Ủy ban châu Âu đã đệ đơn khiếu nại lên WTO vào ngày 20/1, cáo buộc thủ đoạn “không công bằng và bất hợp pháp” của Trung Quốc trong việc thiết lập tỷ lệ phí sử dụng bằng sáng chế toàn cầu đối với các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn của EU (SEP), trong khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế.

Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ.
Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ. (Ảnh: jorisvo/ShutterStock)

Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 nước thành viên EU, cho biết Trung Quốc đã ủy quyền cho các tòa án của Trung Quốc tự ý thiết lập tỷ lệ chi phí [phải trả] đối với bằng sáng chế toàn cầu từ các công ty công nghệ cao của EU, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông.

Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố, “Thật không công bằng khi điều này buộc các công ty công nghệ cao sáng tạo của châu Âu phải giảm tỷ lệ phí trên toàn cầu, do đó cho phép các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp cận các công nghệ châu Âu này với giá thấp hơn”.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ lấy làm tiếc về quyết định khiếu nại của EU, phía Trung Quốc sẽ xử lý vấn đề theo quy tắc của WTO trong khi bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.

Theo Reuters, vụ việc liên quan đến các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn, loại bằng này bảo vệ các công nghệ cần thiết để sản xuất hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể, chẳng hạn như 5G cho điện thoại di động. Tiêu biểu về chủ sở hữu bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn châu Âu bao gồm như Nokia và Ericsson.

Ủy ban châu Âu đã yêu cầu tham vấn với Trung Quốc, đây là bước đầu tiên trong việc giải quyết tranh chấp của WTO. Nếu không tìm thấy giải pháp thỏa đáng trong vòng 60 ngày, Ủy ban châu Âu có thể yêu cầu thành lập một hội đồng xét xử. Thủ tục lập hội đồng chuyên gia mất trung bình 12 tháng.

Ủy ban châu Âu cho biết vụ việc liên quan đến một tranh chấp khác mà EU đã đệ trình lên WTO vào năm 2022, tranh chấp liên quan đến lệnh cấm phản tố của Trung Quốc, lệnh này của Trung Quốc cấm chủ sở hữu bằng sáng chế viễn thông thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các tòa án không phải của Trung Quốc và có nguy cơ bị phạt nặng nếu họ làm như vậy. Hội đồng WTO xử lý vụ việc dự kiến sẽ công bố báo cáo cuối cùng vào quý đầu tiên của năm nay.

Theo RFI