochul cũng cho rằng việc bắt giữ Tôn Văn cho thấy chính quyền các cấp cần cảnh giác hơn.

Bà nói, đây là người đã bắt đầu làm liên lạc viên giữa cộng đồng châu Á và thương mại toàn cầu trước khi bà trở thành Thống đốc.

Ton Van
Sáng thứ Ba (3/9), bà Tôn Văn (Linda Sun, bên phải) – cựu Phó chánh văn phòng bang New York Kathy Hochul, kiêm nguyên Phó giám đốc Bộ Lao động bang, và chồng bà là ông Hồ Kiêu (Chris Hu, bên trái) đã bị FBI bắt giữ tại biệt thự ở Long Island. Bà Tôn Văn bị cáo buộc làm điệp viên bí mật cho Chính phủ Trung Quốc. Trong ảnh là 2 vợ chồng bà xuất hiện bên ngoài tòa án. (Ảnh: Hoàng Tiểu Đường/Epoch Times)

Hôm thứ Ba (3/9), cựu Phó chánh văn phòng của Thống đốc New York, bà Tôn Văn và chồng là ông Hồ Kiêu (Chris Hu), đã bị FBI bắt giữ tại một biệt thự ở Long Island. Họ ra hầu tòa vào chiều hôm đó, và bị buộc tội làm đặc vụ của ĐCSTQ. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Chiều hôm đó, vợ chồng bà Tôn Văn không nhận tội trước tòa án liên bang. Tiền bảo lãnh cho Tôn Văn được ấn định là 1,5 triệu USD và tiền bảo lãnh cho chồng bà là 500.000 USD.

Các công tố viên cáo buộc bà Tôn Văn sử dụng mối quan hệ của mình với chính quyền bang New York để làm đại diện cho ĐCSTQ mà không đăng ký. Ngoài ra, bà còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm âm mưu lừa gạt Hoa Kỳ, lừa đảo điện tín, rửa tiền, khai man và gian lận nhập cư.

Theo yêu cầu của các quan chức ĐCSTQ, bà tích cực tham gia các hoạt động chính trị có lợi cho đảng này, bao gồm việc ngăn chặn các đại diện của Đài Loan liên lạc với các quan chức cấp cao của bang New York; thay đổi thông tin từ các quan chức cấp cao của bang New York về các vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc và ĐCSTQ; thu thập trái phép các thông báo của chính quyền bang New York và cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc.

Tôn Văn cũng hỗ trợ sắp xếp các chuyến thăm của các quan chức bang New York tới Trung Quốc, và sắp xếp cuộc gặp giữa phái đoàn Chính phủ Trung Quốc đến thăm và các quan chức Chính phủ bang New York.

Hôm thứ Tư (4/9), Thống đốc bang New York Hochul cho biết, bà đã hỗ trợ Bộ Tư pháp trong nhiều tháng, và sẽ tiếp tục làm việc với họ. Bà gọi hành vi của Tôn Văn là sự phản bội tuyệt đối trước lòng tin của chính quyền bang trước và hiện tại, thậm chí Tôn Văn còn giả mạo chữ ký của bà trên tài liệu.

Bà Hochul cho biết, Tôn Văn là trợ lý cấp trung, nên bà không thường xuyên liên lạc. Tôn Văn cũng không có ảnh hưởng thực sự nào đến các chính sách của bà trong thời gian bà giữ chức thống đốc.

Dựa trên các báo cáo từ Newsweek New York Post, những điểm chính trong bản cáo trạng gồm: Tôn Văn bị nghi nhận tiền chiết khấu khổng lồ; được hưởng những đãi ngộ đặc biệt, gồm vịt muối Nam Kinh được giao đến tận nhà, có vé mời xem biểu diễn và những chuyến du lịch sang trọng.

Tôn Văn còn bị nghi cản trở quan chức Đài Loan gặp Thống đốc Hochul. Với tư cách là giám đốc đa nguyên hóa của ông Cuomo, Tôn Văn là đại diện của New York về sự đa dạng, công bằng và hòa nhập. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lưu ý rằng Tôn Văn đã ngăn cản nỗ lực của Hoa Kỳ lên tiếng bảo vệ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Cáo trạng cho biết, tài khoản ngân hàng của Tôn Văn thường xuyên nhận được số tiền lớn từ Chính phủ Trung Quốc. Mỗi lần chuyển gần 50.000 USD được coi là chi phí đi lại.

Công việc kinh doanh hải sản và rượu vang của người chồng Tôn Văn quá hạn chế, không thể giải thích được khoản thu khổng lồ 2,1 triệu USD từ Chính phủ Trung Quốc.

Các tài liệu cũng nhấn mạnh rằng tờ khai thuế của cặp vợ chồng này chỉ thể hiện thu nhập thường xuyên ít ỏi của họ, mà không phản ánh bất kỳ khoản chuyển tiền nào nhận được từ Chính phủ Trung Quốc.

Ủy ban Giám sát Hạ viện Hoa Kỳ đã đăng tải về vụ việc, nói rằng đây khó có thể là một sự cố cá biệt. ĐCSTQ đang cố gắng nhắm mục tiêu, gây ảnh hưởng và thâm nhập vào mọi bộ phận và cộng đồng ở Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao Mỹ mở cuộc điều tra về chiến dịch chiến tranh chính trị của ĐCSTQ vào đầu năm nay.

Bình Minh (t/h)