Tranh chấp biên giới Trung – Ấn: 200 binh lính TQ bị Ấn Độ ngăn chặn
- Vương Quân
- •
Mới đây, có thông tin 200 binh sĩ Trung Quốc đã vượt qua biên giới Trung – Ấn vào tuần trước và bị phía Ấn Độ bắt giữ trong thời gian ngắn. Những binh lính này đã được thả sau khi sau khi đàm phán.
Theo CNN-News18 tại Ấn Độ đưa tin, vụ việc xảy ra tại biên giới Bum La, huyện Tawang, tỉnh Arunachal Pradesh. Theo các quan chức cấp cao của chính phủ, sau khi 200 binh sĩ Trung Quốc vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) và cố gắng xâm nhập vào Ấn Độ, họ đã bị ngăn chặn và bị tạm giữ.
Nguồn tin cho biết, sĩ quan chỉ huy cấp 1 tại địa phương đã tham gia vào xử lý việc này. Sau khi trải qua đàm phán, binh lính Trung Quốc đã được thả và tình hình đã hòa hoãn. Phía quân đội Ấn Độ không lên tiếng chính thức về vụ việc, tuy nhiên nguồn tin an ninh quốc gia đã tiết lộ một cách rõ ràng rằng phòng ngự của Ấn Độ không bị tổn hại.
News18 dẫn một nguồn tin cho biết, 200 binh sĩ Trung Quốc đến từ Tây Tạng, họ đã xâm nhập huyện Tawang, một khu vực có ý nghĩa chiến lược. Mục đích chủ yếu của họ là nhằm phá hủy các lô-cốt ngầm của phía Ấn Độ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi chỉ ra, Ấn Độ nhắc lại rằng các hành vi “khiêu khích” và hành động “đơn phương” của Trung Quốc đã gây nguy hiểm cho hòa bình và trật tự trong khu vực. Ấn Độ mong muốn Trung Quốc nỗ lực để sớm giải quyết các vấn đề còn lại liên quan đến đường kiểm soát thực tế ở phía đông Ladakh trên cơ sở các thỏa thuận song phương.
Nguồn tin cho rằng do biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ chưa được phân định chính thức nên các nước có quan điểm khác nhau về đường kiểm soát thực tế. Tuy nhiên, chỉ cần tuân thủ thỏa thuận giữa hai bên, khu vực liên quan có thể duy trì hòa bình và thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Khi tuần tra hai bên gặp nhau thì cũng có thể căn cứ vào thỏa thuận để kiểm soát tình hình.
Theo báo cáo, trước đây, binh lính Trung Quốc đã nhiều lần vượt qua đường kiểm soát thực tế, thậm chí còn vượt biên vào năm 2011 để phá hủy các cơ sở của Ấn Độ, phía Ấn Độ cũng đã đưa ra kháng nghị với Bắc Kinh về việc này.
Bản tin cũng đề cập rằng trên thực tế, huyện Tawang là nơi sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu và cũng nằm ở một vị trí địa lý trọng yếu. Quan chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ cho biết, các đường dây liên lạc của Tawang kéo dài đến thành phố Guwahati và “Hành lang Siliguri” – một trung tâm giao thông ở biên giới, vì vậy tầm quan trọng của Tawang là hiển nhiên.
Về mặt chiến lược, huyện Tawang nắm giữ đường vào Đồng bằng Brahmaputra, và Tu viện Tawang ở khu vực này là ngôi đền Phật giáo lớn thứ hai trên thế giới và là một trong những địa điểm quan trọng của Phật giáo Tây Tạng. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và liệt kê nó thuộc huyện Cona của thành phố Sơn Nam trong Khu tự trị Tây Tạng.
Vương Quân, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Ấn Độ Biên giới Trung Quốc Ấn Độ Xung đột biên giới Trung-Ấn