Theo truyền thông Armenia đưa tin hôm thứ Ba (26/9), vụ nổ kho xăng tại khu vực Nagorno-Karabakh hôm thứ Hai (25/9) đã khiến ít nhất 125 người thiệt mạng. Vụ nổ xảy ra vào thời điểm hàng nghìn người sắc tộc Armenia đang tìm cách trốn chạy khỏi khu vực đã bị Azerbaijan kiểm soát sau một cuộc tấn công vũ trang 24 giờ vào tuần trước.

Pan Armenian News hôm 26/9 dẫn thông tin từ Bộ trưởng Y tế Anahit Avanesian cho biết thi thể của 125 nạn nhân vụ nổ kho xăng đã được vận chuyển tới Armenia trong ngày 25/9. Các tin tức ban đầu sau vụ nổ báo cáo có 200 người bị thương, sau đó loan tin 29 người chết, gần 300 người bị thương và một số người không rõ số lượng đang mất tích.

Kho xăng bị nổ hôm 25/9 nằm trên một tuyến đường cao tốc gần thủ phủ Stepanakert (Azerbaijan gọi là Khankendiz) của khu vực Nagorno-Karabakh. Vụ nổ xảy ra khi đám đông đang xếp hàng để đổ nhiên liệu cho xe ôtô nhằm trốn chạy sang Armenia.

Theo RT, một đoạn video quay tại hiện trường cho thấy sự tàn phá xảy ra trên diện rộng, cột khói đen bốc cao lên bầu trời bao phủ địa điểm kho xăng phát nổ.

Vụ nổ này xảy ra khoảng gần một tuần sau khi những lãnh đạo ly khai người Armenia tại Nagorno-Karabakh đã đầu hàng quân đội Azerbaijan sau một chiến dịch tấn công kéo dài khoảng 24 giờ mà Baku gọi là “các biện pháp chống khủng bố”.

Theo các điều khoản đầu hàng, Azerbaijan sẽ giành lại quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh sau gần ba thập kỷ xung đột âm ỉ từ cuộc chiến tranh 6 tuần năm 1994.

Hàng nghìn người Armenia do lo sợ bị Azerbaijan thanh trừng sắc tộc, nên đã đang trốn chạy khỏi khu vực Nagorno-Karabakh sau khi các lãnh đạo ly khai buông súng đầu hàng.

Tính đến tối 26/9, khoảng hơn 28.000 trong số 120.000 người Armenia sống ở Nagorno-Karabakh đã di chuyển được sang Armenia, theo giới chức tại Yerevan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev phải đảm bảo rằng quyền của người Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh được bảo vệ theo luật. Tổng thống Aliyev đã hứa sẽ làm vậy, nhưng trước đó đã từng nói rằng người Amernia “thậm chí không đáng là đầy tớ”. Ông Aliyev cũng bị giới quan sát phương Tây coi là một chính trị gia lạm dụng nhân quyền.

Nagorno-Karabakh nằm ở khu vực mà trong nhiều thế kỷ bị đặt dưới sự thống trị của người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga, người Ottoman và Liên Xô. Cả Azerbaijan và Armenia đều tuyên bố chủ quyền khu vực này sau khi Đế chế Nga sụp đổ vào năm 1917. Trong thời kỳ Liên Xô, khu vực này được chính quyền cộng sản chỉ định là khu vực tự trị nằm trong Azerbaijan.

Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, người Armenia sống tại Nagorno-Karabakh đã hất bỏ sự kiểm soát trên danh nghĩa của Azerbaijan và đã kiểm soát khu vực này sau một cuộc chiến tranh được gọi là Chiến tranh Karabakh lần thứ nhất. Từ năm 1988 đến năm 1994, có khoảng 30.000 người đã thiệt mạng và hơn 1 triệu người, chủ yếu là người Azerbaijan, đã phải di tản đi nơi khác.

Năm 2020, sau nhiều thập kỷ xung đột nhỏ dai dẳng, Azerbaijan đã giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày, được gọi là Chiến tranh Karabakh lần thứ hai. Cuộc chiến này đã kết thúc sau khi các bên ký thỏa thuận hòa bình dưới sự trung gian hòa giải của Nga.

Tuần trước, Azerbaijan đã tiến hành hoạt động quân sự kéo dài 24 giờ mà họ gọi là chiến dịch “chống khủng bố” tại Nagorno-Karabakh. Các chiến binh người Armenia tại đây đã phải buông súng đầu hàng do quân Azerbaijan áp đảo về số lượng.

Hải Đăng (t/h)