Tổng thống Zelensky sợ sẽ là nạn nhân của đảo chính “Maidan 3” và nghi ngờ Nga – Bloomberg
- Nhật Tân
- •
“Tình báo của chúng tôi có thông tin,” Tổng thống Ukraine Zelensky nói với Bloomberg rằng ông có thể là nạn nhân của đảo chính “Maidan 3”. “Maidan” là để nói quảng trường trung tâm Kiev, nơi đã xảy ra những “phong trào dân chủ” theo cách gọi của phương Tây, dẫn đến lật đổ tổng thống năm 2004 (Cách mạng Cam) và năm 2014 (Euromaidan).
Trong một bài phỏng vấn, trên tinh thần giờ ‘có cái Israel mới liền nới cái Ukraine cũ’ —một điệp khúc của giới truyền thông trong thời gian qua— Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại một lần nữa than phiền với với Bloomberg rằng quân Ukraine phản công trì trệ là do phương Tây gửi vũ khí chậm trễ. Một trợ lý của ông đã dùng từ “as long as it takes” theo nghĩa “lâu nhất có thể”, theo cách diễn giải mà lâu nay vẫn được lưu truyền một cách nửa kín nửa mở trong giới chức Kiev.
Cái đó không phải là tin tức gì mới.
Lần này cái mới là chuyện ông Zelensky tin rằng, theo thông tin tình báo của ông —ông Zelensky thường viện đến nguồn tin này mỗi khi ông không cần đưa ra bằng chứng, thì ông có thể sẽ là nạn nhân của đảo chính “Maidan 3”, và thủ phạm đằng sau, đương nhiên rồi, chính là Nga.
“Maidan” tức là “quảng trường”, và dùng để nói về quảng trường trung tâm của Kiev. Kể từ khi Ukraine trở thành quốc gia ở riêng vào năm 1991, nơi đây đã chứng kiến 2 vụ đảo chính cách nhau vừa đúng 10 năm: Cách mạng Cam năm 2004 và sự vụ Euromaidan năm 2014. Nếu tiên đoán của ông Zelensky là đúng, hoặc là nói, nếu nguồn tin tình báo của ông là đúng, thì “Maidan 3” hẳn là sẽ vừa vặn vào năm 2024.
Phương Tây thường tránh dùng từ “đảo chính” vì nghe như vậy không hợp với lý tưởng tự do dân chủ, cho nên thường gọi là gì đó kiểu như “phong trào dân chủ”. Cách mạng Cam năm đó được miêu tả là thuộc về Cách mạng Màu, một phong trào dân chủ trên thế giới, chống cộng sản cùng tàn dư của cộng sản. Và Euromaidan, được Mỹ và EU ủng hộ mạnh mẽ, được miêu tả là phong trào dân chủ lật đổ chính quyền của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thân Nga.
Cả hai lần đảo chính này đều nhắm vào ông Viktor Yanukovych.
Lần Maidan năm 2004 được coi như đã diễn ra trong ôn hòa, thành công đảo ngược chiến thắng mà ông Viktor Yanukovych đạt được trong cuộc đua vào ghế tổng thống. Với tuyên bố nghi ngờ có gian lận bầu cử, các cuộc biểu tình lớn kéo dài đã thành công đòi bầu cử lại, dẫn đến chiến thắng dành cho đối thủ của ông, Viktor Yushchenko, một người thân phương Tây (vợ ông, bà Kateryna Yushchenko, từng là trợ lý đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Ronald Reagan). Có một sự kiện, một vụ án đến nay vẫn chưa có kết luận, là ông Yushchenko bị đầu độc và thoát chết ngay trước khi diễn ra lần tái bầu cử này.
Ông Yushchenko được đánh giá là một vị tổng thống thất bại, cho nên rất ít được nhắc đến. Có một việc ông đã làm, có lẽ khiến thế giới sẽ nhớ mãi đến ông khi còn là tổng thống, đó là ông chính thức vinh danh Stepan Bandera là anh hùng dân tộc Ukraine, bất chấp nhân vật lịch sử này được thừa nhận là tội phạm chiến tranh ở nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Bầu cử năm 2010, ông chỉ giành được 5,5% phiếu bầu và bị loại ngay sau vòng bầu cử đầu tiên. Lần này, ông Viktor Yanukovych trở thành tổng thống mà không có bất kỳ nghi ngờ nào nữa về kết quả bầu cử.
Vụ Maidan năm 2014 diễn ra trong bạo lực, đám đông đốt phá nhiều ngày và máu của trên trăm người đã nhuộm đỏ ở quảng trường. Sự kiện buộc ông Viktor Yanukovych, lúc đó đang là tổng thống, phải tháo chạy sang Nga để bảo toàn tính mạng. Trong phỏng vấn được chiếu trong bộ phim tài liệu “Ukraine on Fire”, ông kể rằng suýt chết khi xe ô-tô của ông bị phục kích. Lúc đó ông không có ở trong xe, mà đang bí mật trốn đi bằng máy bay.
