Phân tích: Nhận thức rõ bản chất ĐCSTQ, tránh rơi vào bẫy đàm phán
- Lâm Nghiên
- •
Ông Matthew Pottinger – Cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền cựu Tổng thống Trump, vào tháng Hai năm nay đã cảnh báo chính quyền ông Biden không nên rơi vào “bẫy đàm phán” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng không nên để cho họ “kéo dài thời gian”. Gần đây, 2 học giả Mỹ đã có bài viết thúc giục đội ngũ của ông Biden tiếp thu kiến nghị này, đồng nêu ra 3 bản chất của ĐCSTQ.
Ông Matthew Pottinger nói, trong đàm phán, ĐCSTQ rất giỏi áp dụng sách lược kéo dài thời gian, còn trong thời kỳ chính quyền ông Trump, một sách lược quan trọng của Mỹ chính là không cho phép ĐCSTQ kéo thời gian đàm phán quá dài.
“Đối với Mỹ mà nói, chúng ta cần gây áp lực lên Trung Quốc (ĐCSTQ), giải quyết nhanh nhất có thể vấn đề Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành những việc nguy hại cho an ninh quốc gia, thịnh vượng và dân chủ của chúng ta.” Ông nói, “Do đó, không nên rơi vào bẫy của Bắc Kinh hết lần này đến lần khác, cũng chính là họ cố gắng dẫn dụ Mỹ tiến hành kéo dài thời gian của giai đoạn đàm phán trung gian và chính thức.”
Ngày 28/2, bài viết có tựa đề “ĐCSTQ sẽ bẫy Mỹ trong đàm phán, sau đó làm trái với cam kết” của đồng tác giả Bradley A. Thayer (tác giả “Trung Quốc đối đãi với thế giới như thế nào: Chủ nghĩa dân tộc của ĐCSTQ và sự cân bằng lực lượng trong chính trị quốc tế” ) và ông Hàn Liên Triều (Phó giám đốc tổ chức Sáng kiến Quyền lực công dân Trung Quốc) đăng trên trang mạng The Hill, đã phân tích 3 bản chất của ĐCSTQ, nói rõ việc đàm phán thời gian dài với ĐCSTQ là tương đương với rơi vào bẫy.
Bài viết nói, kinh nghiệm giao thiệp với Trung Quốc mấy thập kỷ qua đã cho Mỹ một số bài học đau thương. Thứ nhất, Mỹ tuyệt đối không thể tin vào chính quyền toàn trị Trung Quốc (ĐCSTQ). Thứ hai, đàm phán là một chiến thuật trì hoãn (của ĐCSTQ), để giành được cơ hội chiến lược. Thứ ba, nếu thông qua đàm phán mà đạt được thỏa thuận, Bắc Kinh chắc chắn sẽ làm trái với thỏa thuận để đạt được mục đích của họ. Đây là vì sự lật lọng đã ngấm vào trong gen chính trị của ĐCSTQ.
Bài viết nói: “Không từ thủ đoạn là một đặc điểm nhất quán của phong trào chủ nghĩa cộng sản. Đối với người đảng Cộng sản mà nói, việc đoạt lấy chính quyền quốc gia, hủy hoại chủ nghĩa tư bản, thực hiện chủ nghĩa Cộng sản thống trị, thì có lý do để dùng bất cứ thủ đoạn nào, bao gồm bạo lực và khủng bố, phản bội và lừa dối, cho đến cả vô số các hành vi vô nhân đạo, vô đạo đức. Người cộng sản tuyên bố rằng họ đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân, bất cứ sự việc gì mà họ làm đều là vì để cải thiện đời sống của nhân loại. Trên thực tế, họ đã quyết tâm giành lấy quyền lực, duy trì quyền lực và lợi dụng quyền lực để đối phó với kẻ địch. Họ lấy danh nghĩa của ‘nhân dân’, nhưng họ không bao giờ bị ràng buộc bởi các quy tắc ứng xử hiện có, đạo đức được công nhận hoặc bất kỳ hiệp ước hoặc thỏa thuận nào.”
ĐCSTQ học theo Lenin, đối với đối thủ và đồng minh đều không giữ cam kết
Bài viết còn lấy ví dụ về cố lãnh đạo Liên Xô cũ Lenin không từ thủ đoạn để thực hiện mục tiêu, để nói rõ ĐCSTQ đang theo sát Lenin về phương diện này. Bài viết nói, khi có bất cứ thỏa thuận nào không phù hợp với mục tiêu ông ta, Lenin sẽ vứt bỏ nó. Giống như những gì ông ta nói: “Thỏa thuận giống như lớp vỏ của nhân bánh, là dùng để phá vỡ.” Liên Xô đã phá vỡ rất nhiều “lớp vỏ của nhân bánh”. Chính phủ Liên Xô đàm phán và ký kết nhiều thỏa thuận với các nước, nhưng hầu như không tuân thủ bất cứ thỏa thuận nào. Nếu không có các quốc gia khác giám sát đốc thúc và tiếp tục gây áp lực mạnh mẽ đối với Moscow thì đương nhiên họ cũng sẽ không làm theo thỏa thuận.
Ông Thayer và ông Hàn Liên Triều cho rằng ĐCSTQ bám sát theo cách làm của Lenin. Trước khi ĐCSTQ cướp chính quyền, họ đã nhiều lần đàm phán với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (sau năm 1949 chấp chính tại Đài Loan). Nhưng họ lại lợi dụng cơ hội này để tăng cường thực lực của họ, chuẩn bị bạo động phản bội chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Khi thời cơ chín muồi, họ vi phạm cam kết, lật đổ chính phủ hợp pháp.
Năm 1953, ông Tưởng Giới Thạch đã từng nói thẳng, “Đàm phán hòa bình với cộng phỉ, thực tế bằng như bảo hổ tự lột da.”
Tình hình Hồng Kông hiện nay càng có thể nói rõ sự thực ĐCSTQ không tuân thủ cam kết. Bài viết nói, thỏa thuận liên quan đến Hồng Kông mà Trung – Anh ký kết vào năm 1984 chính là một ví dụ rất tốt, có thể nói rõ ĐCSTQ vi phạm cam kết như thế nào. Vì để tiếp quản Hồng Kông, Trung Quốc (ĐCSTQ) cam kết duy trì chế độ chính trị của Hồng Kông không thay đổi trong 50 năm. Sau khi ký kết thỏa thuận, Bắc Kinh đã âm thầm bắt đầu phá hoại tính độc lập của Hồng Kông. Hiện tại, lãnh đạo Hồng Kông (do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình kiểm soát), công nhiên hủy hoại thỏa thuận, tàn phá người dân Hồng Kông để duy hộ quyền thống trị tuyệt đối của ĐCSTQ.
Ông Thayer và ông Hàn Liên Triều còn nói ra một phẩm chất bỉ ổi khác của ĐCSTQ. Họ cho biết, trên thực tế, ĐCSTQ không chỉ không giữ cam kết đối với đối thủ, đối với đồng minh chủ nghĩa cộng sản cũng không giữ cam kết, ĐCSTQ từng làm trái cam kết với Liên Xô, Việt Nam và các nước đồng minh cộng sản khác.
Đàm phán là thủ đoạn ĐCSTQ kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc đối kháng cuối cùng với Mỹ
Bài viết nói rằng sách lược đàm phán của ĐCSTQ nên nói là một bản cập nhật mới của mô hình của Lenin. Một bài viết trên Tạp chí Cầu Thị (tạp chí lý luận cấp cao của ĐCSTQ) viết rằng giống như dê và sói có thể cùng tồn tại trong một điều kiện nhất định, có lúc vì để cuối cùng có thể đánh bại kẻ địch, nên cần phải có “thỏa hiệp” tạm thời lui lại. Điều này giống với nhận thức của Lenin, có lúc phải lui lại một bước thì mới tiến được 2 bước. Mấy năm qua, ông Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh “ĐCSTQ vẫn trong thời kỳ thời cơ chiến lược quan trọng”, dùng lời của ĐCSTQ mà nói, chính là chính quyền cần nhiều thời gian để tập trung lực lượng, thực hiện “Trung Quốc mộng” xưng bá thế giới của ông Tập Cận Bình. Một khi ĐCSTQ đạt được mục tiêu chuẩn bị xưng bá, thì sẽ giống như cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng nói “không sợ phát động chiến tranh”. Đây chính là lý do vì sao ĐCSTQ thường xuyên dùng sách lược đàm phán hoặc đối thoại để trì hoãn đối kháng quá sớm với Mỹ cho đến khi họ có đủ thực lực.
Từ khi ông Biden nhậm chức đến nay, Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi Mỹ rằng cần triển khai đối thoại Trung – Mỹ. Từ tháng 12 năm ngoái, Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị đã kêu gọi khởi động đối thoại các cấp, đồng thời đặc biệt chỉ ra cần “cùng chế định 3 trình tự hợp tác, đối thoại, kiểm soát bất đồng”. Hồi tháng Hai vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Trung ương ĐCSTQ Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ Blinken, một lần nữa nhắc lại muốn tạo dựng mối quan hệ lành mạnh với Mỹ.
Bài viết của ông Thayer và ông Hàn Liên Triều nói rằng tuy nhiên, lịch sử đàm phán với ĐCSTQ đã chứng minh, ĐCSTQ không hề có chút thành ý trong quá trình này. ĐCSTQ chưa bao giờ có thành ý thỏa hiệp, tuân thủ thỏa thuận. Cuộc nói chuyện giữa ông Dương Khiết Trì và ông Blinken đã chứng minh thêm cho điểm này, ông Dương nhấn mạnh những lợi ích cốt lõi như Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương là không thể đàm phán, đồng thời cảnh báo Mỹ không được vượt quá “lằn ranh đỏ”.
Bài viết còn nhấn mạnh, không thể không chú ý đến danh sách lợi ích cốt lõi của ĐCSTQ đã ngày càng dài. Vấn đề nhân quyền cơ bản, trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, tự do mạng internet, tranh chấp lãnh thổ, v.v đều là vùng cấm. Dựa vào việc ĐCSTQ đã sớm đưa ra con át chủ bài của đàm phán của họ, nên bất cứ đàm phán nào với ĐCSTQ đều không hề có chút ý nghĩa, đàm phán chỉ có thể là thủ đoạn ĐCSTQ giành lấy thời gian cho cuộc đối kháng cuối cùng với Mỹ.
Hàng thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc nhiều lần đàm phán nhưng chưa có được thành quả tích cực nào
Hàng thập kỷ qua, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành nhiều lần đàm phán và đối thoại trong nhiều lĩnh vực như thương mại, chính trị, nhân quyền, nhưng đều không ra được kết quả tích cực. ĐCSTQ từng cam kết không quân sự hóa Biển Đông, ngừng tấn công mạng và đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ, đồng thời ngừng ép buộc chuyển nhượng công nghệ, tất cả những cam kết này đều bị phá vỡ. Gần đây, ông Tập Cận Bình đã làm trái với thỏa thuận thương mại (giai đoạn 1) đã đạt được qua các cuộc đàm phán với ông Trump, số lượng hàng hóa Mỹ mà phía Trung Quốc cam kết mua còn rất xa mới đạt được yêu cầu của thỏa thuận.
ĐCSTQ không tuân thủ “Điều lệ Y tế quốc tế” của Tổ chức Y tế Thế giới và không tuân thủ yêu cầu báo cáo kịp thời, không nghi ngờ gì, những hành động này là nguyên nhân dẫn đến virus Trung Cộng (COVID-19) lây lan toàn cầu; hành động khủng bố của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng không phù hợp với “Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới”.
Cuối cùng, bài viết nói rằng lịch sử giao thiệp giữa Mỹ và ĐCSTQ, nên khiến cho chính quyền ông Biden phải cẩn thận trước khi cân nhắc mở lại hoặc thiết lập mới cơ chế đối thoại. Phía Mỹ cần duy trì chính sách gây áp lực của chính quyền ông Trump thì mới tạo được thay đổi tích cực, không để Bắc kinh có nhiều thời gian hơn nữa để tăng cường thực lực của họ, từ đó ngăn chặn ĐCSTQ trở lên lớn mạnh hơn và có thể trực tiếp tổn hại đến lợi ích và an ninh quốc gia của Mỹ.
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Bản chất ĐCSTQ Đàm phán Mỹ - Trung