9 tháng năm 2023, phát hiện vi phạm kinh tế gần 500 ha đất, trên 198.000 tỷ đồng
Cùng thời gian 9 tháng 2023, trên cả nước, số đất đai và tài sản vi phạm kinh tế thu hồi được là 4.418 tỷ đồng và 9 ha.
- 3 tháng: Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 96.000 tỷ đồng và 772 ha đất
- Quảng Ngãi 2023: Cứ mỗi tháng sai phạm hơn 1,4 tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó nổi cộm vấn đề phòng chống tham nhũng, phát hiện các sai phạm về kinh tế trên 198 nghìn tỷ đồng, 495 ha đất…
Theo văn bản trên, Thanh tra Chính phủ cho biết trong 9 tháng năm 2023, toàn ngành đã triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, các cơ quan đã phát hiện vi phạm về kinh tế 198.665 tỷ đồng, 495 ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 155.548 tỷ đồng và 56 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 43.117 tỷ đồng, 439 ha đất.
Các cơ quan thanh tra đã ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ/363 đối tượng.
Cũng thời gian, toàn ngành đã hoàn thành 3.445 kết luận thanh tra, chiếm 42,7% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra (8.075 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra). Tổng số tài sản đã thu hồi là 4.418 tỷ đồng và 9 ha đất; xử lý hành chính 1.529 tổ chức, 5.182 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 207 vụ/158 đối tượng; khởi tố 9 vụ/15 đối tượng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 221 văn bản về cơ chế, chính sách, phát luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 58,2%).
Về kế hoạch thanh tra trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước…
Mới đây, tại báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí gửi Quốc hội, theo số liệu tính từ 1/10/2022 đến 30/9/2023, VKS các cấp đã khởi tố mới 877 vụ phạm tội tham nhũng, chức vụ, tăng 75%. Trong đó có nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, chứng khoán, trái phiếu, y tế, giáo dục và đăng kiểm.
Một số vụ án được VKSND tối cao xác định là điển hình như vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại NXB Giáo dục Việt Nam; vụ án “Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) và các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, Chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Từ khóa thanh tra chính phủ thu hồi tiền tham nhũng vi phạm kinh tế