Berlin không ủng hộ tư cách thành viên NATO của Kiev vì lo sợ phản ứng của Moskva, nhưng sẽ làm theo sự dẫn dắt của Washington, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm thứ Hai (21/10).

241017Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang nói trước Quốc hội, 16/10/2024 (ảnh cắt từ video trên mạng xã hội)

Nhà lãnh đạo Ukraine gần đây đã trở về từ chuyến công du Tây Âu và Hoa Kỳ để tìm kiếm sự ủng hộ cho “kế hoạch chiến thắng” trong cuộc chiến tranh với Nga. Mặc dù Hoa Kỳ và các đồng minh đã hứa sẽ cung cấp thêm vũ khí và đạn dược, nhưng nhìn chung họ không công khai tán thành kế hoạch của ông Zelensky.

Theo Reuters, Tổng thống Zelensky hôm thứ Tư (16/10) đã trình bày “kế hoạch chiến thắng” trước Quốc hội Ukraine mà nội dung chủ yếu là kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường đầu tư vũ trang và tài chính cho cuộc chiến tranh, cộng với sự đoàn kết và tinh thần hy sinh bất khuất của người của ông thì chiến tranh có khả năng kết thúc vào năm tới.

Những điểm chính của “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky, trong đó chủ yếu là kêu gọi các đồng minh phương Tây cần làm gì đó cho ông:

• Mời Ukraine gia nhập NATO ngay cả trước khi chiến tranh kết thúc.
• Tiếp tục các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Nga. Cho phép dùng vũ khí tầm xa của NATO tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga. Ukaine cùng với đồng minh tiến hành phá hủy hàng không Nga. Mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine. Được phép chia sẻ thông tin tình báo của đối tác.
• Phương Tây triển khai trên đất Ukraine một “gói răn đe phi hạt nhân” trên lãnh thổ Ukraine.
• Phát triển tiềm năng chiến lược và kinh tế của Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga.
• Sau khi chiến tranh kết thúc, quân đội Ukraine có thể sử dụng kinh nghiệm của mình để tăng cường khả năng phòng thủ của NATO và châu Âu. Đội ngũ Mỹ ở châu Âu có thể được thay thế bởi quân đội Ukraine.
• Phương Tây vào cùng đầu tư, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.

Theo ông Zelensky, điểm thứ hai, thứ ba và thứ tư còn có các phụ lục bí mật, tức là đã được trình bày cho các đối tác phương Tây, nhưng vẫn chưa được công bố.

Thủ tướng Đức Scholz hôm thứ Sáu (18/10) bày tỏ quan điểm không tán đồng hai điểm chính trong “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Ukraine Zelensky, đó là: không đồng ý Ukraine sớm gia nhập NATO và không đồng ý vũ khí tầm xa cho Kiev.

“Chúng tôi đảm bảo rằng NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến, tức là chiến tranh [Ukraine] sẽ không dẫn tới một thảm họa rộng lớn hơn nhiều. Chúng tôi đều hiểu rõ trọng trách này, và không ai có thể tách rời chúng tôi khỏi điều ấy”, ông Scholz nói tại Berlin hôm 18/10 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Đức tham gia cuộc họp gặp mặt các thành viên NATO, theo tờ Handelsblattcủa Đức.

Phản ứng với quan điểm của Đức, ông Zelensky nói với các phóng viên tại Kiev vào thứ Hai (21/10) rằng: “Tôi nói mọi thứ theo cách tôi thấy, chứ không phải theo cách mà ai đó muốn. Phía Đức tỏ ra nghi ngờ về việc chúng tôi gia nhập NATO, và đó là sự thật“.

Tổng thống Ukraine một mặt thừa nhận rằng Đức chỉ đứng sau Hoa Kỳ về viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, nhưng mặt khác cho rằng chính quyền ở Berlin “sợ chủ đề NATO-Đức, khi nói đến phản ứng từ Nga. Đó là sự thật“.

Ông Zelensky cho biết sự đồng ý từ “liên minh lớn hơn” có thể ảnh hưởng đến quan điểm của Đức, ý ông là “một câu trả lời ‘có’ đầy tự tin từ Hoa Kỳ” sẽ có tác động lớn đến Đức và các thành viên NATO khác.

Kiev tin rằng khối NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo đang trải qua một “sự củng cố ý kiến” về vấn đề tư cách thành viên của Ukraine, và điều này “cũng sẽ có tác động đến Hungary và Slovakia“.

Budapest và Bratislava đã công khai phản đối ý tưởng kết nạp Kiev vào NATO. Thủ tướng Slovakia Robert Fico thậm chí còn nói rằng ông sẽ phủ quyết động thái này chừng nào ông còn nắm quyền, vì nó sẽ gây ra một cuộc chiến tranh thế giới.

Ông Zelensky cũng tuyên bố rằng Anh, Pháp và Ý đều tỏ ra ủng hộ “kế hoạch chiến thắng”, nhưng tất cả các đồng minh của Washington ở châu Âu đều đang chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước khi cam kết công khai.

Ukraine đã mong đợi một lời mời gia nhập NATO vào năm ngoái, và việc không nhận được lời mời đó đã khiến ông Zelensky nổi cơn thịnh nộ trên mạng xã hội, một phản ứng lúc đó được cho là đe dọa mối quan hệ của ông với Hoa Kỳ. NATO đã thông qua một tuyên bố nêu rõ Kiev sẽ trở thành thành viên “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng“. Công thức đó cũng được giữ nguyên trong tuyên bố chung của NATO năm nay, mặc dù có thêm khẳng định là con đường gia nhập NATO của Ukraine là “không thể tránh khỏi“.

Nga đã ra tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ngoài quy chế trung lập cho Ukraine, và nếu không có phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa“, thì Kiev sẽ tiếp tục là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Moskva.

Việc Ukraine gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương dưới bất kỳ hình thức lãnh thổ nào đều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga và không thể là một phần của bất kỳ kế hoạch hòa bình hay sáng kiến hòa giải nào“, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đã phát biểu như vậy với Hội đồng Bảo an vào thứ Hai (21/10).

Hải Đăng (T/h)