Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai (12/5) nói rằng ông “đang nghĩ” đến việc bay đến Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự các cuộc đàm phán hòa bình có thể diễn ra giữa Ukraine và Nga vào thứ Năm (15/5). Tuy nhiên, Điện Kremlin hiện vẫn im lặng về việc liệu Tổng thống Vladimir Putin có tham dự hay không.

Screen Shot 2025 05 09 at 9.29.18 AM
Tổng thống Trump công bố nội dung thỏa thuận thương mại Mỹ Anh tại Phòng Bầu dục hôm 8/5. Ảnh Nhà Trắng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào thứ Hai (12/5), tổng thống Hoa Kỳ gọi các cuộc đàm phán tiềm năng giữa Ukraine và Nga là một sự kiện “rất quan trọng“. Việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên, được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất vào Chủ Nhật (11/5), có thể diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Năm (15/5).

Tôi nghĩ rằng các vị có thể thấy một kết quả tốt tại cuộc họp vào thứ Năm tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa Nga và Ukraine. Tôi tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ có mặt ở đó. Tôi đã nghĩ đến việc bay đến đó. Tôi chưa biết mình sẽ ở đâu vào thứ Năm, tôi có rất nhiều cuộc họp, nhưng tôi đã thực sự nghĩ đến việc bay đến đó“, ông Trump nói với các phóng viên.

Cuộc họp tại Istanbul nếu diễn ra sẽ là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức Ukraine và Nga kể từ những tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine vào năm 2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã xác nhận ông sẽ tới Istanbul, và trước tuyên bố của ông Trump, nhà lãnh đạo Ukraine cũng đã nói rằng ông muốn tổng thống Hoa Kỳ có mặt, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng cho “các cuộc đàm phán trực tiếp và thực chất với ông Putin“.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Hai (12/5) cho biết ông sẵn sàng tiếp đón và kêu gọi các bên tham chiến nắm bắt “cơ hội” để đạt được giải pháp hòa bình.

Tổng thống Nga Putin đề xuất cuộc họp trực tiếp nêu trên như một phản biện cho lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày do Ukraine và các đồng minh của nước này đưa ra vào cuối tuần qua. Ukraine hôm thứ Hai (12/5) đã cáo buộc Nga “hoàn toàn phớt lờ” đề xuất ngừng bắn 30 ngày bắt đầu từ ngày 12 tháng 5.

Ông Zelensky ban đầu đã bác bỏ đề xuất của ông Putin về cuộc gặp trực tiếp tại Istanbul, nhưng sau khi ông Trump công khai kêu gọi Kiev ngồi lại với Moskva, nhà lãnh đạo Ukraine đã thay đổi giọng điệu, nói rằng ông sẵn sàng gặp ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ “trực tiếp“.

Chúng tôi sẵn sàng đàm phán trực tiếp với ông Putin“, ông Zelensky một lần nữa xác nhận vào thứ Hai (12/5), sau cuộc điện đàm với ông Erdogan.

Về phía Nga, Điện Kremlin từ chối bình luận khi được yêu cầu tiết lộ ai sẽ tham gia cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới.

Chúng tôi đang tập trung vào việc nghiêm túc tìm kiếm các cách để đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài“, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên, mà không giải thích thêm.

Trước đó, ông Peskov đã chỉ trích các nước châu Âu vì gây sức ép buộc Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn trong 30 ngày trước khi tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp.

Ngôn ngữ của tối hậu thư là không thể chấp nhận được đối với Nga. Nó không phù hợp. Quý vị không thể nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ như vậy“, ông Peskov nói với các nhà báo.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin trước nay đã nhiều lần tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào với Ukraine nên tập trung vào “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc chiến tranh và ông không “loại trừ” khả năng ngừng bắn có thể xảy ra sau bất kỳ cuộc đàm phán nào ở Istanbul.

Nga cho rằng thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào cũng cần phải bao gồm các cam kết “phi phát xít hóa” và phi quân sự hóa Ukraine, bảo vệ người nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine và đẩy lùi sự mở rộng của NATO về phía biên giới Nga.

Kiev và phương Tây đã bác bỏ tất cả những cam kết này, nói rằng cuộc chiến tranh do Nga khởi xướng không gì khác hơn là một cuộc chiếm đất theo kiểu đế quốc.

Các quan chức Nga và Ukraine đã có các cuộc đàm phán tại Istanbul vào tháng 3 năm 2022 nhằm mục đích ngăn chặn cuộc chiến tranh nhưng không đạt được thỏa thuận. Phía Nga cáo buộc rằng Kiev khi đó đã ký vào bản thỏa thuận sơ bộ, nhưng sau đó đã đơn phương huỷ bỏ nó do có sự can thiệp từ phương Tây, cụ thể là từ chính phủ Anh.

Kể từ đó, liên lạc giữa các bên tham chiến đã bị hạn chế rất nhiều, chủ yếu dành cho các vấn đề nhân đạo như trao đổi tù binh chiến tranh và trả lại thi thể của những người lính đã hy sinh.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp và Thủ tướng Friedrich Merz của Đức, đã hoan nghênh triển vọng đàm phán trực tiếp, nhưng trước tiên đã thúc giục Nga đồng ý ngừng bắn.

Đức cảnh báo “thời gian đang trôi nhanh” để Nga phải đồng ý vào cuối thứ Hai về lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày tại Ukraine hoặc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.

Đồng minh chủ chốt của Nga là Trung Quốc hôm thứ Hai (12/5) đã kêu gọi một “thỏa thuận hòa bình ràng buộc” mà “có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên“.

Hải Đăng, theo AFPRT