‘Tự do Internet toàn cầu 2024’: Trung Quốc xếp cuối bảng 10 năm liên tiếp
- Trí Đạt
- •
Tổ chức hoạt động nhân quyền Freedom House của Mỹ đã công bố “Báo cáo Tự do Internet” (Freedom on the Net) toàn cầu năm 2024 hôm thứ Tư (16/10). Báo cáo chỉ ra rằng tự do Internet toàn cầu đã suy giảm trong 14 năm liên tiếp. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia đội sổ năm thứ 10 liên tiếp, chỉ đạt 9 điểm/100, Việt Nam đạt 22/100 điểm. Đài Loan đứng đầu châu Á và thứ 7 thế giới với số điểm 79/100.
Freedom House cho biết trong một thông cáo báo chí rằng người dân ở ít nhất 43 quốc gia đã bị tấn công hoặc giết hại vì những ngôn luận và hoạt động trực tuyến, đây là con số ở mức cao kỷ lục.
Cư dân mạng Trung Quốc phải đối mặt với môi trường tự do internet tồi tệ nhất thế giới
Tự do Internet là nghiên cứu hàng năm về nhân quyền trong lĩnh vực kỹ thuật số. “Báo cáo Tự do Internet” năm 2024 đã đánh giá quyền tự do Internet ở 72 quốc gia và khu vực, người dùng Internet ở các quốc gia và khu vực này chiếm 87% tổng số người dùng Internet toàn cầu. Trong số đó, tình hình bảo vệ nhân quyền trực tuyến ở 27 quốc gia đã giảm sút và 18 quốc gia đã được cải thiện.
Đánh giá này sử dụng phương pháp tiêu chuẩn để xác định điểm tự do Internet của mỗi quốc gia và khu vực theo thang điểm 100, với 21 chỉ số độc lập bao gồm các rào cản truy cập, hạn chế nội dung và xâm phạm quyền lợi người dùng. Trung Quốc, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tiếp tục bị đánh giá là quốc gia có môi trường tự do Internet tồi tệ nhất thế giới, chỉ đạt 9/100 điểm.
Điểm tổng thể của Myanmar đã giảm trong đánh giá năm nay, khiến nước này ngang hàng với Trung Quốc là quốc gia có điểm tổng thể thấp nhất trong báo cáo. Đây cũng là lần đầu tiên sau 10 năm, một quốc gia cùng xếp hạng với Trung Quốc ở vị trí cuối bảng.
Freedom House cho biết, kể từ khi nắm quyền trong cuộc đảo chính vào năm 2021, quân đội Myanmar đã tiến hành trấn áp bạo lực một cách tàn khốc đối với những người bất đồng chính kiến, sử dụng một hệ thống kiểm duyệt và giám sát rộng rãi để ngăn chặn những ngôn luận chỉ trích và bỏ tù hàng ngàn người vì những phát ngôn trên mạng.
Về quyền tự do Internet ở Trung Quốc, báo cáo cho biết, “Bắc Kinh tiếp tục ngăn cách Internet nội địa của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, chặn quyền truy cập của nước ngoài vào một số trang web của chính phủ và phạt nặng những người sử dụng VPN.”
- ĐCSTQ kết án nặng người phát triển phần mềm đột phá phong tỏa Internet
- Sau 4 năm “vượt tường lửa” Internet, người đàn ông ở TQ bị bắt
Báo cáo cũng cho biết Chính phủ ĐCSTQ cũng tiếp tục “đàn áp những người bất đồng chính kiến một cách có hệ thống”. Ví dụ, vào tháng 11/2023, nhà hoạt động và nhà báo Trung Quốc Tôn Lâm (Sun Lin) đã bị cảnh sát đánh đến chết vì có những phát ngôn trên mạng phản đối lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Sau đó, ĐCSTQ đã kiểm duyệt các cuộc thảo luận trực tuyến có liên quan về ông Tôn Lâm.
“Trong 10 năm qua, cư dân mạng Trung Quốc đã phải đối mặt với điều kiện tự do trực tuyến tồi tệ nhất trên thế giới. Những người chia sẻ tin tức, nói về niềm tin tôn giáo, liên lạc với các thành viên trong gia đình và người nước ngoài trên mạng cũng như các hoạt động khác đã phải đối mặt với hậu quả pháp luật và ngoài pháp luật nghiêm trọng.” Báo cáo còn viết, “Chính quyền nắm giữ quyền lực to lớn đối với ngành công nghệ, sử dụng các cuộc điều tra theo quy định và lệnh gỡ bỏ để thực thi chỉ lệnh của chính phủ.”
“Chế độ độc tài của ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp trong những năm gần đây. ĐCSTQ cầm quyền tiếp tục thắt chặt kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống và quản lý, bao gồm bộ máy quan liêu nhà nước, truyền thông, ngôn luận trực tuyến, hoạt động tôn giáo, trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Xã hội dân sự Trung Quốc phần lớn đã bị phá hủy sau nhiều năm đàn áp những người bất đồng chính kiến, các tổ chức phi chính phủ độc lập (NGO) và những người bảo vệ nhân quyền”, báo cáo cho biết thêm.
Iceland đứng đầu, Đài Loan vào top 10
Iceland được bình chọn là quốc gia có quyền tự do Internet tốt nhất năm thứ 6 liên tiếp, đạt 94/100 điểm. Các quốc gia và khu vực khác trong top 10 là Estonia (92 điểm), Chile (86 điểm), Canada (86 điểm), Costa Rica (85 điểm), Hà Lan (83 điểm) và Đài Loan (79 điểm), Vương quốc Anh (78 điểm), Nhật Bản (78 điểm) và Đức (77 điểm).
5 quốc gia dẫn đội sổ từ dưới lên là Trung Quốc (9 điểm), Myanmar (9 điểm), Iran (12 điểm), Cuba (20 điểm) và Nga (20 điểm).
Theo báo cáo Việt Nam đạt 22 điểm. Trong số 22 điểm này, mục rào cản tiếp cận bị đánh giá ở mức 12/25 điểm, mục hạn chế nội dung chỉ được 6/35 điểm, và mục vi phạm quyền của người dùng thậm chí còn thấp hơn, chỉ được 4/40 điểm.
Trong bảng xếp hạng mới nhất, Đài Loan có quyền tự do Internet cao nhất châu Á. Báo cáo cho biết xã hội dân sự, ngành công nghệ và Chính phủ Đài Loan đã thực hiện các hành động sáng tạo để chống lại tác động của các chiến dịch đưa thông tin sai lệch của ĐCSTQ.
Báo cáo cho biết: “Xã hội dân sự Đài Loan đã thiết lập một phương pháp minh bạch, phi tập trung và hợp tác để kiểm tra thực tế và nghiên cứu thông tin sai lệch, có thể nói là hình mẫu cho toàn cầu”.
Bà Allie Funk, giám đốc nghiên cứu công nghệ và dân chủ tại Freedom House, cho biết: “Internet tự do và cởi mở là điều kiện không thể thiếu để các hệ thống dân chủ trong thế kỷ 21 hoạt động tốt. Để đảo ngược xu hướng suy giảm quyền tự do Internet trên toàn thế giới, các nhà hoạch định chính sách và các công ty nên tái cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bảo vệ các kênh tiếp cận thông tin đa dạng và tăng cường hỗ trợ cho xã hội dân sự địa phương.”
Từ khóa Freedom House báo cáo Tự do Internet