Tổng thống Đài Loan: Trung Quốc đe dọa bất kỳ nước nào là đe dọa toàn thế giới
- Hải Đăng
- •
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức hôm thứ Ba (30/7) nói rằng mối đe dọa từ Trung Quốc đối với bất kỳ một nước nào là tương đương với mối đe dọa với toàn thế giới. Ông Lại cũng nói quốc đảo Đài Loan sẽ tiếp tục làm việc tích cực để thúc đẩy khả năng tự lực phòng vệ và mua vũ khí nước ngoài.
Theo Reuters, phát biểu tại hội nghị ở Đài Bắc của Liên minh Nghị viện về Chính sách Trung Quốc (IPAC) hôm 30/7, ông Lại tuyên bố: “Đài Loan muốn nhấn mạnh rằng mối đe dọa của Trung Quốc đối với bất kỳ quốc gia nào là mối đe dọa tới toàn thế giới”.
“Đài Loan sẽ làm hết sức mình để tạo ra một chiếc ô bảo vệ dân chủ với các đối tác dân chủ của chúng ta nhằm che chắn cho các nước này khỏi mối đe dọa của chủ nghĩa độc tài”, ông Lại tiếp tục.
Lãnh đạo Đài loan cũng nói Đài Bắc sẽ làm việc tích cực để thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.
IPAC được thành lập vào năm 2020 gồm hàng trăm thành viên Quốc hội từ 35 nước, tập trung vào cách các nước dân chủ nên đối phó với Bắc Kinh và thúc đẩy luật pháp ở nhiều nước, để tránh sự xâm nhập chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Tổ chức này từ lâu đã chịu áp lực từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoài một số thành viên quốc hội tham gia IPAC bị Bắc Kinh đưa vào danh sách trừng phạt, vào năm 2021 ĐCSTQ còn phát động các cuộc tấn công mạng nhằm vào tổ chức này.
Theo thông cáo báo chí do Bộ Ngoại giao Đài Loan, chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh IPAC năm nay là “Hòa bình và ổn định xuyên eo biển Đài Loan”. Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Quốc hội từ 23 nước và Nghị viện châu Âu. Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức tới dự và phát biểu, đồng thời Phó Tổng thống Tiêu Mỹ Cầm tham dự họp báo quốc tế.
IPAC nói trong một tuyên bố rằng tám nhà lập pháp của ít nhất năm quốc gia nói rằng họ đã nhận được thư điện tử và cuộc gọi từ các quan chức Trung Quốc trước khi di chuyển tới Đài Loan.
“IPAC lấy làm tiếc và lên án nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [PRC] nhằm can thiệp vào hội nghị thượng đỉnh thường niên này. Các nhà lập pháp được bầu dân chủ được tự do di trú và ủng hộ những sự nghiệp mà họ lựa chọn. Đây là việc thực hiện quyền bình thường của họ và là trách nhiệm của họ trong tư cách quan chức dân cử”, IPAC nói trong tuyên bố.
Trước đó, hôm Chủ Nhật (28/7), AP cũng đưa tin ĐCSTQ đã gây áp lực buộc thành viên quốc hội từ ít nhất sáu nước không tham dự Hội nghị thường niên của IPAC tại Đài Loan vào ngày 30/7.
Nguồn tin của AP chỉ ra, sáu chính trị gia đến từ Bolivia, Colombia, Slovakia, Bắc Macedonia, Bosnia và một người giấu tên cho biết các nhà ngoại giao ĐCSTQ đã gửi cho họ một số thư điện tử và tin nhắn, yêu cầu họ không tới Đài Bắc tham dự IPAC.
Hải Đăng
Từ khóa IPAC Lại Thanh Đức ĐCSTQ Dòng sự kiện