Cơ quan chống doping quốc gia Trung Quốc đã trả lời một bài báo của New York Times hôm thứ Hai (ngày 17/6), cáo buộc tờ báo này vi phạm “đạo đức và đạo đức truyền thông”, theo AFP đưa tin. Theo New York Times, 3 vận động viên bơi lội Trung Quốc có tên trong vụ bê bối doping từng dính líu đến các vụ án trước đó, trong đó có 2 người từng đoạt huy chương vàng và 1 người giữ kỷ lục thế giới.

thể thao, bơi lội
(Ảnh minh họa: Microgen/Shutterstock)

Cơ quan chống doping Trung Quốc (Chinada) nói với AFP: “Chúng tôi nhận thấy New York Times và các phương tiện truyền thông khác tiết lộ các tài liệu khi chưa được đồng ý và các thông tin không công khai, cũng như việc xâm phạm quyền riêng tư của các vận động viên, bao gồm cả trẻ vị thành niên.”

Một báo cáo của New York Times hôm thứ Sáu (ngày 14/6) cho biết, 3 trong số 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc liên quan đến vụ bê bối doping trước Thế vận hội Tokyo 2021 đã  từng có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm trong các trường hợp riêng biệt cách đây vài năm.

Theo bài báo, 3 vận động viên – bao gồm 2 vận động viên giành huy chương vàng Olympic 2021 và 1 người giữ kỷ lục thế giới hiện tại – đã có kết quả xét nghiệm dương tính với clenbuterol vào năm 2016 và 2017.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố 3 vận động viên đã vô tình ăn phải chất này qua thịt bị ô nhiễm, do đó không áp dụng biện pháp kỷ luật nào.

Cơ quan này tuyên bố rằng tờ New York Times “đã hiểu sai kết quả dương tính với clenbuterol (clenbuterol) từ thịt bị ô nhiễm rằng đó là do các vận động viên cố ý dùng doping”.

Cơ quan chống doping thế giới (WADA) hôm thứ Sáu cho biết, nồng độ clenbuterol trong 3 vận động viên này thấp hơn “6 đến 50 lần” so với ngưỡng báo cáo tối thiểu mà cơ quan này hiện đang sử dụng, nhưng không nói rõ lý do vì sao 3 trường hợp này không được công khai.

New York Times đưa tin, cơ quan quản lý bơi lội quốc tế World Aquatics, đã được thông báo về vụ việc nhưng không có hành động gì sau khi chấp nhận lời giải thích từ phía Trung Quốc.

Ông Olivier Niggli, tổng giám đốc Cơ quan chống doping thế giới, cho biết trong một tuyên bố rằng trường hợp này nêu bật vấn đề ô nhiễm clenbuterol trong thịt.

Ông Olivier Niggli nói: “Vấn đề ô nhiễm là có thật và cộng đồng chống doping đều nhận thức được điều đó”.

“Trong những năm qua, đã có hàng ngàn trường hợp được xác nhận về các dạng ô nhiễm khác nhau, bao gồm hơn một nghìn trường hợp ô nhiễm thịt ở các quốc gia như Mexico, Trung Quốc, Guatemala, Colombia, Peru và Ecuador.”

“Đây là trường hợp của 3 trong số các vận động viên có liên quan. Họ đều là những vận động viên bơi lội cấp cao thường xuyên được kiểm tra và ở một quốc gia nơi thịt thường bị nhiễm clenbuterol, họ có thể nằm trong số hàng trăm người khác cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chất này. Không có gì ngạc nhiên khi một trong những vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính với vi lượng thuốc.”

“Trong mỗi trường hợp, nguồn clenbuterol được xác nhận là do ô nhiễm thực phẩm.”

Cơ quan chống doping Trung Quốc cho biết: “Đây là hành động vi phạm đạo đức truyền thông và nhằm mục đích gây hiểu nhầm cho công chúng về công tác chống doping và gây tổn hại đến danh tiếng của Cơ quan chống doping thế giới, Cơ quan chống doping Trung Quốc và hệ thống chống doping toàn cầu.” Cơ quan chống Doping Trung Quốc cho biết họ “có quyền thực hiện hành động pháp lý thích hợp đối với New York Times và các phương tiện truyền thông khác”.

Trí Đạt (t/h)