Không đồng ý Ukraine sớm gia nhập NATO và không đồng ý vũ khí tầm xa cho Kiev, Thủ tướng Đức Scholz hôm Thứ Sáu không tán đồng 2 điểm chính trong “kế hoạch” của Tổng thống Ukraine Zelensky, tuy nhiên, ông nhất trí với đường lối chung của NATO là tiếp tục “hỗ trợ Ukraine tới cùng” (as long as it takes) và chỉ trích rằng “Putin đã tính sai” và Nga sẽ “không thể chịu đựng lâu dài” cuộc chiến tranh này.

NATOoct241018
Từ trái sang phải: Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Họp NATO tại Berlin 18/10/2024 (ảnh cắt từ video trên mạng xã hội)

“Khi Ukraine phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt, chúng ta phải, nhất định phải duy trì quyết tâm của mình. Và tôi biết cái giá phải trả là rất nặng nề, nhưng đừng nhầm lẫn, nó sánh ngang với cái giá phải trả cho cuộc sống trong một thế giới mà sự xâm lược chiếm ưu thế, nơi các nước lớn tấn công và bắt nạt các nước nhỏ hơn chỉ vì họ có thể.” — Tổng thống Mỹ Joe Biden

Theo báo Đức đưa tin quan điểm của Thủ tướng Olaf Scholz đã được thể hiện rõ ràng trong các thông điệp ông đưa ra vào Thứ Sáu 18/10, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Đức tham gia cuộc họp gặp mặt các thành viên NATO tại đây.

“Chúng tôi đảm bảo rằng NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến, tức là chiến tranh [Ukraine] sẽ không dẫn tới một thảm họa rộng lớn hơn nhiều,” ông Scholz nói tại Berlin. “Chúng ta đều hiểu rõ trọng trách này, và không ai có thể tách rời chúng ta khỏi điều ấy.”

Về vấn đề Kiev mong muốn có được tên lửa tầm xa Taurus của Đức, thì ông Scholz nói rằng ông không cho rằng “điều đó là phù hợp, và nó vẫn còn giữ lại.” Ông giải thích rằng đưa tên lửa Taurus của Đức vào chiến trường Ukraine có thể khiến Đức trở thành một phe tham chiến, dẫn tới leo thang chiến tranh.

Trong “kế hoạch chiến thắng” mà Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố hôm Thứ Tư, thì kêu gọi Ukraine sớm gia nhập NATO và kêu gọi có được vũ khí tầm xa để Kiev có thể tiếp tục mở rộng chiến tranh trên lãnh thổ Nga, là những điểm trọng yếu của “kế hoạch” này.

Hôm Thứ Năm 17/10, ông Zelensky đã nhắc lại vấn đề này, và lúc bấy giờ ông đã nói “chúng tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện với Olaf và các đối tác [phương Tây] có sở hữu vũ khi tầm xa,” và cho hay ông hy vọng sẽ thuyết phục được ông Scholz.

  • Trong tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại cuộc họp ở Berlin hôm Thứ Sáu (video phút 4:30) đã khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Kiev trong chiến tranh Ukraine:

Ngoài 2 điểm nêu trên, ông Scholz cũng nói rõ quan điểm tiếp tục ủng hộ Kiev trong chiến tranh.

“Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Ukraine ‘tới cùng’ (hoặc ‘chừng nào còn khả dĩ’, tùy cách hiểu). Putin đã tính sai; ông ta sẽ không thể chịu đựng lâu dài cuộc chiến tranh này,” ông Scholz nói.

Hỗ trợ Kiev “as long as it takes” là cách nói mà Tổng thống Mỹ Joe Bien dùng.

Tại Berlin, ông Biden cũng kêu gọi các thành viên NATO tiếp tục đường lối hỗ trợ Kiev trong chiến tranh Ukraine kể cả sau khi ông rời nhiệm sở vào đầu năm tới.

“Khi Ukraine phải đối mặt với một mùa đông khắc nghiệt, chúng ta phải, nhất định phải duy trì quyết tâm của mình,” ông Biden tuyên bố. “Và tôi biết cái giá phải trả là rất nặng nề, nhưng đừng nhầm lẫn, nó sánh ngang với cái giá phải trả cho cuộc sống trong một thế giới mà sự xâm lược chiếm ưu thế, nơi các nước lớn tấn công và bắt nạt các nước nhỏ hơn chỉ vì họ có thể.”

Phương Tây miêu tả sự tham dự của mình vào chiến tran Ukraine là giúp đỡ Kiev tự vệ trước quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền tự do dân chủ quốc tế và các luật pháp quốc tế. Nga miêu tả sự tham dự của phương Tây là tiến hành chiến tranh ủy nhiệm đối với Nga, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Nga.

Nhật Tân (t/h)