Trung Quốc điều thêm 300.000 quân áp sát biên giới Bắc Hàn
- Xuân Thành
- •
Báo chí Hàn Quốc và quốc tế mới đây cho biết họ có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang điều động hàng chục vạn quân, cùng nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa áp sát biên giới Bắc Hàn. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh dự liệu trước khả năng sẽ có làn sóng tị nạn lớn từ Bắc Hàn hoặc sẽ xảy ra biến động quân sự lớn được kích hoạt do sự hiếu chiến của nhà lãnh đạo độc tài Kim Jong-un.
Nhật báo Hàn Quốc Chosun Ilbo dẫn thông tin từ Đài Á Châu Tự do (RFA) cho biết hôm thứ Hai (5/2) RFA tuyên bố rằng họ đã có bằng chứng thuyết phục cho thấy Trung Quốc “vào cuối năm ngoái đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại đơn vị thiết giáp ở Helong, phía tây Longjing thuộc khu tự trị Yanbian, [đông bắc tỉnh Cát Lâm]”
RFA, dẫn theo “Nguồn tin Bắc Hàn tại Trung Quốc”, lưu ý rằng Bình Nhưỡng đã biết và quan sát động thái Bắc Kinh chuyển dịch 300.000 quân tới gần biên giới Bắc Hàn và triển khai “hệ thống phòng thủ tên lửa gần các hồ chứa lấy nước từ sông Apnok và Duman”. Hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ bảo vệ hồ chứa trong trường hợp xảy ra các cuộc không kích.
Vào thứ Sáu tuần trước (2/2), tờ Nhân dân nhật báo của nhà nước Trung Quốc thông tin rằng Bắc Kinh cũng đang đầu tư xây dựng các trạm quan trắc có thể giám sát tình huống hạt nhân trên toàn thế giới, đặc biệt là từ Bắc Hàn để nhanh chóng thu thập được thông tin về các cuộc không kích tiềm ẩn. Mặc dù đã cẩn thận lưu ý rằng “việc giám sát này không nhắm vào bất cứ quốc gia bất kỳ nào”, nhưng Nhân dân nhật báo đã nhấn mạnh rằng 11 trạm giám sát đã lên kế hoạch “chịu trách nhiệm phát hiện các hoạt động hạt nhân tại các nước láng giềng, trong đó có Bắc Hàn”.
Nhân dân nhật báo khẳng định kế hoạch giám sát này “cho thấy cam kết của Trung Quốc đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu”. Tuy nhiên, cùng với động thái chuyển quân tới gần biên giới Bắc Hàn, sự phát triển các trạm quan trắc hạt nhân dấy lên mối quan ngại về việc khả năng sẽ có một sự kiện biến động quân sự hoặc chính trị lớn tại Bắc Hàn có tác động mạnh mẽ đến Trung Quốc.
Hoàn Cầu thời báo, một tờ báo khác của nhà nước Trung Quốc, mới đây cũng đã đăng bình luận rằng Thông điệp liên bang 2018 của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khiến “rủi ro về hành động quân sự của Mỹ [trên bán đảo Triều Tiên] gia tăng”. Ông Trump đã chỉ rõ Bắc Hàn là chế độ vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Tổng thống Mỹ cũng đã mời một người tị nạn Bắc Hàn tật nguyền tới khán phòng Quốc hội Mỹ nơi ông đọc Thông điệp liên bang để làm thông điệp về “khát vọng tự do” gửi tới nhân dân Bắc Hàn, đồng thời cũng là cảnh báo có sức nặng tới chế độ độc tài Kim Jong-un.
Cùng với việc chuyển quân tới gần Bắc Hàn, vào tháng 12 năm ngoái Trung Quốc cũng đã cho xây dựng các trại tị nạn để sẵn sàng đối phó với làn sóng di dân từ miền Bắc. Tờ Chosun Ilbo đã có thông tin về việc này dựa theo báo cáo của truyền thông Nhật Bản. Thông tin nói rõ rằng các trại tị nạn mà chế độ Bắc Kinh xây dựng ở tỉnh Cát Lâm, gần biên giới với Bình Nhưỡng có thể chứa được gần nửa triệu người.
Tờ nhật báo Cát Lâm cuối năm ngoái đã đăng bài viết khuyến nghị người dân “đóng cửa sổ và cửa chính trong tình huống khẩn cấp và lập tức đi tắm và xúc miệng, rửa tai sau khi bị phơi nhiễm phóng xạ”.
Trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước vẫn còn lảng tránh, không nói rõ trực tiếp về lo ngại của chính phủ Trung Quốc trước khả năng xảy ra xung đột tại Bắc Hàn, thì các học giả của chế độ Bắc Kinh cuối năm ngoái đã nói rõ rằng họ không tin tưởng chế độ Kim Jong-un có thể giữ cho Trung Quốc nằm ngoài một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn.
Giáo sư Shi Yinhong cho biết: “Bắc Hàn là một quả bom nổ chậm. Chúng ta chỉ có thể trì hoãn nó phát nổ, hy vọng vào việc trì hoãn nó, nhưng cũng đến lúc sẽ phải loại bỏ chất nổ”.
Bắc Hàn trong suốt nhiều năm qua và gần đây đã bác bỏ tất cả những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thuyết phục nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. Chế độ Kim Jong-un tuyên bố rằng họ phát triển chương trình hạt nhân tên lửa để tự vệ và ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ.
Bắc Hàn hiếm khi chỉ trích công khai Trung Quốc, nhưng trong năm 2017 họ đã vượt qua lằn ranh này. Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) đã cáo buộc Trung Quốc, tất nhiên không chỉ tên đích danh, “đang nhảy theo điệu nhạc của Mỹ” vì Bắc Kinh đồng ý với các nghị quyết trừng Phạt mà Wasington đệ trình lên Liên Hiệp Quốc.
RFA cho biết Bình Nhượng hiện tại “đang kích động tình cảm chống Trung Quốc trong dân chúng Bắc Hàn, thông qua các hội nghị và các buổi tuyên truyền thuyết giảng vì nền kinh tế của chế độ độc tài khép kín này đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ chế tài kinh tế của Liên Hiệp Quốc mà chính Trung Quốc – đồng minh lâu năm của họ cũng ủng hộ”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn quân đội Trung Quốc Quan hệ Trung Quốc - Bắc Hàn