Do chính quyền Trump đã công bố chính sách thuế quan mới vào ngày 2/4 theo giờ miền Đông nước Mỹ, trong đó áp thuế bổ sung 32% đối với hàng hóa từ Đài Loan, điều này đã gây chấn động. Để ứng phó với chính sách thuế quan “đối ứng” của Mỹ, Tổng thống Lại Thanh Đức hôm 6/4 đã đặc biệt phát biểu qua video để giải thích với người dân rằng Chính phủ không có kế hoạch đáp trả bằng các biện pháp thuế quan. Về cam kết đầu tư của doanh nghiệp vào Mỹ, miễn là phù hợp với lợi ích quốc gia thì sẽ không có thay đổi. Ông cũng nhấn mạnh 5 chiến lược ứng phó mà Chính phủ đề xuất, bao gồm việc thông qua đàm phán để nỗ lực cải thiện chính sách thuế đối ứng.

Lai Thanh Duc 2
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức. (Nguồn ảnh: Phủ tổng thống)

Về việc Mỹ công bố chính sách “thuế đối ứng” khiến cả thế giới chấn động, Tổng thống Lại Thanh Đức cho biết, Đài Loan không có kế hoạch trả đũa bằng thuế quan, hơn nữa cam kết đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan vào Mỹ, chỉ cần phù hợp với lợi ích quốc gia, cũng sẽ không có bất cứ thay đổi nào.

Tổng thống Lại nhấn mạnh, nhằm duy trì mục tiêu phát triển kinh tế liên tục của Đài Loan, Chính phủ đã đề ra 5 chiến lược ứng phó: Thông qua đàm phán để nỗ lực cải thiện thuế tương ứng; Hỗ trợ các ngành trong nước bị ảnh hưởng; Đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế trung và dài hạn; Định hình bố cục mới của chiến lược “Đài Loan + Mỹ”; Khởi động chuyến hành trình lắng nghe ngành công nghiệp.

Tổng thống Lại Thanh Đức nhấn mạnh rằng trước những thách thức hiện tại, Chính phủ sẽ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và mong rằng cả Chính phủ lẫn Quốc hội sẽ ủng hộ các đối sách của Viện Hành chính, nhằm mở rộng đường ra cho nền kinh tế Đài Loan.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông Lại Thanh Đức:

“Xin chào toàn thể đồng bào.

Chính phủ Mỹ gần đây đã lấy danh nghĩa “đối đẳng/đối ứng” để tuyên bố tăng thuế với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Đài Loan, với mức thuế bổ sung là 32%. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng ta. Hiện nay, nhiều quốc gia đã có phản ứng, một số thậm chí đã thực hiện các biện pháp trả đũa, dự kiến thương mại toàn cầu sẽ có những thay đổi lớn. Là một quốc gia định hướng xuất khẩu, Đài Loan chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trước thử thách này, vì vậy chúng ta phải hết sức cẩn trọng thì mới có thể biến nguy thành an.

Trong thời gian qua, tôi cảm ơn sự đóng góp ý kiến quý báu từ các giới trong xã hội. Chính phủ hết sức coi trọng và sẽ xem đây là cơ sở tham khảo trong việc ra quyết sách.

Tuy nhiên, nếu phân tích một cách tỉnh táo và kỹ lưỡng về thương mại giữa Đài Loan và Mỹ, chúng ta sẽ thấy rằng trong năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ là 111,4 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng giá trị xuất khẩu. Hơn 75% sản phẩm còn lại được xuất sang các nước khác ngoài Mỹ. Trong số sản phẩm xuất sang Mỹ, các sản phẩm công nghệ thông tin và linh kiện điện tử chiếm đến 65,4%, điều này cho thấy kinh tế Đài Loan vẫn có sức chống chịu nhất định. Nếu có chiến lược ứng phó phù hợp và sự hợp lực giữa nhà nước và tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tác động. Mong mọi người không hoảng sợ.

Trước chính sách thuế “đối ứng” của Mỹ, Đài Loan không có kế hoạch trả đũa bằng thuế quan. Cam kết đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan tại Mỹ, chỉ cần phù hợp với lợi ích quốc gia, cũng sẽ không có bất cứ thay đổi nào.

Tuy nhiên, chúng ta cần để Mỹ hiểu rõ sự đóng góp của Đài Loan đối với sự phát triển kinh tế của họ. Quan trọng hơn là phải nắm bắt sự biến động của kinh tế toàn cầu, tăng cường hợp tác công nghiệp giữa Đài Loan và Mỹ, nâng cao vị thế ngành công nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với mục tiêu duy trì phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ thực hiện 5 chiến lược sau:

Chiến lược thứ nhất: Thông qua đàm phán, nỗ lực cải thiện chính sách thuế tương ứng, bao gồm 5 biện pháp cụ thể:

  1. Thành lập nhóm đàm phán: Do Phó Viện trưởng Viện Hành chính Trịnh Lệ Quân dẫn đầu, bao gồm các thành viên từ Hội đồng An ninh Quốc gia, Văn phòng Đàm phán Kinh tế Thương mại, các bộ ngành liên quan và đại diện học giới, giới công thương. Nội dung đàm phán có thể tham khảo mô hình Hiệp định thương mại tự do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), bắt đầu từ ý tưởng “thuế quan bằng 0” giữa Đài Loan và Mỹ.
  2. Mở rộng mua hàng từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại: Chính phủ đã hoàn tất việc rà soát kế hoạch mua số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dầu mỏ và khí thiên nhiên từ Mỹ. Bộ Quốc phòng cũng đã đưa ra danh sách các hạng mục mua sắm quốc phòng, tất cả sẽ được triển khai tích cực.
  3. Gia tăng đầu tư vào Mỹ: Hiện tổng vốn đầu tư của Đài Loan vào Mỹ đã vượt 100 tỷ USD, tạo ra khoảng 400.000 việc làm. Trong tương lai, ngoài việc TSMC tiếp tục đầu tư, các ngành khác như điện tử, công nghệ thông tin, hóa dầu và khí thiên nhiên cũng sẽ tăng cường đầu tư vào Mỹ. Chính phủ sẽ hỗ trợ xây dựng “Đội đầu tư Đài Loan vào Mỹ”, và kỳ vọng Mỹ cũng sẽ xây dựng “Đội đầu tư Mỹ vào Đài Loan”, nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế và mở ra kỷ nguyên vàng trong thương mại song phương.
  4. Loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan: Đây là tiêu chí đánh giá liệu đối tác thương mại có công bằng với Mỹ hay không. Do đó, Đài Loan sẽ chủ động giải quyết các rào cản đã tồn tại nhiều năm, giúp đàm phán tiến triển suôn sẻ hơn.
  5. Giải quyết mối quan ngại lâu dài của Mỹ về kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và hoạt động bất hợp pháp đối với hàng bán phá giá giá rẻ, tức là vấn đề rửa xuất xứ hàng hóa.

Chiến lược thứ hai: Đề xuất kế hoạch hỗ trợ ngành công nghiệp. Chính phủ sẽ hỗ trợ kịp thời và cần thiết cho các ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là các ngành truyền thống và doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Viện trưởng Viện Hành chính Trác Vinh Thái đã công bố 9 phương hướng và 20 biện pháp hỗ trợ. Trong tương lai, Chính phủ sẽ hỗ trợ cụ thể tùy theo từng ngành và mức độ ảnh hưởng, đồng thời giúp doanh nghiệp đổi mới, nâng cấp và chuyển mình.

Chiến lược thứ ba: Đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế trung và dài hạn. Lúc này, Chính phủ sẽ đưa ra chiến lược phát triển kinh tế và công nghiệp mới, đây cũng là con đường then chốt để vượt qua thử thách trong tương lai. 

Chính phủ sẽ tích cực hợp tác với các nước đồng minh để không chỉ khám phá các thị trường đa dạng, mà còn tăng cường hội nhập các ngành công nghiệp thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn để làm cho hệ sinh thái công nghiệp của Đài Loan hoàn thiện hơn, và thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp của Đài Loan. Chúng ta cũng phải tận dụng tốt các lợi thế công nghiệp của mình trong sản xuất chất bán dẫn, thiết kế vi mạch, công nghiệp thông tin và truyền thông, cũng như sản xuất thông minh để xây dựng Đài Loan thành một hòn đảo trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy phát triển thực phẩm, quần áo, nhà ở, giao thông vận tải, công nghiệp quân sự, kiểm soát an ninh, viễn thông thế hệ mới, và sức khỏe cộng đồng, hướng tới một Đài Loan mới thông minh, bền vững và thịnh vượng.

Chiến lược thứ tư: Tái định vị chiến lược “Đài Loan +1”, đặc biệt là “Đài Loan + Mỹ”.

Chiến lược kinh tế của Đài Loan là: “Đứng vững tại Đài Loan, mở rộng toàn cầu, bán ra khắp thế giới”. Trong đó, việc “đứng vững tại Đài Loan” là yếu tố then chốt không được dao động bởi cơn bão thuế lần này.

Do đó, Chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư trong nước, tháo gỡ các rào cản pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư bằng cách giải quyết các vấn đề như nước, điện, đất đai, nhân lực và nguồn nhân tài để hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại và đầu tư thêm vào Đài Loan.

Đồng thời, sẽ hỗ trợ điều chỉnh các cơ sở sản xuất ở nước ngoài của các doanh nghiệp Đài Loan. Chiến lược quốc gia sẽ điều chỉnh thành: “Đứng vững tại Đài Loan, mở rộng toàn cầu, tăng cường hợp tác đầu tư vào Mỹ, bán ra toàn thế giới”, tạo nên cấu trúc chuỗi cung ứng mới và thúc đẩy hợp tác công nghiệp giữa Đài Loan – Mỹ, từ đó thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ.

Chiến lược thứ năm: Khởi động “hành trình lắng nghe ngành công nghiệp”. Không phân biệt quy mô, bất kỳ ngành nào cũng có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ áp dụng thuế đối ứng. Tổng thống và Viện trưởng Viện Hành chính Trác Vinh Thái cùng các bộ ngành sẽ trực tiếp lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp, giải quyết vấn đề kịp thời, điều chỉnh chính sách sát với nhu cầu thực tế.

Thưa toàn thể đồng bào, trong hơn nửa thế kỷ qua, Đài Loan đã từng đối mặt với hai cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng tài chính châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch COVID-19. Qua bao lần thử thách khắc nghiệt, chúng ta không những đã vượt qua khó khăn mà còn biến nguy thành an, giúp kinh tế Đài Loan lột xác và vươn lên, ngày càng bền bỉ và linh hoạt hơn.

Trước thách thức hiện nay, Chính phủ sẽ cùng người dân sát cánh vượt qua. Viện Hành chính mong được Quốc hội và các đảng phái ủng hộ các biện pháp ứng phó, cùng nhau mở ra con đường mới, rộng rãi hơn cho kinh tế Đài Loan.

Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng. Cảm ơn mọi người!”

Lư Ất Hân, Vision Times