Trung Quốc xây ‘trại nuôi cá kết cấu thép’ tại biển Hoàng Hải, Hàn Quốc phẫn nộ
- Bình Minh
- •
Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lắp đặt các trang trại nuôi cá có kết cấu thép tại vùng biển tranh chấp ở Hoàng Hải (Yellow Sea) đã gây phẫn nộ ở Hàn Quốc. Các chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra rằng mục tiêu của Trung Quốc là chiếm đóng vùng biển của nước này từng bước một, và hạn chế hành động của liên minh Hoa Kỳ – Hàn Quốc.
Theo hãng thông tấn Yonhap, liên quan đến hoạt động lắp đặt các công trình ngoài khơi của ĐCSTQ tại Vùng biển tạm thời Hàn Quốc-Trung Quốc (PMZ), ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc Kang Do-hyung cho biết, Chính phủ sẽ phản ứng nghiêm túc dựa trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền hàng hải và xử lý vấn đề thông qua phối hợp liên ngành.
Ông Kang Do-hyung cho biết bộ này đang phối hợp với Bộ Tài chính, thảo luận và chuẩn bị ngân sách cho việc thành lập các cơ sở như trang trại nuôi trồng thủy sản. Ông cũng tiết lộ Chính phủ Hàn Quốc đã cử một tàu khảo sát đến vùng biển tạm thời, tiếp tục kiểm tra các kết cấu thép do Trung Quốc dựng lên.
Theo Yonhap, Hàn Quốc và Trung Quốc sắp tổ chức cuộc họp cấp bộ, thảo luận về việc Trung Quốc lắp đặt các kết cấu thép tại vùng biển thuộc Biên bản ghi nhớ tạm thời Hàn Quốc-Trung Quốc mà không qua thương lượng.
Tháng 3/2022, lần đầu tiên một tàu tuần tra nghề cá của Hàn Quốc phát hiện ĐCSTQ đã thiết lập một cấu trúc ngoài khơi tương tự như một giàn khoan dầu và thông báo cho Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Sau đó, Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với ĐCSTQ thông qua các kênh ngoại giao.
Chiến thuật vùng xám
Hôm thứ Hai (22/4) tờ Financial Times đưa tin, Hàn Quốc ngày càng tức giận về các cơ sở nuôi cá của Trung Quốc ở biển Hoàng Hải, vì các hành động cứng rắn của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp một lần nữa làm căng thẳng mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Tháng trước, bà Na Kyung-won, nhà lập pháp thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của Hàn Quốc, cáo buộc Trung Quốc sử dụng “chiến thuật xã hội đen”, ngăn chặn các nước khác tiếp cận Biển Đông và Biển Hoa Đông bằng vũ lực.
Trên mạng xã hội, bà viết chúng ta cần một phản ứng cứng rắn và kiên quyết trước những nỗ lực không công bằng của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng.
Bắc Kinh khẳng định hoạt động xây dựng này chỉ nhằm mục đích đánh bắt cá, nhưng các quan chức và chuyên gia Hàn Quốc lại coi đây là ví dụ mới nhất về chiến thuật “vùng xám” của ĐCSTQ.
Những người chỉ trích cho rằng ĐCSTQ sử dụng chiến lược vùng xám này để bắt nạt các quốc gia như Philippines, Việt Nam và Đài Loan trong vùng biển lãnh thổ của họ.
Ông Jaewoo Choo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Viện An ninh Quốc gia Hàn Quốc, một tổ chức nghiên cứu tại Seoul, cho biết đây là một chiến lược bí mật nhằm chiếm đóng vùng biển của Hàn Quốc từng chút một và hạn chế các hành động của liên minh Hoa Kỳ – Hàn Quốc.
Vùng biển biện pháp tạm thời Hàn-Trung trên biển Tây là một phần của vùng biển chồng lấn Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý giữa hai bên, là nơi tàu cá hai bên cùng đánh bắt cá dưới sự quản lý chung của chính phủ hai nước. Các hành vi khác ngoài hoạt động di chuyển của tàu thuyền và hoạt động đánh bắt cá đều bị cấm.
Tranh cãi về vấn đề này dấy lên sau khi ĐCSTQ lắp đặt các kết cấu trên vùng biển phía tây Hàn Quốc vào năm 2018 và năm 2024. Đầu năm nay, Bắc Kinh có động thái lắp đặt thêm một kết cấu khác, nhưng phía Trung Quốc nói rằng đây là trang trại nuôi trồng thủy sản biển sâu.
Giới phân tích nhận định, cùng với việc chạy đua giành kiểm soát trên Biển Đông, ĐCSTQ đang tìm cách đẩy biên giới biển tiến xa bờ hơn để củng cố sức mạnh quân sự và kinh tế ở khu vực tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên việc tranh chấp lãnh hải với Hàn Quốc có nguy cơ phá hủy mối quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa hai nước.
Hàn Quốc cũng là một trong những nước lên tiếng chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua.
Từ khóa Hàn Quốc biển Hoàng Hải Quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc tàu cá Trung Quốc Dòng sự kiện Recommend
