Hôm thứ Sáu (20/12), Ủy ban Quốc hội Phụ trách các Vấn đề về Trung Quốc (CECC) đã công bố báo cáo năm 2024 về nhân quyền và pháp quyền ở Trung Quốc, vạch trần một cách toàn diện những hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nhiều lĩnh vực. Báo cáo đặc biệt chú ý đến lao động cưỡng bức, cưỡng bức thu hoạch nội tạng và sự thông đồng của các công ty phương Tây với Trung Quốc, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Mỹ thực hiện các hành động hiệu quả hơn.

2024 3 20 cecc hearing 02
Hạ nghị sỹ Hoa Kỳ Chris Smith, Chủ tịch CECC, chủ trì phiên điều trần. (Ảnh: Madalina Vasiliu, The Epoch Times)

Báo cáo thường niên dài 315 trang ghi lại tỉ mỉ những hành vi sai trái của Chính phủ ĐCSTQ trong việc đàn áp quyền tự do dân sự, niềm tin tôn giáo và sự độc lập của tư pháp. Chủ tịch CECC Chris Smith cho biết: “Đằng sau tất cả số liệu thống kê về vi phạm nhân quyền, là những cá nhân bị tước đoạt các quyền mà chúng tôi coi là đương nhiên”. Ông nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế phải lên tiếng cho những nạn nhân này, và thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn Chính phủ ĐCSTQ vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống.

Cưỡng bức thu hoạch nội tạng: Thảm họa nhân quyền chấn động

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), CECC đã nhiều lần đề cập đến tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền ĐCSTQ. Trong phần tóm tắt thực thi báo cáo, hành vi này được nhắc đến 16 lần, và trong toàn bộ tài liệu nó được đề cập 42 lần. Báo cáo chỉ rõ các tội ác nhắm vào những nhóm như người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như các dân tộc thiểu số và cộng đồng tôn giáo khác, khẳng định đây là một phần trong chính sách đàn áp của chính quyền Trung Quốc.

Trong nhiều năm, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho khách du lịch y tế tìm kiếm cấy ghép nội tạng. So với các nước phát triển thực hiện các chương trình hiến tạng công, các bệnh viện Trung Quốc có thể rút ngắn đáng kể thời gian chờ đợi để có được nội tạng phù hợp. Báo cáo chỉ ra rằng các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc được sử dụng như “ngân hàng nội tạng sống” để làm “nguồn cung” cho hoạt động cấy ghép nội tạng bất cứ lúc nào.

Báo cáo đặc biệt đề cập đến việc công ty Thermo Fisher Scientific của Mỹ đã cung cấp bộ dụng cụ DNA cho cảnh sát Trung Quốc, để thu thập dữ liệu sinh trắc học ở Tân Cương và Tây Tạng. Những dữ liệu này có thể được sử dụng để cấy ghép nội tạng, do đó CECC khuyến nghị đưa các thiết bị liên quan vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Để ngăn chặn tội ác này, CECC kêu gọi thông qua Dự luật Ngừng thu hoạch nội tạng cưỡng bức năm 2023 (S.761/H.R.1154) và khuyến nghị Chính phủ Mỹ thực hiện các hành động sau:

– Cấm cấp thị thực cho các bác sĩ và nhà nghiên cứu Trung Quốc liên quan đến cưỡng bức thu hoạch nội tạng, đặc biệt là những người đã tham gia hành vi này trước năm 2015;

– Điều tra xem liệu quỹ liên bang có hỗ trợ các hoạt động cấy ghép nội tạng phi đạo đức hay không;

– Các công ty bảo hiểm liên bang bị cấm hoàn trả cho bệnh nhân chi phí tìm kiếm cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, hoặc tìm kiếm thuốc ức chế miễn dịch hoặc dịch vụ chăm sóc khác sau khi được ghép tạng.

Một số chính quyền tiểu bang đã hành động để trấn áp nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước bảo trợ ở Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 6/2023, tiểu bang Texas, tiểu bang Utah và tiểu bang Idaho đã thông qua luật cấm các công ty bảo hiểm thanh toán cho các ca cấy ghép nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ngoài ra, báo cáo còn đề xuất rằng Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng chương trình khen thưởng người tố cáo để thu thập bằng chứng đáng tin cậy, nhằm buộc chính quyền ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, và để “ngăn chặn và phá vỡ thị trường thu hoạch nội tạng trái phép”.

Vào tháng 5 năm nay, ông Smith và các thành viên CECC khác đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu tài trợ để có được thông tin đầu tay về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Ủy ban cũng kêu gọi các cơ quan hành chính của tổng thống xây dựng một liên minh, gồm các đối tác trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, để điều tra những lo ngại liên quan do các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc và các tòa án độc lập đưa ra.

Năm 2019, Tòa án độc lập về Trung Quốc (China Tribunal) ở London kết luận rằng chính quyền ĐCSTQ đã cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm “trên quy mô lớn” trong nhiều năm, và rằng người tập Pháp Luân Công là “nguồn nội tạng chính”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một phương pháp tu luyện dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”. Theo ước tính chính thức, vào cuối những năm 1990, ít nhất 70 triệu người ở Trung Quốc tập luyện Pháp Luân Công.

Nhận thấy sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với quyền lực chính trị của mình, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo vào năm 1999 nhằm xóa sổ Pháp Luân Công.

Kể từ đó, hàng triệu người đã bị cầm tù trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác, trong đó hàng trăm ngàn người bị tra tấn và vô số người khác bị giết. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, cuộc bức hại vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Xâm phạm tự do tôn giáo và quyền lợi công dân tiếp tục gia tăng

Báo cáo cũng ghi lại những nỗ lực có hệ thống của Chính phủ ĐCSTQ nhằm đàn áp tự do tôn giáo, bao gồm cả việc ban hành các luật mới như “Biện pháp quản lý các địa điểm hoạt động tôn giáo”“Luật Giáo dục Yêu nước của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Những luật này nhằm mục đích kiểm soát hơn nữa các hoạt động tôn giáo, và thúc đẩy cái gọi là “Trung Quốc hóa” các chính sách tôn giáo. 5 nhóm tôn giáo chính thức (chính phủ quản lý) đã liên tiếp đưa ra kế hoạch “Trung Quốc hóa” 5 năm mới, trong khi việc phá dỡ các công trình tôn giáo như nhà thờ Hồi giáo vẫn tiếp tục.

Báo cáo đề cập đến một số tù nhân chính trị và tôn giáo vẫn đang ở trong tù, bao gồm các nhà báo công dân Vương Kiện Binh (Wang Jianbing) và Hoàng Tuyết Cầm (Huang Xueqin); luật sư nhân quyền Lư Tư Vị (Lu Siwei); luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) và vợ Hứa Diếm (Xu Yan); người Tây Tạng Pema, và học giả Duy Ngô Nhĩ Rahile Dawut; và người tập Pháp Luân Công Lang Đông Nguyệt (Lang Dongyue), v.v.

Ngoài ra, CECC còn vạch trần hành vi đàn áp của Chính phủ ĐCSTQ đối với các nhóm tôn giáo dân tộc thiểu số. Trong số 2.764 tù nhân được biết hoặc được cho là đang bị giam giữ, 678 người theo Phật giáo Tây Tạng, 497 người tu Pháp Luân Công, 245 người theo đạo Hồi, 86 người theo đạo Tin lành, 22 người là đệ tử và 18 người theo Nhân Chứng Giê-hô-va, 17 người là thành viên của Nhất quán đạo, 36 người là thành viên của Giáo hội Đức Chúa Trời toàn năng và 15 người là người Công giáo.

Các chính sách của Chính phủ ĐCSTQ tìm cách đàn áp hoàn toàn các nhóm này thông qua việc cưỡng bức cải tạo, tống giam và các trại lao động.

Lao động cưỡng bức và hiện tượng đồng lõa của doanh nghiệp phương Tây

Báo cáo cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ đã vi phạm nhân quyền rộng rãi thông qua lao động cưỡng bức và chỉ ra rằng một số công ty phương Tây đã đóng một vai trò đáng hổ thẹn trong quá trình này. Cái gọi là “rửa kiểm toán” (auditing washing) đã trở thành một phương tiện che giấu lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Một số công ty kiểm toán cung cấp chứng nhận “tuân thủ” cho các nhà máy Trung Quốc để che đậy các vấn đề nhân quyền thực tế của họ.

CECC tiết lộ rằng nhà sản xuất ô tô Volkswagen của Đức không chỉ vi phạm “Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” (UFLPA), mà còn bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ để xây dựng đường thử ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Ngoài ra, giới quan sát còn cảnh báo nhà máy liên doanh Volkswagen ở Urumqi, Tân Cương cũng được đánh giá là có khả năng tồn tại cưỡng bức lao động cực kỳ cao. Mặc dù công ty kiểm toán mà họ thuê đã phủ nhận các cáo buộc, nhưng vào cuối năm 2023, Volkswagen khẳng định rằng họ không tìm thấy dấu hiệu vi phạm nhân quyền.

Để đối phó với tình hình nhân quyền ngày càng xấu đi ở Trung Quốc, CECC đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể trong báo cáo của mình, bao gồm đề xuất rằng Chính phủ và Quốc hội Mỹ cung cấp thêm nguồn lực để tăng cường thực thi các luật như ““Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”. Ví dụ, danh sách các đơn vị lao động cưỡng bức nên được mở rộng, và nên thuê các nhà phân tích có kỹ năng tiếng Trung để theo dõi dòng lao động và chuỗi cung ứng liên quan đến Tân Cương. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ và các cơ quan liên bang khác được khuyến nghị ngừng mua hải sản bị ảnh hưởng bởi lao động cưỡng bức từ các tỉnh Liêu Ninh và Sơn Đông, và đảm bảo rằng hoạt động mua hàng liên bang không chứa các sản phẩm được làm từ lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em.

Báo cáo cũng khuyến nghị Quốc hội thông qua “Dự luật Công bố lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” (H.R.4840), để yêu cầu các công ty tiết lộ thông tin về chuỗi cung ứng; thiết lập cơ chế hợp tác quốc tế để cùng các thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc; sử dụng chương trình khen thưởng người tố cáo để thu thập bằng chứng, và truy cứu trách nhiệm những người liên quan đến lao động cưỡng bức, vi phạm nhân quyền.

Tự do ở Hồng Kông biến mất

Ở Hồng Kông, không gian cho tự do ngôn luận và dân quyền ngày càng bị thu hẹp. CECC chỉ ra rằng xã hội dân sự Hồng Kông đã mất đi sức sống trước đây và gần như không thể phân biệt được với các thành phố khác ở Trung Quốc Đại Lục. Ví dụ, công ty YouTube của Mỹ đã gỡ bỏ bài hát phản kháng Hồng Kông “Nguyện vinh quang quy hương cảng” (Glory to Hong Kong) với lý do tuân thủ lệnh của tòa án. Đây được coi là trường hợp điển hình của các công ty làm vừa lòng Chính phủ ĐCSTQ.

Đáp lại, chủ tịch CECC đã gửi thư tới công ty mẹ của YouTube, Google, yêu cầu khôi phục bài hát về trạng thái sẵn có trên nền tảng này, nhấn mạnh rằng lệnh cấm đã vi phạm các nguyên tắc nhân quyền quốc tế.