Vì sao nhiều tướng lĩnh quan trọng của Nga tử trận trong cuộc chiến xâm lược Ukraine?
- Thành Dung
- •
Lãnh đạo quân sự cấp cao thứ 15 của Tổng thống Nga Putin đã thiệt mạng khi cuộc xâm lược vào Ukraine bước sang tháng thứ hai. Cái chết của rất nhiều tướng lĩnh cấp cao ở Nga đã được các nhà phê bình quân sự coi là điểm nổi bật nhất của cuộc chiến Nga-Ukraine, đã có nhiều bài viết về vấn đề này.
Đại tá Alexei Sharov là quan chức cấp cao mới nhất của Nga thiệt mạng, được cho là quân nhân cấp cao nhất của Nga thiệt mạng [trong chiến trường] kể từ Thế chiến thứ II, theo Daily Mail đưa tin. Lực lượng vũ trang Ukraine đã thông báo về cái chết của ông Sharov trên mạng xã hội vào hôm thứ Ba (22/3).
Ông Alexei Sharov, chỉ huy Lữ đoàn Zhukov Brigade thuộc Lực lượng cận vệ 810 của Thủy quân lục chiến Nga, được cho là đã thiệt mạng tại Mariupol, một thị trấn có hơn 100.000 người đang bị bao vây bởi quân xâm lược Nga, tại đây đang có hàng ngàn người bị mắc kẹt.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, ở Ukraine tính đến nửa đêm ngày 19/3, đã có ít nhất 902 dân thường thiệt mạng và 1459 người bị thương vì chiến tranh xâm lược. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết, 10 triệu người đã phải di dời khỏi nơi cư trú, trong đó có gần 3,4 triệu người chạy khỏi Ukraine.
Truyền thông Nga Komsomolskaya Pravda đã đưa tin, rằng Nga đã mất gần 10.000 quân kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, sau đó tờ Komsomolskaya Pravda cho biết họ đã bị tin tặc tấn công, nhưng thực tế không thể rõ.
Ngày 2/3, phía Nga cho biết có 498 binh sĩ thiệt mạng và 1597 người bị thương, và sau đó không thấy họ còn chính thức cập nhật số liệu thương vong. Kể từ đó, cuộc tấn công của Nga đã vấp phải sự chống trả mạnh hơn từ quân đội Ukraine và quân tình nguyện.
Cái chết của ông Sharov kéo theo cái chết của Đại tá Nikolay Ovcharenko, chỉ huy Trung đoàn Công binh 45.
Theo The Sun, ông Sharov là đại tá thứ 4 thiệt mạng trong khi tham chiến, đánh dấu cái chết của 15 chỉ huy quân đội Nga trong cuộc xâm lược. Tờ Foreign Policy cho biết tỷ lệ thương vong tướng lĩnh cấp cao của Moscow là cao nhất [trong các cuộc chiến trên thế giới] kể từ Thế chiến thứ II.
Ukraine tập trung tấn công vào vị trí tướng lĩnh cấp cao của Nga
Thực tế cho thấy, quân đội Ukraine áp dụng chiến thuật tập trung vào tướng lĩnh cấp cao của đối thủ. Nguồn tin thân cận Tổng thống Zelensky của Ukraine nói với WSJ (Wall Street Journal) rằng có đội đặc biệt của Ukraine chịu trách nhiệm xác định vị trí cụ thể của quân đội Nga và thực hiện các cuộc tấn công. “Họ sẽ tìm kiếm các tướng lĩnh, phi công và chỉ huy pháo binh nổi tiếng.”
Quân đội Ukraine có “thông tin chi tiết, tên và số hiệu” của những tướng lĩnh Nga, những người đó sẽ bị các tay súng bắn tỉa hoặc pháo binh xử lý. Nhóm chuyên trách của Ukraine khi xác định vị trí của các tướng lĩnh Nga, họ nhận thấy rằng các sĩ quan Nga này thường sử dụng thiết bị vô tuyến không mã hóa, thông tin dễ bị chặn và có thể được sử dụng để định vị chính xác trên bản đồ.
Điều kỳ lạ nhất là phó chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga là Andrei Paliy cũng bị bắn chết. Andrei Paliy, người sắp được thăng Thượng tướng một sao, trở thành vị tướng thứ 6 bị chết trận.
Trong quá khứ nhiều tướng lĩnh phải ra tiền tuyến chỉ huy và có thể chết trong trận chiến là dễ hiểu, nhưng Hạm đội Biển Đen không có vấn đề ra tuyến đầu và có hộ tống xung quanh, chỉ huy giấu mình trong khu vực trung tâm cầu tàu (bridge). Giới phân tích quân sự cho rằng điều này cho thấy, quân đội Ukraine có đạn đạo tấn công cầu tàu tàng hình. Về vấn đề này, cả Nga và Ukraine vẫn kín tiếng.
Theo tin tức do quân đội Ukraine công bố, 1/3 trong số các tướng lĩnh cấp cao của 140.000 quân Nga đã thiệt mạng. Trong vòng chưa đầy một tháng, Nga đã mất ít nhất 5 tướng lĩnh, hầu hết là các chỉ huy cấp một và cấp hai sao, trong đó có ít nhất một trung tướng.
Chuyên gia quân sự: Chuyên quyền trong quản lý quân đội
Quân đội Nga có cơ cấu chỉ huy từ trên xuống cứng nhắc hơn so với quân đội phương Tây, khiến các sĩ quan cấp dưới ít linh hoạt hơn và buộc các sĩ quan cấp cao phải tham gia vào những việc nhỏ nhặt nhất của quá trình ra quyết định chiến thuật, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết.
Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Đối ngoại từng phục vụ trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết: “Quân đội Nga là ‘trên nặng dưới nhẹ’, cấp sĩ quan đóng vai trò quan trọng hơn. Do đặc trưng tập trung chuyên quyền cao trong quá trình quyết định khiến các tướng lĩnh dẫn đầu trong các khu vực xung đột. Nhưng nếu bạn mất chỉ huy lực lượng sẽ thành vấn đề nghiêm trọng vì khi đó rất khó để ai đó bước vào và tiếp quản (lực lượng)”.
Viết trên phương tiện truyền thông học thuật The Conversation, chuyên gia Jonathan Jackson về an ninh cho biết: “Từ năm 2001 quân đội Ukraine hiểu rõ phong cách lãnh đạo của quân vũ trang Nga, phần lớn dựa trên phân tích quốc tế của các cơ quan Mỹ và NATO. Hệ thống cấp bậc cứng nhắc được giám sát bởi sự lãnh đạo độc đoán của Putin đã khiến các binh sĩ cấp thấp hơn thường xuyên bị khủng bố và có ít cơ hội để suy nghĩ hoặc ra quyết định độc lập…. Putin quản lý quân đội giống như cách ông ấy quản lý toàn bộ nhà nước Nga, và ông ấy chọn các vị tướng dựa trên lòng trung thành với ông ấy chứ không phải năng lực chuyên môn. Điều này thể hiện rõ nhất vào năm 2012 khi chọn Sergei Shoigu làm Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Sergei Shoigu rất thiếu kinh nghiệm hoặc hiểu biết quân sự nhưng ông ta không gây ra bất kỳ mối đe dọa chính trị nào đối với Putin hoặc truyền thống quân sự đã được thiết lập của quân đội Nga trong việc tiến hành các hoạt động chiến đấu. Ông ta đã bị nhiều chỉ trích vì đã không thực hiện các cải cách lớn sau chiến dịch Georgia năm 2008, chiến dịch này nổi bật lỗ hổng lớn trong khả năng tiến hành các hoạt động chiến đấu của quân đội Nga”.
Tham nhũng trong quân đội Nga
Chuyên gia Jonathan Jackson cũng lưu ý vấn đề tham nhũng trở thành phổ biến trong mọi mặt của đời sống Nga – bao gồm cả quân đội. Một báo cáo gần đây được công bố trong khuôn khổ Chỉ số Liêm chính Quốc phòng của Chính phủ (International Government Defence Integrity Index) có trụ sở tại London cho thấy quân đội Nga có nguy cơ tham nhũng cao “vì vai trò giám sát bên ngoài là hết sức hạn chế đối với các chính sách, ngân sách, hoạt động và mua sắm”. Báo cáo cũng nêu rõ sự thiếu minh bạch trong việc mua sắm và các hợp đồng quốc phòng, ở hạng mục này chỉ đạt 36/100 điểm. Lòng trung thành với ông Putin có thể giúp các nhà lãnh đạo cấp cao có một vị trí trong vòng trong, nhưng cái giá phải trả là hy sinh quân nhân mà phụ trách.
Lĩnh vực mua sắm công thường tiềm ẩn cơ hội cho các hành vi tham nhũng, và điều này cũng không ngoại lệ ở nhà nước Nga. Một báo cáo (2021) của Cổng thông tin Rủi ro và Tuân thủ (Risk and Compliance Portal) xem xét thực trạng tham nhũng ở các nước nêu rõ: “Các khoản hối lộ, lại quả và các khoản thanh toán bên lề khác thường được trao đổi để có được các hợp đồng công. Công ty báo cáo cho hay quyết định thiên vị của giới chức chính phủ và công quỹ thường bị biển thủ để tham nhũng”.
Báo cáo cũng lưu ý rằng các hợp đồng quân sự có nhiều khả năng được chấp thuận không dựa trên chất lượng hoặc tiêu chuẩn của hồ sơ dự thầu, mà dựa trên mối quan hệ cá nhân của công ty với các quan chức nhà nước và lòng trung thành với Điện Kremlin.
Các cuộc cải cách quân sự trong thập kỷ qua đã không thực hiện được một chương trình nghị sự phát triển rõ ràng khiến nhiều đơn vị quân đội của nước này kém cỏi và huấn luyện kém. Một đánh giá tình báo quốc phòng gần đây của Mỹ cho thấy, trong vài tháng đầu tiên triển khai tới biên giới Ukraine vào năm 2021, quân đội Nga đã bán hầu hết các thiết bị tốt nhất của họ do vấn đề mức lương và điều kiện đãi ngộ.
Trung bình, các binh sĩ chuyên nghiệp cấp cơ sở của Nga kiếm được 480 USD một tháng, trong khi các đồng nghiệp của họ trong quân đội Ukraine có được gấp 3 lần số tiền đó. Khoảng cách giữa tiền lương, điều kiện làm việc và tinh thần có thể đóng vai trò quan trọng trong kết quả của cuộc xung đột này.
Từ khóa Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine