Vụ Ukraine: Biden nói ‘Nga bắt đầu xâm lược’; Mỹ và phương Tây công bố trừng phạt
- Xuân Thành
- •
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba (22/2) nói cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang bắt đầu và Mỹ sẽ áp đặt chế tài khắc nghiệt, điều thêm quân tới các quốc gia Baltic giáp Nga.
“Đây là sự bắt đầu của một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine”, ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 22/2.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jon Finer cũng phát biểu công khai rằng: “Chúng tôi nghĩ đây là sự bắt đầu của một cuộc xâm lược, cuộc xâm lược mới nhất của Nga vào Ukraine. Một cuộc xâm lược là một cuộc xâm lược và đó là những gì đang diễn ra”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 22/2 cũng nói với báo giới rằng “cuộc xâm lược mới nhất” của Nga vào Ukraine đang đe dọa tới ổn định khu vực. Tuy nhiên, ông Austin cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể “vẫn tránh lựa chọn một cuộc chiến tranh toàn diện”.
Trước đó, vào đầu ngày 22/2, Ngoại trưởng Liên minh châu Âu Josep Borell nói rằng quân đội Nga đã vào khu vực Donbaas, Đông Ukraine rồi. Các nhóm ly khai thân Nga đã kiểm soát hai lãnh thổ Donetsk và Luhansk tại Donbass từ năm 2014.
Cũng trong ngày 22/2, Quốc hội Nga đã chuẩn thuận một kế hoạch được ông Putin hậu thuẫn, trong đó cho phép sử dụng quân đội Nga bên ngoài biên giới nước này.
Trước bối cảnh Nga leo thang căng thẳng với Ukraine, Tổng thống Biden trong bài phát biểu hôm 22/2 đã loan báo: “Chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng chế tài nếu Nga leo thang [căng thẳng với Ukraine]”.
Tổng thống Mỹ cho biết giới tinh anh Nga và các thành viên gia đình của họ cũng sẽ sớm phải đối mặt với nhiều chế tài từ Mỹ. Ông Biden nói thêm rằng “Nga sẽ trả giá đắt hơn nữa” nếu họ quyết định leo thang tại Ukraine. Ông Biden tiết lộ sẽ áp chế tài lên hai ngân hàng Nga, trong đó có ngân hàng quân đội Promsvyazbank và ngăn chặn chính phủ Nga tiếp cận nguồn tài chính của phương Tây.
Liên minh châu Âu (EU), Đức và Anh cũng đã loan báo họ sẽ áp đặt chế tài tài chính lên Nga. Tất cả 27 quốc gia EU đã nhất trí thông qua một danh sách chế tài ban đầu nhắm vào các quan chức Nga, Reuters dẫn thông tin từ Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ngoại trưởng EU Josep Borell tuyên bố rằng gói trừng phạt này “sẽ gây tổn hại nhiều cho Nga”.
Đức hôm 22/2 cũng đã tuyên bố tạm dừng vô thời hạn phê duyệt đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Trong khi Anh Quốc cũng loan báo áp chế tài lên các ngân hàng Nga.
Phản ứng với các chế tài từ Mỹ và đồng minh, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án đó là các biện pháp “bất hợp pháp”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ các chế tài của phương Tây, ông nói: “Các đồng nghiệp châu Âu, Mỹ, Anh sẽ không dừng và sẽ không hạ nhiệt cho đến khi họ cạn kiệt tất cả khả năng cho việc trừng phạt Nga”.
Ngoài áp đặt chế tài, Tổng thống Biden hôm 22/2 cũng nói rằng ông sẽ điều thêm quân đội Mỹ tới các quốc gia Baltic – Estonia, Latvia, và Litva, coi đây là biện pháp phòng vệ nhằm củng cố vị thế của NATO trong khu vực. Các quốc gia Baltic này có đường biên giới với Nga.
Bất chấp sự leo thang của Nga và phản ứng nhanh chóng từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/2 lại tiếp tục hạ thấp khả năng Nga xâm lược Ukraine và tuyên bố rằng: “Sẽ không có chiến tranh”.
“Sẽ không có một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại Ukraine, và sẽ không có một cuộc leo thang ra bên ngoài biên giới từ Nga. Nếu có việc đó, thì chúng tôi sẽ đặt Ukraine vào tình trạng chiến tranh”, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu trên truyền hình.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Nga Joe Biden Dòng sự kiện căng thẳng Nga - Ukraine