Mỹ trừng phạt chuyên gia tên lửa Bắc Hàn; Nga đề nghị làm trung gian hòa giải
Hôm thứ Ba (26/12), Hoa Kỳ tuyên bố trừng phạt 2 quan chức Bắc Hàn đóng vai trò chủ chốt trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này trong khi Nga đề nghị làm trung gian hòa giải nhằm tháo ngòi căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Người Hàn Quốc xem tin tức về vụ Bắc Hàn phóng thử tên lửa
Theo Reuters, động thái trên của Mỹ là bước đi mới nhất nhằm hướng đến mục tiêu buộc Bắc Triều Tiên, quốc gia thách thức các chế tài quốc tế song phương và đa phương trong nhiều năm qua, từ bỏ chương trình vũ khí và phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ.
Bộ Tài Chính Mỹ nêu tên 2 chuyên gia bị chế tài lần này là Kim Jong-sik và Ri Pyong-chol. Chính phủ Mỹ mô tả ông Kim Jong-sik là một nhân vật chủ chốt đằng sau các nỗ lực phát triển tên lửa từ nhiên liệu lỏng sang nhiên liệu rắn trong khi ông Ri Pyong-chol là chuyên gia phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Bộ trưởng Tài Chính Hoa KỲ Steven Mnuchin nói: “Bộ Tài chính đang nhắm vào các lãnh đạo trong của chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Hàn. Đây là nỗ lực của chúng tôi nhằm tối đa áp lực chiến dịch cô lập (Bắc Hàn) và đạt được một bán đảo Triều Tiên thực sự phi hạt nhân”
Thứ Sáu tuần trước, Liên Hiệp Quốc đã áp một loạt các biện pháp trừng phạt đa phương về kinh tế lên Bắc Triều Tiên. Đây được xem là các chế tài nghiêm khắc nhất, được đưa ra để đáp trả việc chính phủ Kim Jong-un phóng thử loại tên lửa đạn đạo tầm xa mới nhất hôm 29/11, được cho là đủ khả năng vươn tới Hoa Kỳ lục địa.
Bắc Hàn nói họ coi các biện pháp trừng phạt của LHQ như giới hạn nguồn cung dầu thô và dầu tinh chế cùng việc buộc hồi hương lao động nước ngoài của họ là những hành động chiến tranh.
Mỹ tuyên bố họ cân nhắc mọi lựa chọn, trong đó có cả các biện pháp quân sự trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, tuy nhiên khẳng định nhiều lần họ mong muốn giải pháp ngoại giao sẽ có tác dụng. Đến nay Bắc Hàn chưa có dấu hiệu cho thấy họ muốn thảo luận về giải giáp hạt nhân.
Cùng ngày hôm qua, Nga nói họ sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Bắc Hàn nếu hai nước này muốn như vậy. Nga cùng với Trung Quốc liên tục kêu gọi hai bên nhượng bộ và tổ chức đàm phán.
“Mong muốn của Nga trong việc mở đường để xuống thang căng thẳng là rất rõ ràng”, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói vói phóng viên.
Trước đó vào ngày thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng đưa ra đề xuất tương tự. Ông nói với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong một cuộc điện đàm rằng “giọng điệu hung hăng của Washington” và việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực đã làm gia tăng căng thẳng và là điều không thể chấp nhận được. Ông Lavrov nhấn mạnh các bên phải “hành động nhanh nhất để chuyển từ ngôn ngữ của chế tài sang tiến trình đàm phán”.
Trong quá khứ Washington nhiều lần nhấn mạnh vai trò của nhiều nước khác, nhất là Trung Quốc và Nga trong việc thực hiện đầy đủ các chế tài về cắt giảm nguồn cung dầu cho chế độ Bình Nhưỡng.
Trung Quốc bày tỏ quan ngại rằng chế tài khắc nghiệt sẽ có hậu quả nhân đạo đối người dân Bắc Hàn. Theo số liệu hải quan của Trung Quốc, Trung Quốc không xuất khẩu sản phẩm dầu nào sang Bắc Hàn vào tháng 11, một dấu hiệu cho thấy sự tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Bắc Kinh không tiết lộ số lượng dầu thô xuất sang Bắc Hàn, nhưng theo Reuters, các nguồn tin trong ngành này nói rằng con số là khoảng 520.000 tấn/năm hay 3,8 triệu thùng dầu thô một năm, trực tiếp thông qua một đường ống nối biên giới 2 nước.
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Mỹ chế tài quan chức Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Ám sát Kim Jong-un