Kim Jong-un kích động người dân chống Trung Quốc để tránh bị chỉ trích
- Trí Đạt
- •
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triển khai hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, tình hình kinh tế của nước này cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, hiện tại nơi đây đã triển khai cuộc “biểu tình không lời”. Về mặt ngoại giao, ông Kim Jong-un chỉ thị cho Đại sứ trú tại Trung Quốc là ông Ji Jae Ryong ngưng các hoạt động ngoại giao với Bắc Kinh; về mặt đối nội, Kim Jong-un kích động tâm lý chống Trung Quốc, tuyên bố tên lửa đã có thể che phủ toàn bộ địa phận Trung Quốc để lôi kéo lòng dân.
Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc “ẩn thân” 2 tháng
Theo Nhật báo Văn hóa (The Munhwa Il-bo) của Hàn Quốc đưa tin, do Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa khiêu khích thế giới, nên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết tiến hành trừng phạt toàn diện đối với Bắc Triều Tiên. Để đột phá khỏi cục diện bị trừng phạt này, bên cạnh việc Bắc Triều Tiên nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị “truyền thống” Trung – Triều, chủ trương thương mại Trung – Triều không nên lẫn lộn với vấn đề hạt nhân; đồng thời cũng tuyên bố, nếu phía Trung Quốc không đồng ý với yêu cầu của Bắc Triều Tiên, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thực sự “cắt đứt quan hệ với Trung Quốc”.
Tuy nhiên, trừng phạt của Trung Quốc đối với kinh tế Bắc Triều Tiên vẫn chưa hề giảm.
Trước đó, Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin, thương mại với nước ngoài của Bắc Triều Tiên có đến hơn 90% là dựa vào Trung Quốc. Do đó Trung Quốc là trọng tâm của các biện pháp mà Liên Hiệp Quốc sử dụng để trừng phạt Bắc Triều Tiên nhằm ép buộc nước này dừng chương trình hạt nhân lại.
Ngày 22/12/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên lần thứ 4 trong năm 2017. Đối diện với áp lực lớn từ Liên Hiệp quốc, Trung Quốc bỏ phiếu tán thành, đồng thời tham gia vào chính sách cắt đứt nguồn cung dầu mỏ sau vụ Triều Tiên phóng Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 29/11/2017.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 11/2017 vừa qua, Trung Quốc không xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên xăng, dầu mỏ dùng cho hàng không, dầu diesel (DO) hay dầu mazut (FO).
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra lệnh đóng cửa đối với các doanh nghiệp Triều Tiên, doanh nghiệp Bắc Triều Tiên hợp tác với Trung Quốc trên lãnh thổ Trung Quốc trước 9/1/2018. Nhật báo Trung ương của Hàn Quốc (JoongAng Ilbo) đưa tin, hơn 100 nhà hàng, khách sạn của Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Trung Quốc đã lần lượt đóng cửa tạm, dừng kinh doanh. Tờ báo Nihon Keizai Shimbun (hay Nikkei) của Nhật cho biết, các nhà hàng của Bắc Triều Tiên là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của chính quyền ông Kim Jong-un.
Còn về phía Bắc Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này cho biết, việc áp dụng biện pháp trừng phạt mới này là “hành vi gây chiến tranh”, đồng thời uy hiếp rằng sẽ khiến cho các nước tham dự trừng phạt Bắc Triều Tiên phải “trả giá đắt”, đồng thời Bắc Triều Tiên cũng tỏ vẻ “thị uy không lời” đối với Trung Quốc.
Đài truyền hình NTDTV chỉ ra, về mặt ngoại giao, ông Kim Jong-un chỉ thị ông Ji Jae Ryong – Đại sứ trú tại Trung Quốc không được tham dự bất cứ hoạt động ngoại giao nào liên quan đến Trung Quốc, chỉ được đi lại bên trong Đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh mà thôi. Tháng 11/2017, Đặc sứ Tống Đào của Trung Quốc trở về nước sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên, từ đó cũng không thấy ông Ji Jae Ryong lộ diện.
Tạo tinh thần chống Trung Quốc để lôi kéo lòng dân
Trung – Mỹ liên thủ để đối kháng với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, khiến cho tình hình kinh tế của Bắc Triều Tiên ngày càng ảm đạm. Có nguồn tin cho biết, dưới sự trừng phạt ngày càng nghiêm của quốc tế đối với Bắc Triều Tiên, người dân nước này đang phải chịu đựng cuộc sống đầy khốn khó, do đó, họ bắt đầu chỉ trích chính quyền Triều Tiên.
Để làm dịu sự bất mãn của người dân đối với tình hình khó khăn của đất nước, về đối nội, ông Kim Jong-un bắt đầu kích động tinh thần chống Trung Quốc, nói “Trung Quốc đã phản bội lại Bắc Triều Tiên” với ý đồ chuyển những lời chỉ trích của người dân sang hướng khác.
Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin, tháng 12/2107, “Liên minh Chủ nghĩa Nữ quyền Bắc Triều Tiên” tổ chức cuộc mít tinh, quan chức liên tiếp tuyên bố những ngôn luận chống Trung Quốc, họ nói “Nhật bản là kẻ địch trăm năm” nhưng “Trung Quốc lại là kẻ địch ngàn năm của Bắc Triều Tiên”.
Chính quyền Bắc Triều Tiên cũng đem nguyên nhân khiến kinh tế trong nước gặp khó khăn đổ cho Trung Quốc, tố cáo “Trung Quốc lấy khó khăn mà Bắc Triều Tiên đối mặt để mưu cầu lợi ích bản thân”.
Cũng có kênh truyền thông của Nhật Bản và Hàn Quốc tiết lộ, ông Kim Jong-un nói thẳng sẽ dùng tên lửa tấn công Thượng Hải và Bắc Kinh.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Triều Tiên Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên Tên lửa đạn đạo