TQ vận động các nước phản đối bản báo cáo nhân quyền về Tân Cương của LHQ
- Gia Huy
- •
Ngày 13/9, Trung Quốc đã tấn công một báo cáo do văn phòng nhân quyền của LHQ (OHCHR) phát hành về các cáo buộc vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương. Tại cuộc họp, Trung Quốc đã đọc một tuyên bố được khoảng 20 quốc gia khác ủng hộ, trong đó chỉ trích việc phát hành bản báo cáo của OHCHR và cho rằng cơ quan này không có quyền làm điều đó.
Tuy nhiên, số lượng các quốc gia ban đầu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ủng hộ cái mà Bắc Kinh gọi là tuyên bố chung ít hơn nhiều so với số lượng mà một số nhà quan sát đã dự đoán. Thực tế này có thể khuyến khích các quốc gia chỉ trích Trung Quốc.
Báo cáo hôm 31/8 của OHCHR, mà Trung Quốc yêu cầu LHQ không công bố, đã lên án chính quyền Trung Quốc “thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” và nhận định, việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Trung Quốc đã phủ nhận mạnh mẽ mọi cáo buộc về vi phạm nhân quyền.
Các nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ với Reuters, các quốc gia dân chủ hiện đang cân nhắc khả năng thực hiện một động thái lịch sử nhằm vào Trung Quốc, bao gồm việc thành lập một cơ chế điều tra tại cuộc họp đang diễn ra của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva. Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu nằm trong số các quốc gia hoan nghênh báo cáo về Tân Cương và bày tỏ quan ngại trong phiên họp hôm 13/9 của hội đồng, nơi các quốc gia đang thảo luận lần đầu về báo cáo này.
Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Chen Xu đã bác bỏ bản báo cáo về Tân Cương của OHCHR và cáo buộc bản báo cáo là một “sự bôi nhọ” sai lầm dựa trên sự dối trá.
Trong một tuyên bố chung khác, ông chỉ trích: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng OHCHR, không có sự cho phép của Hội đồng Nhân quyền và sự đồng ý của quốc gia liên quan, đã phát hành cái gọi là bản đánh giá về Tân Cương, Trung Quốc…”
Một quan chức của Hội đồng Nhân quyền LHQ cho hay, cho đến nay đã có 21 quốc gia ký vào bản tuyên bố chung của Trung Quốc, bao gồm Ai Cập và Pakistan.
Tuy nhiên, theo thống kê của Reuters, hiện chỉ có 7 trong số các quốc gia đứng về Trung Quốc có quyền bỏ phiếu tại Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên. Các nghị quyết của hội đồng cần phải có đa số ủng hộ để được thông qua.
Một nhà ngoại giao nhận định: “Họ [Trung Quốc] sẽ không hài lòng với điều đó.”
Các quốc gia trước đó lên tiếng ủng hộ Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền vẫn chưa có tên trong danh sách hiện tại, bao gồm Nepal, Nigeria, Morocco và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, mặc dù họ có thể tham gia muộn hơn bởi vì danh sách vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Ông Raphael Viana David của Cơ quan Nhân quyền Quốc tế nhận định: “Báo cáo của LHQ đã khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo, khó tiếp tục giữ im lặng.”
Theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc và các quốc gia phương Tây đều đã và đang vận động mạnh mẽ đối với báo cáo về Tân Cương.
Một nhà ngoại giao cho biết: “Mọi người đều được vận động hành lang.” Tuy nhiên, ông tiết lộ, quốc gia của ông sẽ không ủng hộ bên nào.
Từ khóa nhân quyền ở Tân Cương báo cáo nhân quyền về Tân Cương của LHQ