Trump đột ngột hủy cuộc gặp với Putin tại G-20 vì căng thẳng Nga-Ukraine
- Yên Sơn
- •
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm (29/11) đã đột ngột tuyên bố hủy cuộc gặp đã lên lịch với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại G-20 ở Argentina với lý do Nga đang bắt giữ tàu và thủy thủ Ukraine.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin họp thượng định tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/7/2018.
Viết trên Twitter hôm 29/11, Tổng thống Trump nói: “Dựa vào thực tế rằng các tàu và thủy thủ vẫn chưa được trở về Ukraine từ Nga, tôi đã quyết định điều tốt nhất cho tất cả các bên liên quan là phải hủy cuộc gặp đã được liên lịch từ trước của tôi với Tổng thống Vladimir Putin tại Argentina. Tôi mong chờ một cuộc gặp thượng đỉnh khác ngay khi tình huống này được giải quyết”.
Theo Reuters, ông Trump đưa ra quyết định hủy cuộc gặp với người đồng cấp Nga ngay trên Không lực một (Air Force One) đang trên đường tới Argentina, sau khi có cuộc nói chuyện với Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói về việc ông Trump hủy cuộc gặp: “Việc đó vừa xảy ra trong nửa giờ trước”.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin đã được Nhà Trắng xác nhận. Khoảng gần hai giờ trước khi đưa ra quyết định hủy, ông Trump đã nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng ông đang dự tính chấm dứt cuộc gặp.
“Trên máy bay tôi sẽ có báo cáo đầy đủ về những gì đã xảy ra liên quan tới điều đó và khi đó sẽ quyết định điều tôi sẽ làm”, Reuters dẫn lời ông Trump.
Cũng trong hôm 29/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cáo buộc ông Putin đang muốn xâm lược toàn bộ Ukraine và Tổng thống Ukaine kêu gọi NATO hãy triển khai tàu chiến tới vùng biển mà Nga và Ukraine đang chia sẻ chung.
Trao đổi trên tờ Bild của Đức, Tổng thống Poroshenko cho hay: “Đừng tin những lời dối trá của Putin… Putin muốn hồi sinh đế quốc Nga. Crimea, Donbass, toàn bộ đất nước [Ukraine]. Như Sa hoàng Nga, như bản thân ông ta nhìn nhận, đế quốc của ông không thể hoạt động nếu không có Ukraine. Ông ta xem chúng tôi là thuộc địa của ông ấy”.
Ông Poroshenko nói với tờ Bild rằng ông cũng muốn NATO triển khai tàu chiến tới Biển Azov cho dù Ukraine chưa phải là thành viên của khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này.
NATO đã lên án Nga bắt giữ tàu của Ukraine và cho biết rằng các tàu của liên minh quân sự này vẫn thường tuần tra và thực hiện diễn tập tại Biển Đen, cùng các chuyến bay giám sát tại khu vực này. Sự hiện diện của hải quân NATO tại Biển Đen đã được tăng cường từ khi Nga xâm lược bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho biết: “Ba thành viên NATO – Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ – là các quốc gia ven biển với khả năng quốc gia của chính họ đã triển khai ở khu vực Biển Đen. Do đó, NATO đã có hiện diện nhiều ở Biển Đen rồi, và chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực này”.
Reuters nhận định rằng viễn cảnh tàu chiến NATO hướng tới Biển Azov – vùng biển bị chia tách với Biển Đen bởi Eo Kerch – dường như là rất khó, vì đó là vùng nước nông, và Nga đã kiểm soát gần như hoàn toàn tuyến hàng hải này. Chế độ Moscow có thể sẽ coi bất kỳ nỗ lực triển khai hải quân của NATO nào tại vùng biển này là hành động thù địch.
Tổng thống Putin đã cáo buộc Tổng thống Ukraine Poroshenko cố ý tạo dựng ra cuộc khủng hoảng này để tăng cường tỷ lệ tín nhiệm của ông trước cuộc bầu cử tại Ukraine vào năm tới.
Hiện tại, Tổng thống Poroshenko đã ban bố lệnh giới nghiêm tại nhiều khu vực ở Ukraine trong thời gian 30 ngày. Hôm 29/11, ông Poroshenko cũng đăng trên Twitter rằng ông sẽ áp đặt các hạn chế không nêu tên rõ ràng đối với các công dân Nga đang cư trú tại Ukraine.
Cơ quan biên giới Ukraine cho biết họ sẽ chỉ cho phép công dân Ukraine được di trú tới Crimea qua biên giới đất liền của nước này với lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng. Trong khi đó, người đứng đầu hải quân Ukraine nói rằng Kiev sẽ cố gắng đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa Eo biển Bosporus đối với các tàu của Nga.
Theo Reuters, hiện tại Nga đang cho thấy dấu hiệu tăng cường quân sự hóa Crimea, biến bán đảo này trở thành cái mà truyền thông Nga gọi là pháo đài.
Hãng tin TASS (Nga) hôm 29/11, dẫn theo tuyên bố của một phát ngôn viên Hạm đội Biển Đen của Nga, cho biết quân đội nước này đã triển khai mới một tiểu đội tên lửa đất-đối-không ở Crimea. Đây là tiểu đội tên lửa thứ tư của Moscow tại bán đảo này.
Dẫn theo một nguồn tin an ninh Crimea, hãng tin Interfax (Nga) cũng loan tin rằng Nga có kế hoạch xây dựng một trạm radar cảnh báo sớm tên lửa tại Crimea vào năm tới. Trạm radar này được cho là sẽ có khả năng theo dõi tên lửa đạn đạo và hành trình từ khoảng cách xa.
Cũng theo hãng tin Interfax, Nga đang làm việc về một hệ thống công nghệ mới để cho phép họ có thể theo dõi tốt hơn các tàu di chuyển quanh bán đảo Crimea nhằm bảo vệ biên giới trên biển của họ.
Được biết, Moscow vẫn đang hậu thuẫn lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine từ năm 2014 chống lại chính phủ Ukraine, cuộc xung đột này tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người. Những cuộc đụng độ lớn tại đây đã chấm dứt sau khi các bên ký được thỏa thuận ngừng bắn năm 2015, tuy nhiên các vụ đụng độ nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Vladimir Putin Quan hệ Mỹ - Nga xung đột Nga - Ukraine