Úc có kế hoạch hủy bỏ thị thực SIV, 85% đương đơn là người giàu Trung Quốc
- Lý Tư
- •
Chính phủ Úc có khả năng sẽ hủy bỏ loại Thị thực Nhà Đầu tư Đáng kể (SIV), trong đó khoảng 85% người nộp đơn đến từ Trung Quốc Đại Lục.
Thị thực Nhà Đầu tư Đáng kể là một danh mục nhập cư do Úc thành lập vào tháng 11/2012, còn được gọi là thị thực 188C.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Clare O’Neil nói với Sky News Australia vào ngày 11/9 rằng: “Hầu hết người dân Úc rất chán ghét loại thị thực này vì nó cho phép mọi người nhanh chóng trả tiền để nhập cảnh vào Úc.”
Chính phủ Úc đang xem xét lại hệ thống nhập cư của mình, với một báo cáo sẽ được thực hiện vào cuối tháng Hai năm sau. Bà O’Neill cho biết, kế hoạch thị thực có thể bị loại bỏ hoàn toàn sau khi xem xét, vì hầu hết mọi người đến đây để định cư và nghỉ hưu, điều này thường làm tiêu hao ngân sách của Úc.
Bà nói, “đó là một chương trình thị thực mà tôi không nghĩ là mang lại giá trị cho đất nước, và đó là điều chúng tôi sẽ tập trung vào”. “Hiện tại, tôi không thấy có nhiều lý do để giữ lại chương trình này.”
Thị thực SIV là loại đơn xin nhập cư ưu tiên của Úc và có thể được chấp thuận trong khoảng một năm. Thị thực này không có yêu cầu về ngôn ngữ, độ tuổi và điểm số nhập cư. Vợ/ chồng và con cái dưới 18 tuổi có thể nộp đơn xin nhập cư cùng lúc với điều kiện người nộp đơn chính đầu tư 5 triệu đô la Úc (khoảng 79 tỷ đồng) để mua các sản phẩm tài chính đủ tiêu chuẩn, chẳng hạn như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ cổ phần tư nhân, v.v. Ngoài ra, thời gian cư trú của đương đơn chính tại Úc chỉ là 40 ngày một năm.
Trang web của Bộ Nội vụ đăng thông tin về các đơn xin thị thực SIV cho giai đoạn 2015 đến 2022. Số lượng người nộp đơn từ Trung Quốc Đại Lục cao hơn nhiều so với các quốc gia và khu vực khác, tiếp theo là Hồng Kông. Ví dụ vào năm 2020, ứng viên Trung Quốc Đại Lục chiếm 84,8% tổng số ứng viên toàn cầu. Năm 2015, con số này thậm chí còn cao hơn, nó ở mức 90,1%. Tiếp theo là người Hồng Kông, chiếm 5,1% vào năm 2020 và 3,1% vào năm 2015.
Cựu Thứ trưởng Bộ Di trú Abul Rizvi muốn Úc bãi bỏ thị thực Nhà Đầu tư Đáng kể. “Trong một chế độ như Trung Quốc, những người có tiền và có mối quan hệ có thể không có tiền án, nhưng họ có thể đã tham gia vào đủ thứ bất chính. Nó giống như những con lăn cao trong sòng bạc và thật khó để tìm ra tiền của ai là hợp pháp, của ai không hợp pháp“, ông nói với The Australian.
Doanh nhân, nhà tài chính người Anh Bill Browder, người đã tạo điều kiện cho việc áp dụng Đạo luật Magnitsky, cũng nói với The Australian rằng đại đa số những người nộp đơn như vậy là những người mà bạn không muốn cho nhập cư, nếu họ là những người nhập cư hợp pháp, thì họ nên đi bằng con đường bình thường như bao người khác.
Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, chuyên gia về Trung Quốc Phùng Sùng Nghĩa có quan điểm khác về việc hủy thị thực SIV. Ông nói với Epoch Times vào hôm 16/9 rằng: “Trong môi trường thể chế của ĐCSTQ, rất khó để các doanh nhân vô tội, nhưng không phải tất cả các doanh nhân đều nhẫn tâm. Thật đáng tiếc khi Chính phủ Úc đột ngột hủy bỏ thị thực SIV, tốt hơn là không nên ‘một dao cắt đứt toàn bộ’, mà nên ưu tiên áp dụng phương pháp điều chỉnh các yêu cầu của đơn xin thị thực SIV.”
“Các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đã có những đóng góp to lớn cho sinh kế của người dân, chẳng hạn như việc làm. Những người này hiện không thuộc phe tự do và dân chủ, và họ có liên hệ chặt chẽ với chính quyền ĐCSTQ. Không có gì lạ khi người dân không có thiện cảm với nhóm người này. Nhưng cũng nên chừa lại một con đường, để cho những người muốn rời khỏi hệ thống ĐCSTQ rời khỏi Trung Quốc.”
Ông Phùng Sùng Nghĩa tin rằng ngay cả đối với những người trong hệ thống ĐCSTQ, nếu họ muốn rời khỏi hệ đó và “làm điều tốt”, thì cần phải có một con đường thoát khỏi Trung Quốc.
Về lý do tại sao người giàu Trung Quốc lại chiếm đại đa số trong số những người xin thị thực SIV, ông Phùng Sùng Nghĩa cho biết, doanh nhân Trung Quốc làm trong ngành dịch vụ và bất động sản, vốn là một lợi thế, đồng thời tiếng Anh lại là một khuyết điểm. Với người Ấn Độ, tiếng Anh không phải là vấn đề. “Mặt khác, bởi vì Trung Quốc không phải là một quốc gia dân chủ, những người nhập cư đầu tư kinh doanh thông thường sẽ bị gây khó khăn hơn, và phải mất một thời gian dài. Nếu như thông tin họ ‘chạy’ ra nước ngoại bị ĐCSTQ biết được, thì sẽ bị trừng phạt.”
Theo The Australian, 2.370 người Trung Quốc giàu có và hơn 5.000 thành viên gia đình có liên quan, đã nhập cư vào Úc bằng thị thực Nhà Đầu tư Đáng kể.
Từ khóa Visa Úc Dòng sự kiện Hộ chiếu Úc Visa SIV Thị thực SIV Thị thực Nhà Đầu tư Đáng kể di cư Người giàu Trung Quốc