Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan yêu cầu F-16 khi NATO muốn mở rộng
- Nhật Tân
- •
“Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tiếng nói cuối cùng về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển,” ông Erdogan nói với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Azerbaijan hôm Thứ Hai 25/9, nhắc nhở cam kết mà Mỹ hứa hẹn hồi tháng 7 khi đàm phán vấn đề Thụy Điển gia nhập NATO, “Nếu họ giữ lời hứa, thì Quốc hội của chúng tôi cũng sẽ giữ lời hứa của mình.”
Hồi tháng 7, vào dịp Hội nghị Thượng đỉnh tại Vilnius (Litva) của NATO —khối liên minh quân sự mạnh nhất thế giới và đang không ngừng mở rộng trong nhiều thập kỷ— vấn đề kết nạp Thụy Điển tưởng chừng đã thành định cục hôm 10/7, và giới chức các thành viên NATO đã ngỏ lời chúc mừng.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan —một thành viên NATO và có quyền phủ quyết— đã không đồng ý để Thụy Điển gia nhập. Ông viện dẫn các lý do, như Thụy Điển không xử lý tốt các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, Thụy Điển có hiện tượng đốt kinh Koran gây xúc phạm Thổ Nhĩ Kỳ, v.v. Tuy nói vậy, nhưng ông Erdogan đã đánh tiếng rằng ông cần Mỹ đồng ý bán cho ông chiến đấu cơ phản lực F-16 và một số khoản khác.
Vụ việc này có từ năm 2019, khi Washington loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình mua máy bay chiến đấu F-35, vì Ankara mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Cho nên, thay vào đó, Ankara yêu cầu mua 20 tỷ USD để bao gồm máy bay chiến đấu F-16 mới do Lockheed Martin chế tạo, cũng như khoảng 80 bộ công cụ hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của nước này.
- Phản ứng của các bên khi Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO
- Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh Thụy Điển gia nhập NATO
Trong bối cảnh đó, tối 9/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mời ông Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson họp mặt, và chỉ cần sau trong vài giờ đàm phán vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý để Thụy Điển gia nhập. Lãnh đạo các thành viên NATO đã lên tiếng chúc mừng hôm 10/7.
Mặc dù nội dung cuộc họp đó không được chính thức công bố, nhưng được ngầm hiểu rằng yêu cầu thật sự của ông Erdogan đã được hứa hẹn.
Tuy nhiên, một quãng thời gian sau đó, phía Mỹ dường như không thuận lợi như kỳ vọng. Mặc dù chính quyền Biden đã hứa hẹn thúc đẩy thương vụ F-16, nhưng một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, bao gồm cả cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, người dính và một vụ bê bối, đã đe dọa sẽ chặn thương vụ máy bay, theo RT phân tích.
- Thượng nghị sĩ Bob Menendez từ chức sau khi bị truy tố tội nhận hối lộ — Đảng viên Đảng Dân chủ Menendez, một trong những người đẩy mạnh các biện pháp cấm vận đối với Nga, đã bị dính tham nhũng và đã từ chức hôm Thứ Sáu 22/9 khỏi vị trí Ủy ban.
“Một trong những vấn đề quan trọng nhất của chúng tôi liên quan đến F-16 là các hoạt động của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Menendez chống lại đất nước của chúng tôi,” ông Erdogan tuyên bố hôm Thứ Hai và nói thêm rằng “sự ra đi của Menendez mang lại cho chúng tôi một lợi thế, nhưng vấn đề F-16 mà chúng tôi phải đối mặt không chỉ là vấn đề phụ thuộc vào ông Menendez.”
Ông Menendez đã bị buộc tội vào tuần trước trong một vụ án liên bang vì cáo buộc có mối quan hệ tham nhũng và nhận hối lộ để mang lại lợi ích cho nước ngoài. Trong khi bị buộc phải từ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, ông vẫn tuyên bố vô tội và từ chối rời khỏi Quốc hội Hoa Kỳ.
Thụy Điển là quốc gia kiên trì vị trí trung lập trong rất nhiều thập kỷ. Tuy nhiên trong bối cảnh NATO mở rộng liên tục, và chiến tranh Ukraine nổ ra, Thụy Điển và nước láng giềng Bắc Âu, Phần Lan, đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, trong khi Phần Lan vào tháng 4 năm nay đã trở thành thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu này, thì các nỗ lực của Thụy Điển vẫn còn trong tình trạng lấp lửng do Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra miễn cưỡng.
Mặc dù đường biên giới của Thụy Điển cách Nga cả ngàn kilômét, nhưng trong tuyên bố của mình, Thụy Điển nói rằng họ muốn gia nhập NATO là vì lý do an ninh trước đe dọa của Nga. Đây cũng là phù hợp với luận điểm của NATO trong nhiều thập kỷ qua, biện minh sự mở rộng của mình là để đảm bảo an ninh và hòa bình, chống lại Nga đang mang dã tâm bá quyền nước lớn.
Tổng thống Erdogan đã thực hiện quyền phủ quyết của mình trong nhiều tháng, cho rằng việc dẫn độ những người có liên quan đến các nhóm người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố là chưa đủ. Ngược lại, một số thượng nghị sĩ Mỹ đang đe dọa sẽ chặn thương vụ F-16 trừ khi Ankara chấp thuận sự gia nhập NATO của Thụy Điển.
Từ khóa NATO Dòng sự kiện Thụy Điển gia nhập NATO Recep Erdogan Thổ Nhĩ Kỳ Thụy Điển