Đảo chính Euromaidan 2014, hoặc phong trào dân chủ (tùy cách gọi của truyền thông phe bên nào), đã dẫn tới Crimea ly khai, sau đó sáp nhập vào Nga, và dẫn tới các khu vực Donbass phía Đông Ukraine không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền Kiev, tạo thành nội chiến Ukraine diễn ra nhiều năm liên tiếp sau đó.
Lần này, khi nói chuyện với Bloomberg, đích thân ông Zelensky, người hôm nay đang ngồi ở ghế tổng thống Ukraine, đã nhắc đến từ “đảo chính” “Maidan 3”.
Thủ phạm đứng sau? Đó đương nhiên là Nga, theo ông Zelensky, và người Nga lợi dụng tình hình ‘rối ren’ trong nội bộ giữa chính quyền Kiev và đồng minh phương Tây đứng đầu bởi Mỹ. Dù sao thì cũng không thể dùng từ “phong trào dân chủ” để miêu tả hoạt động của Nga. Và ông cũng không thể nói rằng hai lần Maidan trước đều là do phương Tây đứng sau.
“Tình báo của chúng tôi có thông tin, cũng đến từ các đối tác của chúng tôi,” ông Zelensky nói, mô tả một kế hoạch thông tin sai lệch được biết đến trong nội bộ là “Maidan 3”, và bình luận rằng “Maidan là cuộc đảo chính đối với họ nên hoạt động này là điều dễ hiểu.”
Một lần nữa, ông khẳng định với báo chí phương Tây Bloomberg rằng ông cùng toàn dân và toàn quân vẫn kiên quyết chống Nga cho đến ngày giải phóng hoàn toàn đất nước của mình. Ông nói ông vẫn kiên trì quan điểm không đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về tình hình ‘rối ren’ nội bộ, thì ông Zelensky cho hay, hiện chính quyền ông đang phải đối mặt với 400.000 quân Nga đang hiện diện ở các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng.
Chiến dịch phản công của Ukraine tiến triển không đáng kể là vì chiến tranh Israel đã thu hút sự quan tâm của Mỹ, đặc biệt là đạn pháo 155 li được ưu tiên dành cho chiến trường Gaza, nơi bom đạn Israel đang nã xuống dải đất 2,3 triệu người Palestine, khiến 12.300 người đã mất mạng chỉ trong hơn 1 tháng, trong đó 70% là trẻ nhỏ và phụ nữ dân thường (theo báo cáo của Y tế Palestine).
“Nguồn cung của chúng tôi đã giảm,” ông Zelensky nói với một nhóm nhà báo tại văn phòng của ông ở Kyiv hôm thứ Năm.
Ông Zelensky cho hay lô hàng khoảng 1 triệu viên đạn gửi từ EU, chủ yếu là đạn pháo 155 li, sẽ không thể đến tay của ông đúng theo hứa hẹn vào tháng 3 tới.
“Đời là thế — và điều đó là bình thường,” dường như ông Zelensky nhắc đến câu nổi tiếng “C’est la vie” (Đời là thế, câu nói thể hiện đành phải chấp nhận sự thật khách quan thôi). “Vì mọi người đều đang chiến đấu để sinh tồn, và chúng tôi cũng nên tự bảo vệ mình.”
“Bây giờ tôi đang tập trung vào việc nhận viện trợ từ phương Tây,” ông Zelensky nói. “[Bởi vì] trọng tâm của họ đang chuyển sang Trung Đông, và vì các lý do khác. Nếu không tiếp tục nhận viện trợ, chúng tôi sẽ phải rút lui.”
Kể từ tháng 9, giới chức Mỹ đã có một số dấu hiệu không muốn tiếp tục dòng viện trợ cuồn cuộn như trước vào chiến trường Ukraine nữa. Nhân dịp chiến tranh Israel dẫn đến việc đòi ngân sách cho chiến tranh Israel sẽ dễ dàng được thông qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gộp khoản 61,4 tỷ USD dự kiến dành cho chính quyền Kiev vào khoản dự kiến cho chính quyền Israel và một số khoản khác, thành một gói khổng lồ 106 tỷ đô la. Tiếc thay, cho đến nay nỗ lực này vẫn không thành công.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, và sau đó là các chính khách phương Tây, từng nói rất nhiều lần rằng họ sẽ ủng hộ chính quyền Kiev “as long as it takes” — tức là ủng hộ tới cùng (miễn là Kiev còn muốn chiến) hoặc là ủng hộ tới chừng nào còn khả dĩ; tùy cách hiểu. Nhưng mà, những tháng qua, giới chức Kiev đã nửa kín nửa mở diễn giải “as long as it takes” là chuyển vũ khí cho Kiev chậm trễ thời gian nhất có thể. Lưu truyền nửa kín nửa mở thôi, không tuyên bố thẳng một cách rõ ràng.
Hôm Thứ Sáu, trong chương trình TV địa phương, Kênh 24, ông Mykhailo Podolyak, trợ lý cao cấp của tổng thống Ukraine, theo RT đưa tin, đã nhái lại từ “as long as it takes” khi nói rằng nhiều chuyến hàng vũ khí lẽ ra chỉ cần 7 ngày đến 10 ngày làm các thủ tục hành chính và hậu cần, thì đã phải mất đến “90 đến 120 ngày”.
Nhật Tân
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Volodyrmyr Zelensky