Trung Quốc trục xuất du học sinh Đức vì nghiên cứu về nhân quyền
- Huệ Anh
- •
Du học sinh người Đức David Missal đang học tập tại Học viện Báo chí Truyền thông thuộc Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) do nghiên cứu liên quan đến “Sự kiện 709” và vấn đề nhân quyền nên đã bị chính quyền Trung Quốc trục xuất về nước.
Du học sinh Đức David Missal năm nay 24 tuổi, ngày 12/8 đã bị ép phải lên máy bay rời khỏi Trung Quốc trong khi anh vẫn lưu luyến nơi này.
David Missal là nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa, môn học tự chọn của anh có liên quan đến đề tài tin tức về nhân quyền, để hoàn thành bài tập, David Missal đã cùng một số luật sư nhân quyền đi phỏng vấn.
David Missal: “Trong học kỳ trước, tôi đã chọn một chủ đề trong một môn học, đó là chủ đề về luật sư nhân quyền, khi làm chủ đề này tôi cùng luật sư Lận Kỳ Lỗi đi đến Vũ Hán và bị cảnh sát Vũ Hán bắt giữ.”
Hồi tháng Năm vừa qua, David Missal đã cùng luật sư nhân quyền Lận Kỳ Lỗi đến trại tạm giam ở thành phố Vũ Hán để gặp nhà hoạt động nhân quyền Tần Vĩnh Mẫn đang bị giam giữ ở đây. David Missal bị giam giữ ở đây một thời gian.
Luật sư Lận Kỳ Lỗi cho biết, để hoàn thành bài tập, David Missal chỉ là chú ý đến người nhà và luật sư nhân quyền trong “Sự kiện 709”, ĐCSTQ lại hoàn toàn không để ý đến phép tắc ngoại giao, cũng không thèm để ý việc làm thay đổi cả tương lai một người, đã kết thúc việc học hành của người ta một cách thô bạo. Đây là một chuyện vô cùng nực cười, nhưng nó đã xảy ra ở Trung Quốc.
Luật sư nhân quyền Lận Kỳ Lỗi: “Cơ quan chức năng điều tra rõ ràng, cậu ấy (David Missal) không có chuyện gì cả vậy mà họ đã ngừng cấp visa một cách thô bạo, cậu ấy vẫn còn phải học 1 năm nữa mà. Dù là ngoại giao hay về phương diện nhân quyền cá nhân thì đều là cách làm hoàn toàn vi phạm pháp luật một cách tùy tiện. Còn nói gì là hình tượng một nước lớn, hoàn toàn là hèn hạ”.
Lý Văn Túc – vợ của luật sư nhân quyền đang bị chính quyền giam giữ Vương Toàn Chương cũng là một trong những người mà David Missal phỏng vấn. Tháng Tư năm nay, Lý Văn Túc bắt đầu hành trình đi bộ tìm chồng, David Missal đi theo chụp ảnh, nhưng bị cảnh sát tạm giam và tra hỏi.
>>Trung Quốc: Luật sư mất tích hơn 1000 ngày và hành trình đầy gian nan tìm tung tích chồng
David Missal: “10 ngày trước họ gọi tôi đến, tôi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bắc Kinh, ở đó có 3 cảnh sát, họ đọc thông báo cho tôi, nói visa của tôi sẽ bị hủy bỏ, bởi vì tôi có một số hoạt động không phù hợp với visa dành cho sinh viên, nên cần phải rời khỏi Trung Quốc trong 10 ngày. Mặc dù tôi biết có thể sẽ xảy ra tình huống này, nhưng tôi vẫn vô cùng kinh ngạc. Tôi thật không ngờ tôi không còn cách nào trở lại Trung Quốc nữa.”
Theo kế hoạch ban đầu, việc học tập của David Missal còn một năm nữa mới xong, nhưng sự việc này phát sinh nên việc học của anh cũng bị đứt đoạn.
Theo Hãng tin AP, năm nay phía trường Đại học Thanh Hoa đã có 2 lần cảnh báo David Missal không nên theo đuổi nghiên cứu chủ đề chính trị nhạy cảm.
Có cư dân mạng đặt câu hỏi, sinh viên ngành báo chí không phải là đi phỏng vấn các nhóm người khác nhau hay sao?
David Missal: “Mặc dù lựa chọn đề tài này đối với chính quyền Trung Quốc là vấn đề nhạy cảm, nhưng tôi thực sự chỉ là quay video bài tập, thực ra bài tập này tôi đăng trên youtube và twitter, có thể khi đó chỉ có khoảng 100 người xem, dù sao số người xem cũng không nhiều. Hiện tại vì họ đã hủy cấp visa cho tôi, nên mới có nhiều kênh truyền thông chú ý tới, mới có nhiều người coi được bài tập đó, do đó tôi cảm thấy cách làm này đối với chính quyền Trung Quốc mà nói cũng là rất ngốc nghếch, tôi cảm thấy họ làm không thích hợp.”
David Missal cho biết, anh biết một số bạn học người Trung Quốc cũng muốn làm về đề tài nhân quyền, nhưng rất nhiều người không dám làm, và bản thân anh cũng hiểu rõ nguyên nhân mà họ không dám làm.
David Missal: “Nhìn nhận về nhân quyền Trung Quốc, có một số ít nhóm người, họ có thể nói Trung Quốc không có nhân quyền nào cả, họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào.”
Nói về sự việc khiến anh khó quên trong thời gian du học tại Trung Quốc, Davis Missal nói chính là khi làm đề tài này, được đi cùng và giao lưu cùng các luật sư nhân quyền.
David Missal: “Tôi cảm thấy họ (luật sư nhân quyền trong sự kiện 709) thật dũng cảm, mặc dù họ luôn trọng trạng thái gặp nguy hiểm, nhưng vẫn kiên trì, đây là điều khiến tôi khó quên. Họ bị đối đãi như thế là một việc rất đáng sợ, nhưng trong 3 năm nay họ vẫn kiên trì, đúng là một việc khiến tôi phải bội phục”.
Theo Đài Á châu Tự do, David Missal là du học sinh của chương trình học bổng của Trung tâm Giao lưu học thuật Đức, sau khi chính quyền Trung Quốc từ chối cấp visa cho David Missal, trung tâm này vẫn tiếp tục kế hoạch cấp học bổng.
David Missal cho biết bản thân anh vẫn chưa quyết định bước tiếp theo sẽ làm thế nào, có lẽ sẽ đi Berlin, Hồng Kông hoặc Đài Loan để học tập tiếp.
Huệ Anh (theo NTDTV)
Xem thêm:
Từ khóa Sự kiện 709 bức hại nhân quyền