Thượng nghị sĩ Canada Leo Housakos cảnh báo việc thả “hai Michaels” cùng lúc với việc bà Mạnh Vãn Châu được tại ngoại chứng tỏ Bắc Kinh đang sử dụng chính sách “ngoại giao con tin” và điều này sẽ đặt ra tiền lệ bất lợi cho các giao dịch trong tương lai của phương Tây với chế độ cộng sản Trung Quốc.

com hdr speaker housakos
Thượng nghĩ sĩ Canada Leo Housakos (Ảnh: sencanada.ca)

“[Trong] trường hợp cụ thể này, Trung Quốc đã thắng. Họ đã có được những gì họ muốn”, ông Housakos nói với The Epoch Times. “Họ gây áp lực lên chúng tôi về mặt chính trị. Họ gây áp lực lên hệ thống tư pháp của chúng tôi.”

“Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là, điều này đã khích lệ chế độ Trung Quốc,” ông nói thêm.

Housakos nói rằng vì chế độ “có được những gì họ muốn” trong vụ bà Mạnh, họ có thể sử dụng ngoại giao con tin như một chiến lược liên tục trong các tình huống khác.

Ông nói: “Họ có thể chọn ngẫu nhiên công dân của bất kỳ nền dân chủ phương Tây nào của chúng ta và giữ họ để đòi tiền chuộc… Không gì có thể ngăn chặn họ lặp lại điều này.”

Đại sứ Canada tại Hoa Kỳ, Kirsten Hillman, đã khẳng định rằng Washington không yêu cầu Trung Quốc thả hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, như một điều kiện để giải quyết các cáo buộc chống lại bà Mạnh.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Question Period của CTV vào ngày 26/9, bà nói Canada “không bao giờ khuất phục trước áp lực” của Trung Quốc trong vụ bắt giữ Kovrig và Spavor, và chứng minh rằng việc thả bà Mạnh tuân theo đúng thủ tục xét xử. 

Bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, đã bị bắt tại Vancouver vào ngày 1 tháng 12 năm 2018 theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ liên quan đến cáo buộc gian lận về các giao dịch kinh doanh của Huawei tại Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Vài ngày sau đó, ngày 10/12, hai ông Kovrig và Spavor bị bắt giam với những cáo buộc vô căn cứ tại Trung Quốc.

Theo thỏa thuận truy tố được trì hoãn với các công tố viên Hoa Kỳ được ký vào ngày 24/9, bà Mạnh được phép không nhận tội nhưng phải đồng ý với các cáo buộc chống lại bà như được nêu trong một tài liệu về vụ việc. Cùng ngày, một tòa án Canada đã loại bỏ các điều kiện bảo lãnh, cho phép bà bay về Trung Quốc.

Cũng trong ngày hôm đó, hai Michaels đã được thả và được phép bay về Canada.

Ông Housakos nói: “Trong vòng vài phút sau khi Mạnh Vãn Châu được trả tự do, họ [Trung Quốc] đã đưa hai Michaels lên máy bay.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định trong cuộc họp báo ngày 27/9 rằng hai người Canada được tại ngoại vì lý do y tế và họ đã “thú nhận tội ác của mình” “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.”

Vào ngày 11/8, ông Spavor bị kết tội gián điệp và bị tòa án Trung Quốc kết án 11 năm tù. Phiên tòa xét xử ông Kovrig được tổ chức vào ngày 21/3 nhưng không có phán quyết nào được công bố.

Ông Housakos lưu ý rằng hệ thống tư pháp của Trung Quốc không độc lập và không xét xử các vụ án dựa trên pháp quyền, khiến cho hai người Canada dường như không thể được xét xử công bằng.

“Khi nói đến việc giam giữ người nước ngoài và chính người Trung Quốc, thì bất kỳ ai ở Trung Quốc mà chế độ và Đảng Cộng sản muốn giam giữ, họ sẽ bị giam giữ, bí mật xét xử, giam cầm mà không có thủ tục hợp pháp.”

‘Bạo chúa ngoài tầm kiểm soát’

Thông qua câu chuyện về việc giam giữ tùy tiện hai ông Kovrig và Spavor, “thói côn đồ của chế độ cộng sản Trung Quốc đã lộ diện hoàn toàn” và Canada hiện phải tách mình khỏi chế độ này, ông Housakos cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 25/9.

Ông nhấn mạnh rằng Canada phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để gửi đi một thông điệp rằng những gì đã xảy ra sẽ không được dung thứ một lần nữa.

“Chúng ta phải đứng lên chống lại những tên bạo chúa ngoài tầm kiểm soát, những kẻ đã ngang nhiên coi thường pháp quyền quốc tế. Chúng ta không thể để những người khác phải chịu số phận tương tự như các ông Kovrig và Spavor và ông Huseyin Celil,” ông viết, đề cập đến Nhà hoạt động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ người Canada đã bị bắt giam ở Trung Quốc từ năm 2006.

“Chế độ cộng sản Trung Quốc là một mối đe dọa rất thực tế và ngày càng gia tăng. … Canada phải bắt đầu đối xử với nó như vậy.”

Thượng nghị sĩ đề xuất cấm Huawei tham gia mạng 5G của Canada, tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh, tránh xa sự phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ được sản xuất tại Trung Quốc và theo đuổi thương mại với các quốc gia có cùng giá trị “tự do, dân chủ, nhân quyền và quy tắc luật. “

Ông nói với The Epoch Times rằng Canada không thể tiếp tục buôn bán với Trung Quốc cho đến khi chế độ này “bắt đầu vận hành trong giới hạn các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi”.

“Đánh đổi với Trung Quốc, đổi lấy các giá trị về nhân quyền và dân chủ của chúng ta, điều đó thật không đáng”, ông nói.

“Người Canada có thể tìm thấy các sản phẩm giá rẻ từ các nguồn khác… Nếu cần, hãy bắt đầu sản xuất một số sản phẩm giá rẻ đó trở lại Canada.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau cho biết vào ngày 26/9 rằng Canada “đang mở to mắt” [quan sát] khi nói đến việc bình thường hóa với Trung Quốc, và trong tương lai sẽ hoạt động theo 4 hướng là: cùng tồn tại, cạnh tranh, hợp tác và thách thức.

Ông Housakos nói rằng ông Garneau có thể “mở to mắt” nhưng vẫn cần “rút đầu ra khỏi cát” về mối đe dọa của Bắc Kinh đối với thế giới.

Ông nói: “Đây là một chế độ thực sự, thực sự tồi tệ hơn bất kỳ tổ chức tội phạm nào hoặc bất kỳ loại chế độ độc tài bất chính nào mà chúng ta đã thấy trong một thời gian rất dài.”

“Không có giới hạn nào mà họ sẽ không làm để đạt được mục tiêu của mình.”

Xuân Lan (theo The Epoch Times)

Xem thêm: