Nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ Trung Quốc: ‘Hoàn toàn có thể yên tâm’
- Trần Tâm - Kim Long
- •
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng chúng ta hoàn toàn yên tâm về vấn đề an toàn nguy cơ phóng xạ khi có 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc xây dựng gần biên giới nước ta.
15h chiều nay (4/6), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn với các vấn đề công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng chia lửa với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về nhóm nội dung này còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Có 66 đại biểu đã đăng ký chất vấn bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đặt vấn đề Trung Quốc đặt 3 nhà máy hạt nhân gần biên giới nước ta, vậy có nguy cơ từ gì từ việc rò rỉ phóng xạ, biện pháp phòng ngừa?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng cho biết đã nắm được sự việc và Bộ đã giao Bộ Công nghệ xây dựng trạm để theo dõi chính xác; đồng thời, Bộ Công nghệ đã làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các tiêu chuẩn an toàn.
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng đưa ra một quy hoạch rất cụ thể về việc phòng tránh tác hại của phóng xạ. “Tôi cho rằng nếu chúng ta làm tốt, cùng với công nghệ hiện đại, phối hợp với quốc tế để giám sát, kiểm soát thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này” – Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lo lắng việc thị trường đất đai tại 3 địa phương Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sắp trở thành đặc khu kinh tế sẽ nóng lên, Bộ có biện pháp gì không?
Tuy nhiên, Bộ trưởng không trả lời. Sau khi ĐB Trí nhắc lại câu hỏi, Bộ trưởng nói câu hỏi rất hay nhưng quên mất.
Bộ trưởng Hà cho rằng về 3 đặc khu, việc đưa ra nội dung trong chỉ thị là đúng đắn, tuy nhiên hình thức ra chỉ thị là không phù hợp với pháp luật, vì vậy, nên cần có cơ chế, quy chế đặc biệt.
“Tôi kiến nghị luôn là việc ra chỉ thị ngừng giao dịch đất đai tại ba đặc khu sắp hình thành là không phù hợp pháp luật. Đề nghị Quốc hội có nghị quyết đặc thù để xử lý vấn đề này”.
Bộ trưởng cũng cho rắng đáng lo ngại hơn cả là các giao dịch ngầm trong việc chuyển đổi đất rừng trái phép ở ba khu vực sắp hình thành đặc khu, rất nhiều nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu.
Vì vậy, các địa phương phải xem lại hiện trạng quản lý đất đai để đền bù đúng đối tượng, tránh đầu cơ, cũng như cảnh báo những giao dịch ngầm trái pháp luật sẽ bị hậu quả nếu trái quy hoạch, kế hoạch.
Ô nhiễm không khí “chưa nghiêm trọng”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí và đại biểu Trịnh Ngọc Phương cùng đề cập tới ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Theo thống kê, người dân Hà Nội cứ 10 ngày thì 9 ngày phải hít thở không khí có mức độ bụi quá mức cho phép.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng thông tin mà đại biểu đưa là chưa chính xác, Bộ trưởng không đồng tình vì đó là công bố từ trạm quan trắc của một tổ chức nên chỉ mang tính chất cục bộ. Kết quả từ các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên không ghi nhận tình trạng như vậy, dù có ghi nhận ô nhiễm từ hoạt động giao thông.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm ngoài ô nhiễm xuất phát từ hoạt động giao thông, còn có nguồn từ việc đốt rơm rạ tại vùng nông thôn, việc người dân sử dụng than đốt,…
“Tình hình ô nhiễm không khí hiện có nhưng chưa đáng quan ngại như đại biểu phản ánh“, ông Hà khẳng định.
Trong chiều nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 câu hỏi chất vấn và 8 ý kiến tranh luận. Sáng mai (5/6), Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của 47 đại biểu.
Trần Tâm – Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa Quốc hội sạt lở bờ sông Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nguồn nước ô nhiễm Ô nhiễm môi trường