Viên Cung Di: ĐCSTQ muốn đàm phán – Hoa Kỳ dùng “chiến lược kiên nhẫn”
- Lý Hoài Quất
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã tăng cường nỗ lực đàn áp Hồng Kông, bao gồm truy tố 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và thông báo những thay đổi đối với chế độ bầu cử của Hồng Kông tại kỳ họp “lưỡng hội” (Nhân đại và Chính hiệp). Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã lên án, cáo buộc rằng mặc dù luôn ủng hộ người dân Hồng Kông nhưng Hoa Kỳ lại chậm chạp đưa ra các biện pháp trừng phạt. Nhà tư bản công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di chỉ ra rằng Hoa Kỳ đã áp dụng “kế trì hoãn” chống lại ĐCSTQ, mà thế yếu của ĐCSTQ chính là không thể trì hoãn lâu được.
Chính quyền Hồng Kông gần đây đã bắt giữ 47 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và cáo buộc họ tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của Hội đồng Lập pháp năm 2020 là vi phạm “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” nhằm “âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước”. Đồng thời, Hồng Kông cũng trở thành chủ đề nóng trong kỳ họp “lưỡng hội” của ĐCSTQ. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tuyên bố sẽ sửa đổi hệ thống bầu cử hiện tại của Hồng Kông, có nghĩa là thay đổi từ “bán dân chủ” thành “vô dân chủ”.
Đối với hàng loạt hành động tự ý của ĐCSTQ nhằm bóp nghẹt tự do của Hồng Kông, Hoa Kỳ cũng chỉ nói vài lời lên án. Nhiều người Hồng Kông hy vọng rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể hành động và trừng phạt mạnh tay các quan chức ĐCSTQ giống như chính quyền Trump trước đây đã làm. Ông Viên Cung Di dẫn lời cố vấn chính sách Trung Quốc của cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, ông Dư Mậu Xuân cho biết, Hoa Kỳ trước mắt đang sử dụng kế trì hoãn trong chính sách ngoại giao của mình.
Ông Viên cũng tiết lộ rằng ông Pompeo không muốn tham gia các cuộc đàm phán ở Hawaii 2020, nhưng cựu tổng thống Trump vẫn muốn giữ đôi chú thể diện cho ông Tập Cận Bình và Dương Khiết Trì nên mới cử ông Pompeo đến đó. Ông Viên giải thích rằng ông Pompeo luôn tin rằng không cần phải giao tiếp với ĐCSTQ. “Cách ông ấy đối xử với ĐCSTQ chính là không giao tiếp, không đàm phán,” cho đến khi ĐCSTQ thực sự hành động để chứng minh sự chân thành của mình, “do đó, ĐCSTQ hận ông đến tận xương”. Chính phủ Hoa Kỳ hiện tại cũng đã thừa hưởng cách đối xử của ông Pompeo đối với ĐCSTQ, vì vậy họ đã trì hoãn và không ngồi lại đàm phán.
Một số nhà phân tích cho rằng một mặt ĐCSTQ muốn bóp nghẹt hoàn toàn nền dân chủ và tự do của Hồng Kông, mặt khác cũng đang cho Hoa Kỳ thấy điều đó, mong rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp, ĐCSTQ liền có thể nắm bắt cơ hội đàm phán các điều kiện với Hoa Kỳ. Ông Viên tin rằng ĐCSTQ đang dùng “thất thương quyền” để đàn áp Hồng Kông, không những gây tổn thương cho đặc khu này mà còn gây tổn hại cho nền kinh tế của Trung Quốc Đại lục. Hồng Kông đã mất vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế. Do đó, Đại lục không còn có thể dựa vào Hồng Kông để thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng khiến cho ĐCSTQ cũng trở thành “thân bại danh liệt” trên trường quốc tế.
Thuế quan mà cựu tổng thống Trump áp đặt trong những năm đầu đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh luôn hy vọng rằng ông Biden sẽ bãi bỏ thuế quan, nhưng Hoa Kỳ dường như vẫn chưa có hành động gì.
Về vấn đề thuế quan giữa Hồng Kông và Trung Quốc, ông Viên chỉ ra rằng, Hoa Kỳ không phải là không hành động, mà là đang trì hoãn. Ông tiết lộ rằng một số người trong chính phủ hiện nay rất chống ĐCSTQ. Cốt lõi trong chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc là “chiến lược kiên nhẫn”. Sau khi chính quyền mới của Hoa Kỳ nhậm chức, thái độ của họ đối với ĐCSTQ vẫn luôn là không mềm mỏng và cũng không cứng rắn. “Hoa Kỳ mạnh, ĐCSTQ yếu, mà bên kéo dài không nổi chính là ĐCSTQ” ông nói thêm rằng “kéo” (trì hoãn) không phải là điều gì xấu, bàn về độ gian manh thì Hoa Kỳ không đấu lại nổi ĐCSTQ, mỗi lần ĐCSTQ đều đưa ra cho Hoa Kỳ rất nhiều yêu cầu, nhưng bản thân thì vẫn là nói suông không làm.
Ngoài ra, ông Viên nói rằng nhiều người trong ĐCSTQ không hài lòng với ông Tập Cận Bình, do đó, không loại trừ việc ông Tập sử dụng vấn đề Đài Loan để chuyển hướng mâu thuẫn nội bộ. Người ngoài cuộc cũng phân tích rằng Đài Loan hiện nay cũng không an toàn, sau khi ông Tập xử lý Hồng Kông thì Đài Loan chính là mục tiêu tiếp theo.
Theo báo cáo, sau khi tàu ngầm hạt nhân SNA Émeraude của Pháp và tàu hỗ trợ BSAM Seine hoàn thành hành trình trên Biển Đông vào tháng trước, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và một tàu khu trục của Đức cũng sẽ tới vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương. Báo cáo dẫn lời chuyên gia Nhật Bản Hiroyuki Akita phân tích, việc châu Âu điều tàu chiến tới Biển Đông là biểu hiện của sự không hài lòng với việc Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông và Tân Cương, cũng như những hành động cứng rắn của nước này ở Biển Đông.
Về vấn đề này, ông Viên chỉ ra rằng ông Pompeo khi còn ở nhiệm sở đã xây dựng một nền tảng để đoàn kết các lực lượng trên thế giới chống lại ĐCSTQ. “Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, Malacca và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về cơ bản, cục diện này đã được quyết định rồi, không thể thay đổi trong ngắn hạn. Hơn nữa ông Biden không đủ can đảm để thay đổi”, “Ông Pompeo thực sự đã đóng góp rất lớn trong việc đó. Cục diện này đối với ĐCSTQ mà nói thì cũng thật là đau đớn!”
Lý Hoài Quất, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Mike Pompeo Dòng sự kiện Viên Cung Di mối quan hệ Mỹ - Trung