Việc chọn Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Mỹ – Trung?
- VOA
- •
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang căng thẳng, có tin Tổng thống Biden của Mỹ có thể cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Quan điểm về Trung Quốc của nhà cựu ngoại giao dày dạn kinh nghiệm này như thế nào, sẽ có tác động gì đến quan hệ Mỹ – Trung nếu ông nhậm chức?
Đến cuối tháng này là thời điểm ông Biden nhậm chức Tổng thống được tròn 100 ngày, nhưng việc lựa chọn Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vẫn chưa được quyết định. Theo một thông tin của Axios vào ngày 16/4, việc xem xét chọn ông Nicholas Burns của chính quyền Biden đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Trong vài tuần tới, có thể ông Biden sẽ công bố đề cử nhiều chức vụ ngoại giao quan trọng trong đó có Đại sứ tại Trung Quốc.
Phục vụ 4 thời Chính phủ, từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Ông Burns 65 tuổi hiện là giáo sư ngoại giao và quan hệ quốc tế tại Viện Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông đã phục vụ trong ngành ngoại giao Mỹ 27 năm, trải qua 4 thời kỳ chính quyền từ Reagan đến Bush Jr., trong chặng đường này ông từng là nhân vật thứ 3 trong Bộ Ngoại giao, có nhiều kinh nghiệm ngoại giao chuyên nghiệp.
Đài VOA dẫn lời Eric S. Rubin, Chủ tịch Hội Nhà Ngoại giao Mỹ, từng là Đại sứ Mỹ tại Bulgaria: “Đại sứ Burns có một thời gian chuyên nghiệp lâu dài và nổi bật, rõ ràng ông là một chuyên gia thực thụ, là một trong những nhà ngoại giao tài năng nhất”.
Ông Burns bắt đầu sự nghiệp ngoại giao của mình dưới thời chính quyền Reagan, từng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ tại Mauritania và Đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập, từ năm 1985 – 1987 ông là quan chức chính trị tại Lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem.
Thời chính quyền Bush, ông đã là trưởng phụ trách các vấn đề về Liên Xô, đã tham gia tất cả các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Xô.
Thời chính quyền Clinton, ông phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng với tư cách là trưởng phụ trách các vấn đề Nga, Ukraine và Á-Âu, là cố vấn cho Tổng thống về mối quan hệ giữa Mỹ và các nước thuộc Liên Xô cũ. Từ năm 1995 – 1997, ông Burns là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao. Sau đó ông được Tổng thống Clinton bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp, làm nhiệm vụ này cho đến tháng 7/2001.
Sau khi Tổng thống Bush (con) nhậm chức, ông Burns trở thành Đại sứ Mỹ tại NATO, và từ năm 2005 – 2008, ông làm trong Bộ Ngoại giao Mỹ trong tư cách là nhân vật quan trọng thứ ba: Thứ trưởng phụ trách về chính trị. Trong giai đoạn này, ông đã lãnh đạo các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân dân dụng Mỹ – Ấn và đàm phán hạt nhân Mỹ – Iran, đồng thời tham gia vào việc ký kết thỏa thuận hỗ trợ quân sự dài hạn Mỹ – Israel.
Năm 2008, ông Burns nghỉ hưu và tham gia một số tổ chức tư vấn và chiến lược như Cohen Group, Aspen Strategy Group, và bắt đầu giảng dạy tại Đại học Harvard.
Nếu ông Biden đề cử ông Burns làm Đại sứ tại Trung Quốc là phá vỡ quy ước 4 nhiệm kỳ về việc bổ nhiệm quan chức sở trường “chính trị bán lẻ” làm Đại sứ tại Trung Quốc, chuyển sang giao trọng trách cho một nhà ngoại giao chuyên nghiệp có kỹ năng ngoại giao để giữ chức vụ quan trọng này.
Đài VOA cũng dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết trong thời điểm quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng và khó khăn như hiện nay, việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao “xuất chúng, nổi tiếng và được tôn trọng” như ông Burns làm Đại sứ tại Trung Quốc “là rất tích cực cho mối quan hệ giữa hai nước”.
Việc đề cử đại sứ tại Trung Quốc phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Giới phân tích có chỉ ra rằng việc tái sử dụng một người từng phục vụ trong Chính phủ của cả Dân chủ và Cộng hòa như ông Burns sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn.
Quan điểm của ông Burns về mối quan hệ Mỹ – Trung
Ông Burns có nhiều kinh nghiệm thực tế ở châu Âu, Nga, Nam Á và Trung Đông. Khi còn là Thứ trưởng phụ trách chính trị của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông cũng đã trực tiếp tham gia điều hành Văn phòng Đông Á và tham gia các công việc liên quan Trung Quốc.
Một nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc với Burns nói với VOA rằng ông Burns hiểu rất rõ về các vấn đề của Trung Quốc, đã phụ trách quan hệ Mỹ -Trung ở cấp rất cao.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Handelsblatt (Đức) hồi tháng Giêng năm nay, ông Burns nói rằng khi giải quyết vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và tình hình ở Hồng Kông, Mỹ nên hợp tác với Đức, Pháp và Liên minh châu Âu để cùng bảo vệ dân chủ và nhân quyền.
Tuy nhiên, ông cũng tin rằng việc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ thúc đẩy chia tách kinh tế với Trung Quốc không phải là lựa chọn thực tế. Hơn nữa, ông cho rằng mối quan hệ với Trung Quốc đang đi đến điểm mấu chốt, đang diễn ra cuộc cạnh tranh lớn về kinh tế, quân sự và giá trị quan, rơi vào thế đối kháng giữa hai mô hình dân chủ và toàn trị, và chính nhà cầm quyền Bắc Kinh khơi dậy thế cuộc này.
Ngoài ra, ông Burns cũng cho rằng cần duy trì hợp tác với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Ông từng trả lời CNN rằng phải bảo vệ các công ty Mỹ khỏi sự đối xử không công bằng của Trung Quốc vì các khoản trợ cấp doanh nghiệp Trung Quốc, vấn đề bán phá giá, vấn đề luật bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ. Ông đã nhiều lần kêu gọi thành lập liên minh các quốc gia bao gồm Nhật Bản, khối NATO, Australia, Canada, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu để gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc thương mại và khiến nước này phải chịu trách nhiệm khi vi phạm các quy tắc thương mại.
Tại hội nghị trực tuyến của Trung tâm Chính sách châu Âu (CEPS, tổ chức Think Tank tại Brussels) vào ngày 15/4, ông Burns cho biết việc đạt được thỏa thuận đầu tư giữa châu Âu và Trung Quốc là “sai lầm chiến thuật”.
Lợi thế của ông Burns
Trang Axios có chỉ ra rằng Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao của TT. Biden rất quan tâm đến nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhiệm vụ của vị Đại sứ tiếp theo tại Trung Quốc có thể chủ yếu tập trung vào việc thực thi chính sách hơn là xây dựng chính sách. Ngoài việc phối hợp công việc cùng những người liên quan như Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan, còn cần phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ về biến đổi khí hậu với cựu Ngoại trưởng Kerry hiện là Đặc phái viên Khí hậu.
Lợi thế của ông Burns còn nằm ở sự quen biết với những người này. Chính ông Burns đã là cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của ông Biden, cũng từng như là cố vấn không chính thức cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Clinton. Quá trình làm việc đó giúp ông có mối quan hệ mật thiết với những người trong giới chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ như Blinken và Sullivan. Từ năm 2014 – 2017, ông Burns cũng làm việc trong Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Ngoại trưởng thời ông Kerry.
Chủ tịch Eric S. Rubin của Hội nhà ngoại giao Mỹ từng là Đại sứ Mỹ tại Bulgaria, đã biết ông Burns và làm việc cùng trong hơn 30 năm, có chỉ ra rằng việc bổ nhiệm ông Burns là Đại sứ tại Trung Quốc là “có hiệu quả, không khó để thấy trước”.
“Burns rất dễ gần, ông ấy là một người rất hướng ngoại và lôi cuốn. Ông ấy thích giao thiệp với mọi người, thích diễn thuyết trước đông người, đặc biệt là thu hút sinh viên và những người trẻ tuổi. Ông ấy là một nhà diễn thuyết tài năng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ông ấy (nếu là Đại sứ tại Trung Quốc) sẽ rất hiệu quả, không khó để thấy trước. Tôi nghĩ đây chính xác là những gì bây giờ chúng ta cần”, ông nói với VOA.
Mặt khác, sự nghiệp của ông Burns đã đi cùng nhiều cuộc đàm phán khó khăn, giúp ông quen với những khó khăn của mặt trận ngoại giao, qua đó rèn luyện cho ông ý chí mạnh mẽ.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ quen thuộc với ông Burns nói với VOA: “Ông ấy rất thân thiện, cởi mở, và có sức thu hút, nhưng chắc chắn là một người cứng rắn. Tôi cho rằng đề cử ông là nhân tố tốt. Vì dù ai giữ chức vụ này, người đó vừa phải cứng rắn, lại vừa sẵn sàng đối thoại”.
Theo VOA
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns