Trung Quốc “nhận công” đưa Bắc Hàn trở lại đàm phán
- Xuân Thành
- •
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần qua đã đăng các bài bình luận cho rằng chính Bắc Kinh đã giúp đem lại thành công ngoại giao đột phá trên bán đảo Triều Tiên, đưa Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa. Thực tế liệu có đúng với những gì Trung Quốc nói?
Ông Trump đã chấp nhận lời mời gặp trực tiếp Kim Jong-un.
Tờ Nhân Dân Nhật báo và Hoàn Cầu Thời báo – tiếng nói của chính quyền Đảng cộng sản Trung quốc – tuần qua đều đăng bài bình luận cho rằng việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un có kế hoạch đối thoại trực tiếp trong vài tháng tới là do kết quả từ những nỗ lực của Trung Quốc.
>>Ông Trump chấp nhận gặp Kim Jong-un vào tháng Năm
Tờ Nhân Dân Nhật báo nhận định rằng chính kế hoạch “đình chỉ kép” hay còn gọi là “cùng đóng băng” của Trung Quốc, trong đó yêu cầu Bắc Hàn dừng thử hạt nhân, tên lửa và liên minh Hoa Kỳ – Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận chung, đã dẫn tới bước đột phá ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Trong bài xã luận hôm thứ Bảy (10/3), tờ Nhân Dân Nhật báo nói rằng: “Những dấu hiệu giảm căng thẳng hiện nay nên được hiểu thực sự là do kết quả từ đề xuất ‘đình chỉ kép’”.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc viện dẫn ông Trump đã nói trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (9/3) rằng lập trường của Trung Quốc về việc Hoa Kỳ nên nói chuyện với Bắc Hàn là đúng đắn.
“Phía Hoa Kỳ rất cảm ơn và coi trọng vai trò quan trọng của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên”, tờ Nhân Dân Nhật báo nhấn mạnh.
Trước đó, vào thứ Sáu (9/3), tờ Hoàn Cầu Thời báo cũng đăng bài xã luận phủ nhận việc Trung Quốc “bị gạt ra ngoài lề” khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xem xét đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un.
Tờ báo này tuyên bố rằng thỏa thuận dự kiến của ông Trump và ông Kim về đối thoại trực tiếp chứng minh “những nỗ lực của Trung Quốc đã có kết quả”.
Hoàn Cầu Thời báo khẳng định Trung Quốc xứng đáng nhận công cho bước đột phá ngoại giao nêu trên bởi vì Bắc Kinh luôn luôn “thúc đẩy một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ” và kêu gọi một “cách tiếp cận kép” trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên – được hiểu là Bắc Hàn dừng thử tên lửa, hạt nhân và Mỹ, Hàn Quốc cũng dừng tập trận chung.
“Trung Quốc sẽ hoan nghênh cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn và kiên quyết ủng hộ Bắc Hàn bảo đảm các lợi ích chính đáng của họ trong quá trình phi hạt nhân hóa. Thông qua những nỗ lực này, lợi ích của Trung Quốc sẽ không bị đẩy sang một bên”, tờ Hoàn Cầu Thời báo kết luận.
Thực thế, Trung Quốc đã từng là nước tiên phong và trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao về Bắc Hàn, từ lâu đã thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán để khiến Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Một thập kỷ trước, Bắc Kinh đã tổ chức nhiều vòng đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa nhưng đều đã kết thúc thất bại.
Trung Quốc cũng đã từng tham gia sâu vào các nỗ lực ngoại giao về vấn đề Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng gần đây đã bị chia rẽ. Không có nhiều liên hệ cấp cao giữa hai nước và lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un chưa từng tới thăm Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức năm 2011.
Trung Quốc gần như không đóng vai trò gì trong việc tan băng giữa hai miền Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông vừa qua. Qua các cuộc đàm phán liên Triều, hai bên đã tạo được nền móng của cuộc gặp mặt chính thức giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào tháng Tư tới.
Vai trò của Trung Quốc trong việc kết nối hai miền Triều Tiên tại sự kiện Thế vận hội mùa đông là rất mờ nhạt. Theo Reuters, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Thế vận hội là Ủy viên Thường vụ Bộ chính Trị Hàn Chính hoàn toàn lu mờ trước các đại diện ngoại giao của Mỹ và Bắc Hàn tại Thế vận hội. Ngoại giới đánh giá các cuộc tiếp xúc giữa Trung Quốc và Bắc Hàn rất lẻ tẻ, chỉ giới hạn trong trao đổi giữa hai đảng cộng sản và không mang lại điều gì.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Sáu (9/3) nói rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục “đóng vai trò tích cực” trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị và vì sự ổn định và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng phía Bắc Kinh không đưa ra giải pháp chi tiết của mình và cũng tránh trả lời trực tiếp khi báo giới đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có tổ chức các cuộc đàm phán Trump – Kim Jong-un hay không.
Ông Zhao Tong, một chuyên gia về Bắc Hàn tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua, có trụ sở ở Bắc Kinh, cho hay: “Trung Quốc sẽ cảm thấy rất tốt theo nghĩa rằng về cơ bản Bắc Hàn đã đưa ra một cái gì đó giống như một sự chứng thực cho chiến lược đình chỉ kép [của Bắc Kinh]. Nhưng về các cuộc đàm phán và đối thoại trực tiếp, Trung Quốc sẽ không phải là thành viên liên quan nhất. Và với tiến bộ đang diễn ra ở tốc độ nhanh như hiện nay, ngày càng có nhiều mối quan ngại ở Trung Quốc rằng Bắc Kinh đang bị đẩy ra ngoài lề của toàn bộ vấn đề và họ đang mất dần kiểm soát cho dù vẫn là bên ủng hộ tiến trình này”.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên Quan hệ Mỹ - Bắc Hàn phi hạt nhân hóa Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên