Việc bà Pelosi muốn thăm Đài Loan bất ngờ xúc tác đoàn kết của lưỡng đảng Mỹ
- Trình Văn
- •
Kế hoạch đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã bất ngờ như xua tan chia rẽ chính trị ở Washington, khiến giới nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ trở nên đồng thuận chưa từng thấy khi nhiều đảng viên Cộng hòa “nặng ký” từng coi bà Pelosi phe Dân chủ là đối thủ chính trị thì đang ủng hộ khuyến khích bà đến Đài Loan và không sợ đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong số các đảng viên Cộng hòa nổi bật ủng hộ chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan phải kể là một thượng nghị sĩ và hai quan chức Nội các Mỹ thời cựu Tổng thống Trump, và cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã đến thăm Đài Loan lần gần nhất cách đây 25 năm.
Theo hãng tin AP, bà Pelosi chưa xác nhận công khai kế hoạch và thời gian của chuyến đi tới Đài Loan.
Tổng thống Biden đã coi việc làm suy yếu ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là một phần trọng tâm trong đặc điểm chính sách đối ngoại của ông, nhưng ông Biden vẫn chưa công khai rằng liệu bà Pelosi nên hay không nên thăm Đài Loan. ĐCSTQ trên thực tế coi Đài Loan độc lập và tự trị là lãnh thổ của họ và đã đưa ra triển vọng sáp nhập bằng vũ lực, trong khi ông Biden đang cố gắng tránh leo thang căng thẳng một cách không cần thiết.
Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một cuộc điện đàm khác giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Biden gần đây được chẩn đoán nhiễm COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) nhưng với các triệu chứng nhẹ và dự kiến sẽ nói chuyện với ông Tập trong tuần này.
Việc thúc đẩy Tổng thống Biden công khai ủng hộ chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan cũng làm tăng nguy cơ ông Biden có thể bị coi là không đủ cứng rắn với Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ben Sasse cho biết hôm thứ Hai (25/7): “Chủ tịch Hạ viện Pelosi nên đến Đài Loan và Tổng thống Biden nên nói rõ với Chủ tịch Tập rằng Trung Quốc không có quyền gì can thiệp vấn đề này. Không nên quá yếu đuối để rồi tự mình rụt cổ. Vấn đề này thật đơn giản: Đài Loan là một đồng minh, và Chủ tịch Hạ viện nên đi gặp những người đàn ông và phụ nữ Đài Loan đang đối mặt với mối đe dọa của ĐCSTQ”.
Nhà Trắng cũng từ chối bình luận trực tiếp về hành trình của bà Pelosi, vì bà vẫn chưa lên tiếng xác nhận cụ thể. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hôm thứ Hai (25/7): “Chính phủ thường cung cấp cho nghị sĩ thông tin và bối cảnh về chuyến đi tiềm năng, bao gồm các cân nhắc về địa chính trị và an ninh, từ đó nghị sĩ tự đưa ra quyết định”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cũng từ chối thảo luận về bất kỳ mối lo ngại nào về chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan. Ông nói: “Tôi sẽ nhắc lại chính sách của chúng tôi rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết duy trì hòa bình và ổn định xuyên eo biển cũng như chính sách ‘Một Trung Quốc’ của chúng tôi”. Ned Price đề cập đến chính sách “Một Trung Quốc” hàm ý là sự công nhận của Mỹ đối với Chính phủ Trung Quốc là của Bắc Kinh nhưng trên cơ sở không liên quan vấn đề Mỹ duy trì quan hệ ngoại giao và quốc phòng không chính thức với Đài Loan.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden dường như hiểu rằng chính quyền Biden dù không công khai nhưng thầm lo ngại nhiều sự kiện đồng loạt có thể xảy ra khiến phản ứng của ĐCSTQ đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi trở nên gay gắt và kích động hơn. Một trong số đó là Đại hội 20 của ĐCSTQ dự kiến vào tháng 11 – nơi ông Tập có ý định củng cố hơn nữa quyền lực của mình.
Một số quan chức chính quyền Tổng thống Biden giấu tên cho biết, nếu ĐCSTQ nhận thấy rằng lo ngại chính của họ đang bị phớt lờ hoặc rằng ông Tập Cận Bình không được tôn trọng thì các sự kiện quốc tế trong những tháng tới cũng có thể thúc đẩy họ hành động khó lường hơn và phản ứng mạnh mẽ hơn. Chúng bao gồm Đại hội Liên Hiệp Quốc thường niên vào tháng Chín và một số hội nghị thượng đỉnh ở châu Á dự kiến vào tháng Mười và tháng Mười Một: G20 ở Indonesia, Hội nghị cấp cao Đông Á ở Campuchia, và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở Thái Lan.
Các quan chức này nói rằng chính quyền Tổng thống Biden nghi ngờ ĐCSTQ sẽ có hành động chống lại chính bà Pelosi, hoặc âm mưu phá hoại hoặc can thiệp vào chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, nhưng chính quyền Tổng thống Biden không loại trừ việc ĐCSTQ cử máy bay quân sự đến Đài Loan hoặc leo thang các chuyến bay trong hoặc gần Đài Loan, cũng không loại trừ khả năng ĐCSTQ có thể đẩy mạnh các hoạt động vượt ra ngoài các khu vực xung quanh Đài Loan để chứng tỏ sức mạnh của họ, từ đó có khả năng mở rộng các hoạt động quân sự ở khu đang tranh chấp trên Biển Đông.
Người Trung Quốc nhìn chung chưa hiểu đầy đủ về vấn đề độc lập các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp. Trong chuyến thăm Đài Loan lần gần nhất của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã cách đây 25 năm, đó là chuyến thăm của ông Newt Gingrich thuộc phe Cộng hòa dưới thời một tổng thống thuộc phe Dân chủ.
Hiện nay cả Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng do Đảng Dân chủ kiểm soát, vì vậy có những lo ngại rằng người Trung Quốc có thể coi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi như một động thái của Chính phủ Mỹ.
Bản thân cựu Chủ tịch Hạ viện Gingrich vào thứ Hai (25/7) cũng đã tweet ủng hộ bà Pelosi: “Lầu Năm Góc đã nghĩ gì khi công khai cảnh báo Chủ tịch Pelosi không nên đến Đài Loan? Nếu chúng ta bị ĐCSTQ đe dọa như vậy, chúng ta thậm chí không thể bảo vệ Chủ tịch Hạ viện Mỹ, tại sao Bắc Kinh nên tin rằng chúng ta có thể giúp Đài Loan tồn tại. Thái độ sợ sệt là rất nguy hiểm”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cũng cho biết hôm thứ Hai (25) rằng gần đây ông đã trở về từ Đài Bắc và ông tin rằng nhiều quan chức cấp cao của Mỹ nên đến thăm Đài Loan để giúp định hình chính sách của Mỹ trong khu vực. Ông cũng nhấn mạnh rằng ĐCSTQ không nên có quyền phủ quyết đối với những nơi mà các quan chức Mỹ cần đi lại.
“Tôi nghĩ nếu Chủ tịch Hạ viện (Pelosi) muốn đi, bà ấy nên đi”, ông Esper nói với CNN.
Đồng thời cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã tweet vào Chủ nhật (24/7) để khuyến khích bà Pelosi: “Nancy, tôi sẽ đi cùng bà. Tôi bị cấm ở Trung Quốc, nhưng không ở Đài Loan yêu tự do. Hẹn gặp ở đó!”.
Tổng thống Biden tuần trước đã nêu lên những lo ngại của Chính phủ Mỹ về chuyến thăm Đài Loan có thể xảy ra của bà Pelosi, nói rằng quân đội Mỹ không nghĩ rằng chuyến thăm của bà ấy là “ý tưởng tốt trong thời điểm hiện nay”.
“Thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan là điều quan trọng đối với chúng tôi”, bà Pelosi trả lời vào tuần trước, cho rằng ý của Tổng thống Biden là “có thể quân đội lo ngại rằng máy bay của chúng tôi sẽ bị Trung Quốc bắn hạ hoặc gặp vấn đề tương tự”.
Gần như ngay từ khi tuyên thệ nhậm chức nghị sĩ lần đầu tiên vào năm 1987 với tư cách là một nhà lập pháp Mỹ, bà Pelosi đã định vị bản thân không ngại đối đầu với nhà cầm quyền ĐCSTQ. Bà đến thăm Quảng trường Thiên An Môn 2 năm sau vụ thảm sát ngày 4/6/1989, khi đó bà giương cao một biểu ngữ có nội dung “Gửi những người đã chết vì dân chủ ở Trung Quốc”.
Trong phong trào “chống dẫn độ” ở Hồng Kông cách đây 3 năm, bà Pelosi cũng đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã lên kế hoạch đến thăm Đài Loan vào tháng Tư năm nay nhưng khi đó phải hoãn chuyến đi sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Từ khóa Nancy Pelosi bà Pelosi thăm Đài Loan