Hôm thứ Năm (16/9), Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc hình thành quan hệ đối tác an ninh ba bên mới giữa Hoa Kỳ, Anh và Úc, được gọi là AUKUS, nói rằng nó được tạo ra nhằm vào Bắc Kinh và quân đội nước này.

W020210916636334887675
Phát ngôn viên BNG Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: BNG Trung Quốc)

Trước đó, các nhà lãnh đạo của ba nền dân chủ đã gặp nhau thông qua liên kết video vào hôm thứ Tư (15/9) để công bố sáng kiến ​​đầu tiên của AUKUS: đó là giành 18 tháng tới để vạch ra kế hoạch giúp Úc xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của mình, nhưng được trang bị vũ khí thông thường.

Tiết lộ về quan hệ đối tác an ninh ba bên mới, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết các tàu hải quân sẽ được đóng ở Adelaide và Úc không có ý định có vũ khí hạt nhân hoặc năng lực hạt nhân dân sự.

Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả cam kết này là “một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới”, trong khi Tổng thống Joe Biden cho biết ba nước đã thực hiện “bước đi lịch sử” để chính thức hóa liên minh của họ nhằm thực thi “sứ mệnh đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về lâu dài.”

Các nhà lãnh đạo AUKUS không đề cập đến Trung Quốc trong bài phát biểu của họ, nhưng tác động của Hiệp ước mới dường như đã được cảm nhận trên khắp Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm (16/9) rằng quyết định của ba chính phủ hợp tác về chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc “phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực và tăng cường chạy đua vũ trang.”

Ông Triệu gọi việc xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân nhạy cảm này là “hành vi cực kỳ vô trách nhiệm.”

Ông Triệu nói thêm: “Các nước có liên quan nên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và các ý tưởng địa chính trị hạn hẹp của họ, hoặc có nguy cơ tự bắn vào chân mình”.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao của TT Biden cho biết quan hệ đối tác mới “không nhằm mục đích hoặc vì bất kỳ quốc gia nào.”

Họ nhấn mạnh tính chất “đặc biệt” và “duy nhất” của quyết định chia sẻ công nghệ nhạy cảm với Úc, theo bản ghi do Nhà Trắng công bố.

Các quan chức chính quyền gọi việc thành lập AUKUS là một quyết định cơ bản “gắn kết chặt chẽ Úc với Hoa Kỳ và Anh trong nhiều thế hệ.”

Họ nói, liên kết ba bên mới là về “hợp tác trên các khả năng chung và theo đuổi khả năng tương tác sâu hơn” giữa hải quân của ba nền dân chủ hàng hải. AUKUS sẽ liên quan đến các cuộc họp và cam kết cấp cao cũng như hợp tác về không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác.

Các quan chức giải thích rằng tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân vượt trội về khả năng tàng hình, tốc độ, khả năng cơ động, khả năng sống sót và có thể được triển khai trong thời gian dài hơn. 

Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sở hữu một hạm đội nhỏ gồm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mà các nhà phân tích cho rằng đã tạo thành một lực lượng răn đe hạt nhân đáng kể trên biển.

Vào năm 2016, Úc đã ký một thỏa thuận với nhà thầu Naval Group của Pháp với trị giá 90 tỷ đô la Australia (65,7 tỷ USD) nhằm sản xuất một hạm đội tàu ngầm diesel. 

Sự can dự mới nhất của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có nghĩa là thỏa thuận này sẽ bị hủy bỏ.

Trong một tuyên bố do ABC News của Úc thực hiện, Naval Group gọi thông báo này là một “sự thất vọng lớn”.

Trong một tuyên bố chung, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cáo buộc Mỹ đã gạt một đồng minh châu Âu sang một bên. 

Cựu Đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud đã tweet: “Thế giới là một khu rừng. Pháp vừa được nhắc nhở sự thật cay đắng này khi Mỹ và Anh đã đâm sau lưng nước này ở Australia. C’est la vie.[Cuộc sống là thế].”

Xuân Lan (theo Newsweek)

Xem thêm: