Gần đây, Mỹ thắt chặt chính sách nhập cư, các nước Nam Mỹ cũng thay đổi chính sách thị thực đối với công dân Trung Quốc. Vì vậy, những người Trung Quốc vượt biên không còn cách nào khác là phải tìm con đường khác để đến Mỹ. Nhiều người không ngần ngại chọn đất nước Bolivia xa xôi làm điểm xuất phát cho con đường vượt biên của mình, gian nan vượt 7.000 dặm để vào Mỹ.

nguoi trung quoc vuot bien 1
Cảnh người Trung Quốc đi bộ vượt biên qua biên giới Mỹ. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video)

Theo Wall Street Journal, trước chính sách nhập cư ngày càng khắt khe của Mỹ cùng các hành động trục xuất cứng rắn, những người Trung Quốc vượt biên buộc phải tìm cách khác. Nhiều người lo lắng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách nhập cư cứng rắn sau khi tái đắc cử, nên nắm bắt thời gian và mạo hiểm đến Mỹ.

Đầu tháng trước, Ecuador đã đình chỉ chính sách miễn thị thực cho công dân Trung Quốc, đóng cửa “tuyến đường vượt biên” phổ biến nhất dọc biên giới Mỹ – Mexico. Bộ An ninh Nội địa Mỹ hoan nghênh hành động của Ecuador, bên cạnh đó, 2 ngày sau khi chính sách này được ban hành, cơ quan này cũng đã trục xuất hồi hương 116 người Trung Quốc vượt biên từ Texas trên một chuyến bay thuê bao.

Vì Bolivia là một trong số ít quốc gia vẫn cấp thị thực khi đến cho người Trung Quốc, nên nhiều người cố gắng sử dụng La Paz – thủ đô của Bolivia, làm điểm xuất phát cho tuyến đường vượt biên. Tuyến đường dài này phải đi qua 9 cửa khẩu biên giới và di chuyển 7.000 dặm trước khi đến Tijuana, điểm dừng cuối cùng ở Mexico trước khi vào Mỹ.

Để tránh làm dấy lên sự nghi ngờ của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc khi rời khỏi đất nước, hầu hết mọi người sẽ đi đường vòng qua châu Âu hoặc châu Phi, bắt đầu từ Bolivia sau đó đi qua nhiều quốc gia và đi bộ đường dài vào Mỹ.

Theo báo cáo, hầu hết những người Trung Quốc vượt biên đều sống trong cảnh nghèo đói và buộc phải lưu lạc tha hương. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, các công ty sa thải nhân viên và cạnh tranh ngày càng gay gắt, cùng với hệ thống giám sát và kiểm duyệt khắp nơi đáng báo động, số lượng các nhóm người Trung Quốc vượt biên ngày càng tăng.

Dữ liệu từ chính quyền Panama cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, mỗi tháng có khoảng 2.000 công dân Trung Quốc muốn vào Mỹ đã vượt qua Darien Gap ở biên giới giữa Panama và Colombia.

Nhiều người môi giới vượt biên cho biết, 2023 sẽ là năm cao điểm đối với “người vượt biên” Trung Quốc, nhưng gần đây, nhiều nước đã thắt chặt chính sách, trong đó có việc từ chối lên người vượt biên lên máy bay khi chuyển tiếp máy bay ở nước thứ ba. Một người môi giới cho rằng nếu Mỹ tiếp tục lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư sau bầu cử tổng thống, những “người vượt biên” Trung Quốc sẽ bị truy quét.

Nhiều “người vượt biên” Trung Quốc bị trục xuất

Tờ Sing Tao Daily đưa tin, có các khách sạn ở Cairo, thủ đô của Ai Cập và Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên tiếp nhận những người di dân Trung Quốc có ý định vượt biên vào nước này. Một trong những đại lý khách sạn, Anthony Park, cho biết trong nửa đầu tháng 7, anh đã giúp 20 công dân Trung Quốc đến La Paz, thủ đô của Bolivia. Từ đó họ sẽ vào Hồ Titicaca ở biên giới Peru, sau đó đi qua Ecuador và Colombia để vào Trung Mỹ.

Tuy nhiên, khi hai người trong số họ đến La Paz, chính quyền địa phương cho biết giao dịch đặt phòng khách sạn của họ bị vô hiệu và họ cần phải bị trục xuất. Ngoài ra, 8 trong số 10 người đi từ Cairo đến La Paz vào giữa đến cuối tháng 7 đã bị từ chối cho lên máy bay. Nguyên nhân cũng là do hãng hàng không nghi ngờ việc đặt phòng khách sạn hợp lệ của họ, đặt câu hỏi liệu việc đặt phòng khách sạn có hiệu lực hay không, hoặc do nhà chức trách yêu cầu du khách xuất trình thư mời từ Bolivia.

Liên quan đến những hiện tượng này, một người Trung Quốc nhập cư hiện đang sống ở New York cho biết, áp lực từ xã hội Mỹ trong việc ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng, và với sự hợp tác của các nước Trung Mỹ, việc người Trung Quốc đến Mỹ ngày càng khó khăn hơn.

Một người nhập cư từ miền nam Trung Quốc họ Châu cho biết, khi phát hiện ra những thay đổi chính sách ở Ecuador, anh đã đến đó vào tháng 6. Bây giờ anh đã dừng chân ở thành phố Mexico và dự định đi xe máy đến Mỹ. Anh mô tả chính quyền ĐCSTQ khắc nghiệt như hổ dữ nên anh đã mạo hiểm rời bỏ quê hương.

Ngoài những người dân tầng lớp thấp, một số thành viên thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc cũng bắt đầu vượt biên. Điều này là do sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc trong vài năm qua, tình trạng sa thải nhân viên, sự giám sát ngày càng nghiêm ngặt của chính phủ và bầu không khí bất ổn ở khắp mọi nơi.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, tính đến tháng 5/2024, tổng số người buộc phải sống trôi dạt trên toàn thế giới đã tăng lên 120 triệu người. Trong năm qua, số lượng di dân Trung Quốc chọn rời khỏi quê hương và vào Mỹ bất hợp pháp vì lý do chính trị hoặc kinh tế đã tăng mạnh. Họ có hy vọng cho cuộc sống tương lai ở Mỹ, nhưng họ cũng có những lo lắng và bất lực mà họ phải đối mặt.

Một gia đình 3 người vượt qua bao khó khăn để đến được Mỹ

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, cách đây 2 tháng, ông Hà từ Trung Quốc đã đưa con trai và con gái sang Mỹ qua rừng nhiệt đới Panama và các nước Trung và Nam Mỹ. Hiện nay, họ sống ở thung lũng San Gabriel, khu vực có người Hoa sinh sống ở ngoại ô phía đông Los Angeles.

Khi được phỏng vấn, ông Hà yêu cầu giấu tên vì lo ngại người nhà của ông ở Trung Quốc sẽ bị chính quyền ĐCSTQ sách nhiễu. Ông cho biết gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm trong suốt hành trình: “Thuyền bị lật (khi băng qua rừng nhiệt đới), sau đó chúng tôi không thể lên thuyền. Ban đầu, hành trình kéo dài 2 ngày rưỡi, nhưng chúng tôi đã đi bộ 4 ngày rưỡi.” Con trai của ông còn bị bong gân chân trong rừng, hai bố con từng có thời điểm bị tụt lại phía sau “tức là đằng trước thì không nhìn thấy ai, đằng sau cũng không nhìn thấy ai”.

Sau đó, ông Hà và gia đình buộc phải ở lại Mexico trong vài tuần, và cuối cùng đến Mỹ vào giữa tháng 4 để xin tị nạn. Với sự giúp đỡ của chị gái trong nhà thờ, họ thuê một căn nhà ở Los Angeles và định cư khi đặt chân đến Mỹ lần đầu tiên.

Con gái Jenny của ông cho biết: “Trong tưởng tượng của cháu thì an ninh ở Mỹ không tốt lắm, nhưng sau khi đến đây, cháu cảm thấy ở đây khá yên tĩnh và họ rất thân thiện với trẻ em.”

Số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Hải quan và Biên giới Mỹ (CBP) cho thấy hơn 37.000 công dân Trung Quốc đã cố gắng vượt qua biên giới Tây Nam Hoa Kỳ mà không cần thị thực vào năm ngoái, gấp 10 lần con số của năm trước. Hầu hết người vượt biên Trung Quốc đều chọn Los Angeles, San Francisco và New York, những thành phố tập trung đông đảo người Hoa.

Thái Tư Vân, Vision Times