96.000 hộ dân vùng ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt
- Nguyễn Quân
- •
Ước tính khoảng 96.000 hộ dân ở các tỉnh Nam bộ đang thiếu nước sinh hoạt do hạn hán và xâm nhập mặn, theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Số hộ dân thiếu nước ở các tỉnh, thành phố gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Tại các tỉnh trên, ranh mặn 4g/l đã xâm nhập sâu hơn so với năm hạn mặn lịch sử 2016 (xem bản đồ).
Ông Phùng Tiến Dũng – Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cho biết lượng mưa mùa lũ trên sông Mekong thiếu hụt và tổng lượng dòng chảy từ sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt là nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn sớm và khốc liệt trong mùa khô năm 2019-2020.
Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa mùa lũ năm 2019 trên sông Mekong thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm (TBNN) và thiếu hụt từ 15-25% so với đỉnh điểm hạn mặn năm 2015.
Tổng lượng dòng chảy thiếu hụt từ 30-35% so với TBNN và thiếu hụt khoảng 5% so với năm 2015, dẫn đến dòng chảy chuyển tiếp mùa khô 2019-2020 từ sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với TBNN và năm 2015-2016.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 21-31/3, khu vực Nam Bộ tiếp tục ít mưa, ngày nắng, các tỉnh miền Đông Nam Bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, miền Tây Nam Bộ nhiệt độ phổ biến từ 32-34 độ, cục bộ có nơi xuất hiện nắng nóng.
Mực nước thượng lưu sông Mekong biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5m. Dự báo đến tháng 5, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL vẫn ở mức thấp hơn so với TBNN, thấp hơn từ 5-20%.
Xâm nhập mặn có xu thế tăng nhẹ từ ngày 21-26/3, sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3. Xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau giảm dần.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa hạn mặn lịch sử mùa khô 2020