Các dự án đập thủy điện của Trung Quốc và các nước khác dọc theo sông Mekong đã gây ra căng thẳng chính trị giữa các nước láng giềng dọc theo con sông dài nhất Đông Nam Á.

NQH05902
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự LMC hôm 24/8 (Ảnh: chinhphu.vn)

Hôm thứ Hai (24/8), Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực “ngoại giao vắc-xin” với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa hẹn quyền ưu tiên tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19 cho 5 đối tác Đông Nam Á vùng sông Mekong. Ông Lý Khắc Cường cũng cam kết chia sẻ thông tin kiểm soát nguồn nước cho các quốc gia bị lũ lụt dọc theo sông Mekong.

Ông Lý đưa ra những cam kết trên tại Hội nghị được tổ chức qua truyền hình giữa các nhà lãnh đạo trong Hợp tác Lancang – Mekong (LMC), một nền tảng hợp tác giữa Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Ông Lý cho biết các đối tác của LMC sẽ được ưu tiên tiếp cận vắc-xin sau khi Trung Quốc đã phát triển đầy đủ và đưa vào sử dụng, theo Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc.

Trung Quốc cũng sẽ thiết lập một chương trình y tế công cộng dành riêng trong khuôn khổ của quỹ đặc biệt LMC, được khởi động vào năm 2016 để tài trợ cho các dự án hợp tác giữa sáu quốc gia; đồng thời tiếp tục cung cấp vật liệu và các hỗ trợ khác cho các đối tác của LMC để chống lại đại dịch.

>ĐCSTQ xây đập kiểm soát thượng nguồn sông Mekong khiến hạ nguồn hạn hán

Trước đó, hồi tháng 7 Trung Quốc cũng đã hứa hẹn quyền ưu tiên tiếp cận vắc-xin cho Philippines sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra lời kêu gọi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Duterte còn cho biết Philippines sẽ không chống lại Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông, nơi hai nước có các yêu sách lãnh thổ mâu thuẫn.

Đối với các nước ven sông Mekong, Trung Quốc cũng cho biết sẽ cung cấp dữ liệu thủy văn hàng năm để chống lại biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán tốt hơn.

Sông Mekong chảy từ Trung Quốc – nơi được gọi là Lancang – qua 5 quốc gia đối tác khác của LMC. Các dự án đập thủy điện của Trung Quốc và các nước khác dọc theo sông Mekong đã gây ra căng thẳng chính trị giữa các nước láng giềng dọc theo con sông dài nhất Đông Nam Á.

Trong đó, đã có nhiều báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng việc Trung Quốc xây dựng các đập nước ở thượng nguồn sông Mekong là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt hoặc hạn hán nghiêm trọng cho các quốc gia ở hạ nguồn.

Trung Quốc đã phải vật lộn với trận lũ lụt lịch sử trong năm nay ở miền nam và miền trung của đất nước, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng chục triệu người bị ảnh hưởng. Mưa lớn và lũ lụt cũng đã gây nhiều thiệt hại về người và của đối với người dân ở Thái Lan, Myanmar và Việt Nam trong những tuần gần đây.

Xuân Lan

Xem thêm: