Xu thế doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc trước vòng thuế quan 200 tỷ
- Huệ Anh
- •
Với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ leo thang, Mỹ đã có kế hoạch cho vòng trừng phạt thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc lên đến 200 tỷ USD (Đô la Mỹ), thúc đẩy mạnh hơn các công ty nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Ngày 23/8, cuộc đàm phán quan chức cấp Thứ trưởng Trung – Mỹ kéo dài hai ngày đã không đạt được kết quả gì, cho thấy đàm phán thương mại Trung – Mỹ tiếp tục thất bại. Cùng ngày, hai bên cùng lúc áp đặt mức thuế 25% đối với trị giá 16 tỷ USD hàng hóa của nhau; đầu tháng trước, hai bên đã áp đặt mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau. Ngày 21/8, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã tổ chức tham vấn cộng đồng về việc áp thuế quan trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngày 23/8, Đài Á châu Tự do (RFA) có bình luận rằng, hiện nay xu thế thị trường đang đặc biệt nhạy cảm đối với vấn đề bế tắc giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề thương mại, nếu tình trạng tiếp tục leo thang thì giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến sẽ gây thiệt hại trực tiếp đến nền sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Thông tin trích dẫn lời doanh nhân Jess người Hồng Kông có nhà máy sản xuất tại Quảng Đông Trung Quốc cho biết, hai vòng áp thuế đầu tiên ảnh hưởng khá mạnh đối với doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, còn đối với doanh nghiệp Đài Loan và Hồng Kông tác động thực sự sẽ ở vòng đánh thuế tiếp theo. Jess cho rằng nếu cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tiếp tục, sẽ có nhiều công ty buộc phải sơ tán khỏi Trung Quốc Đại lục; một ước tính sơ bộ chỉ ra ít nhất một nửa số nhà máy tại Quảng Đông sẽ đóng cửa.
Với sự leo thang của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều công ty nước ngoài đang chuẩn bị sẵn sàng rút ra khỏi hoặc ít nhất là giảm thiểu tối đa đầu tư vào Trung Quốc Đại lục.
Theo hãng tin Bloomberg, nhiều tập đoàn công nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới sản xuất thiết bị điện tử của Đài Loan như Compal, Inventec…. đã sẵn sàng để rút khỏi lãnh thổ Trung Quốc, chuyển đến Đông Âu, Mexico và Đông Nam Á. Thông tin cho biết vào đầu tháng Tám, tại buổi họp báo pháp lý, nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp bao gồm cả Pegatron và Inventec đã tuyên bố tìm cách giảm tác động của chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Mặc dù Tổng thống Mỹ Trump chưa áp dụng đối với sản phẩm điện tử tiêu dùng, nhưng một số người lo lắng điều này sẽ xảy ra trong vòng áp đặt thuế quan tiếp theo đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Liêu Tứ Chính (Liao Cizheng), giám đốc điều hành của Pegatron, cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra một cơ chế hành động và hy vọng sẽ giảm thiểu rủi ro do tranh chấp thương mại.”
Lâm Thu Thán (Lin Qiutan) giám đốc tài chính của Inventec cho biết, kế hoạch ngắn hạn Inventec sẽ tăng năng lực sản xuất tại Cộng hòa Séc, Mexico và Đài Loan; về lâu dài có thể thiết lập các nhà máy ở Ấn Độ và Đông Nam Á.
Ngày 19/8, Reuters đưa tin, nhiều doanh nhân của Mỹ có đầu tư ở Trung Quốc cho biết, nếu vòng áp thuế mới đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc được đưa ra, họ sẽ phải xem xét việc rút khỏi hoặc giảm đầu tư ở thị trường Trung Quốc.
Tư Lạc Văn (Si Luowen) giám đốc Capstone Hồng Kông (chi nhánh của tập đoàn sản xuất sản phẩm điện tử tiêu dùng Capstone trụ sở chính tại bang Florida Mỹ) cho biết, công ty đang nỗ lực đẩy mạnh giảm đầu tư ở Trung Quốc, sẽ chuyển tiền đến những vùng phát triển sản xuất đa dạng hóa, chẳng hạn như Thái Lan.
Charles M. Hubbs, người phụ trách thị trường châu Âu của nhà sản xuất sản phẩm y tế Premier Guard cho biết, “Trước khi leo thang thuế quan, chúng tôi đã muốn chuyển khoảng 30% sản phẩm (sản xuất) từ Trung Quốc sang Mỹ”, vì tiền lương tại Đại lục tăng lên, chi phí lao động và chi phí đất đai đang tăng vọt. “Với việc phát triển thuế quan mới nhất, giả định rằng các mức thuế này sẽ có hiệu lực, chúng tôi có thể chuyển khoảng 60% sản lượng từ Trung Quốc sang Mỹ”, Hubbs nói.
Nhà sản xuất At Home Group Inc và RH cũng cho biết họ sẽ cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc.
Thực tế đã có một số “gã khổng lồ” rời khỏi Trung Quốc Đại lục. Tiêu biểu như ngày 16/7 nhà máy ở Tô Châu của Omron Nhật Bản đã thông báo ngừng sản xuất vĩnh viễn từ ngày hôm đó; tháng Sáu năm nay, cơ sở Samsung Thâm Quyến của Hàn Quốc cũng đóng cửa; cuối tháng Năm, công ty Philips của Hà Lan cũng đóng cửa nhà máy tại Thâm Quyến; tháng Năm, tập đoàn Olympus đóng cửa nhà máy Thâm Quyến. Đầu năm nay, hai “gã khổng lồ” thế giới của Nhật Bản là Điện tử Nitto Denko và Nikon đã nối gót nhau rời khỏi Tô Châu; trước đó, Panasonic, Sharp, Toshiba, Philips, Sony, Honeywell Security, Seagate, đều lần lượt đẩy mạnh rút khỏi Trung Quốc đại lục.
Hiện nay, chẳng hạn như Pou Chen Đài Loan; Samsung Electronics, LG Electronics (LG) của Hàn Quốc; Nikon, Toshiba, Sony, của Nhật Bản đều đã chuẩn bị sẵn sàng rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để chuyển sang khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Brazil có mức lương thấp hơn; họ cũng có kế hoạch trực tiếp xây dựng các nhà máy sản xuất tại các thị trường chính như Mỹ, Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, các công ty thương mại quốc tế cũng đang lần lượt di dời các nhà máy và địa điểm mua sắm ra khỏi Trung Quốc Đại lục.
Theo hãng tin Bloomberg đưa tin hôm 17/8, ngày 07/8, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart đã đưa ra yêu cầu đối với các nhà cung cấp mỹ phẩm của họ, đó là xem xét việc mua sắm hàng hóa tại các quốc gia bên ngoài Trung Quốc. Bởi vì những thương hiệu mỹ phẩm “lớn” được sản xuất tại Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách áp thuế của Mỹ.
Nhà sản xuất Maroon có trụ sở tại Bắc Mỹ cho biết sẽ “thoát khỏi thị trường Trung Quốc”. Bởi vì công ty này sử dụng các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc để lắp ráp máy điều hòa không khí ở Houston, Mỹ.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại chiến tranh thương mại Mỹ Trung